Doanh nghiệp kiến nghị gỡ khó cho tín dụng bất động sản
Hàng loạt kiến nghị của các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn chủ yếu xoay quanh vấn đề nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và pháp lý đã được đưa ra tại Hội nghị Tín dụng bất động sản diễn ra sáng nay (8/2).
Đề xuất nới room tín dụng
Sáng nay (8/2), Hội nghị Tín dụng bất động sản do NHNN (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức. Theo đó, hàng loạt kiến nghị của các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn chủ yếu xoay quanh vấn đề nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và pháp lý đã được đưa ra.
Ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land phát biểu. Ông nói, bên cạnh các đề xuất phía VinGroup, Hưng Thịnh cũng có bổ sung một số ý kiến: Như một số nước trên thế giới, việc huy động vốn từ trái phiếu là một nguồn tiền rất tốt cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, kênh huy động này đang gặp bế tắc. Để giải quyết tình trạng khó khăn này, về góc độ doanh nghiệp, tôi đề nghị NHNN và các bộ ngành xem xét có phương án để hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt thì các trái chủ mới cảm thấy yên tâm đầu tư. Trong đó, đề xuất NHNN nới room cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh và đầu tư.
Cùng quan điểm, ông Lê Trọng Khương, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, việc nới room cũng là điều cần thiết để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh, đồng thời qua đó gia tăng niềm tin ở các trái chủ để họ tiếp tục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp thừa nhận, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng do mất niềm tin của người dân, trái chủ nên "bị tắc". Việc phát hành trái phiếu ở một số quốc gia khác là nguồn huy động lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên ở Việt Nam, niềm tin của thị trường đang lung lay bởi trái chủ lo ngại doanh nghiệp không thể tiếp tục tồn tại, phát triển, sản phẩm không thể đến tay người tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, Hưng Thịnh Land đề xuất, NHNN xem xét nới lỏng room tín dụng.
Giảm dần lãi suất, giãn nợ
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đang phải chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200% so với các hoạt động kinh doanh thông thường. Do đó, lãi suất đi vay cũng phải ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, việc room tín dụng đối với lĩnh vực này bị hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên.
"Việc vướng mắc tiếp cận tín dụng của bất động sản còn liên quan đến tài sản đảm bảo khi các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường. NHNN nên xem xét các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì nên duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường, trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn", ông Phạm Thiếu Hoa nói thêm.
Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là mục đích vay vốn. Theo ông Hoa, các công ty bất động sản khi góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác, trên quan điểm thận trọng của các ngân hàng thương mại, sẽ không tài trợ cho vay để góp vốn mua bán mà quy vào hoạt động cho vay, góp vốn đầu tư cổ phiếu, cổ phần nhưng quy định này đang bị hạn chế bởi Thông tư 22 của NHNN.
Trên cơ sở đó, đại diện Vimhomes đề xuất NHNN và các ngân hàng làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, cần bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng. Đồng thời, có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư.
Cũng tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Phương Lan, phụ trách tư vấn dự án tái cấu trúc Novaland cho rằng, khó khăn hiện nay là rủi ro hệ thống, rủi ro của toàn thị trường. "Chúng tôi hy vọng NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong 24-36 tháng", bà Lan nêu ý kiến.
Ngoài ra, một trong những giải pháp để xử lý vướng mắc về nguồn vốn, theo lãnh đạo các doanh nghiệp, là tháo gỡ ách tắc pháp lý. Riêng với Novaland, do đặc thù tập trung phát triển các đô thị vệ tinh, cần nhiều nguồn vốn để đầu tư hạ tầng với thời gian thu hồi vốn dài hơi, tập đoàn kiến nghị các cơ quan quản lý có chính sách tín dụng riêng kèm hướng dẫn chi tiết thay vì đánh đồng với các dự án bất động sản riêng lẻ tại các thành phố lớn.
Cũng giống như Novaland, đại diện Hưng Thịnh Land cũng bày tỏ mong muốn được giãn nợ, cơ cấu nhóm nợ.
"Đối với Hưng Thịnh Land câu chuyện nhảy nhóm nợ là chưa nhảy, không phải không nhảy. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì dư nợ của doanh nghiệp sẽ nhảy nhóm nợ trong thời gian tới. Vì vậy, Hưng Thịnh Land kiến nghị NHNN cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ cho doanh nghiệp", đại diện Hưng Thịnh Land đề nghị.
Bộ Xây dựng vào cuộc
Trong 3 năm gần đây, dư nợ tín dụng bất động sản tăng liên tục. Hơn nữa, các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN cũng không yêu cầu siết tín dụng bất động sản mà NHNN chỉ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cho vay đối với lĩnh vực này. Trong bối cảnh thị trường khó khăn những tháng cuối năm 2022, NHNN cũng đã đề xuất nới room tín dụng để hỗ trợ cho vay.
Cũng trong Hội nghị Tín dụng bất động sản diễn ra sáng nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại sản phẩm, rà soát lại các dự án bất động sản đảm bảo phù hợp với nguồn lực, khả năng thực thi.
Đặc biệt, rà soát lại và tiếp tục bán bớt dự án, củng cố nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án có hiệu quả hơn.
"Tránh tình trạng nguồn lực chỉ có một nhưng thực hiện đến 5-7 dự án, vượt quá khả năng và dẫn đến tình trạng khó khăn, phải bán bớt dự án", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông đề nghị NHNN tìm cách tháo gỡ theo hướng cơ cấu lại các khoản nợ xấu, giãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản hoạt động. Thời gian tới, NHNN ưu tiên tập trung cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.
Hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì sửa đổi hai dự án luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản, đồng thời trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời hơn liên quan đến thể chế pháp lý trong lĩnh vực bất động sản.
Lam Anh