ĐBSCL: Hỗ trợ tín dụng thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị "Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng ĐBSCL".
Theo đó, ngày 13/12 Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị "Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Hội nghị do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh chủ trì.
Tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 11/2022, hoạt động ngân hàng tại khu vực ĐBSCL đạt các kết quả tích cực. Huy động vốn đạt gần 719.000 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021. Dư nợ đạt trên 955.000 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có mức tăng trưởng tín dụng cao.
Trong đó, dư nợ ngành thủy sản đạt hơn 112.000 tỷ đồng, tăng 16%, chiếm gần 54% dư nợ thủy sản toàn quốc; dư nợ ngành lúa gạo đạt hơn 89.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc; dư nợ ngành rau quả đạt 19.000 tỷ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc.
Kết quả này cho thấy dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của ĐBSCL.
"Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và cả quốc nói chung" – bà Hà Thu Giang cho biết thêm.
Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp ở ĐBSCL nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn và đề xuất ngành ngân hàng hỗ trợ kịp thời, phù hợp với đặc trưng của ngành hàng nông sản chế biến. Trong đó, ưu tiên tập trung đủ vốn tín dụng phục vụ hoạt động thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Các tổ chức tín dụng đã có những cam kết cung ứng đủ vốn tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn phục vụ các hoạt động nêu trên của doanh nghiệp.
Cụ thể, Vietinbank cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu nguồn vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, Vietinbank dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL.
Tiếp đó, với Vietcombank, tính đến 30/11, ngân hàng này cũng đã hỗ trợ gần 300 tỷ đồng cho khách hàng khu vực ĐBSCL vay với lãi suất hợp lý; LienVietPostBank, chi nhánh Hậu Giang cũng có các chính sách hỗ trợ lãi suất lĩnh vực nông nghiệp thấp hơn từ 0,5-1% so với các lĩnh vực khác.
Về phần mình, Agribank cũng cam kết sẽ tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, trong đó dự kiến khu vực ĐBSCL được giảm khoảng 300 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Agribank chia sẻ, tăng trưởng tín dụng mà Agribank ưu tiên cho khu vực ĐBSCL trong năm 2022 là 11,6%, tương đương khoảng 23.000 tỷ đồng, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của toàn hệ thống. Đến nay, Agribank đã đầu tư tín dụng cho khu vực ĐBSCL hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank. Đáng chú ý, mặc dù thị phần tín dụng của Agribank tại khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 22,6% nhưng thị phần tín dụng đối với lĩnh vực Nông nghiệp Nông thôn chiếm tới 40%.
Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh đánh giá cao nỗ lực của ngành ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc đầu tư vốn vào lĩnh vực nông sản... Qua đó, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 55/2018/NĐ-CP ngày 15.6.2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7.9.2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Bên cạnh đó, cần tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực và chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả... để đánh giá về nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng ĐBSCL. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng.
Ngoài ra, Thống đốc cũng yêu cầu chi nhánh NHNN ở các tỉnh nắm sát hoạt động cho vay và theo dõi sát tình hình thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương.
Ngày 5/12/2022 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong đó Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn.
Vũ Thanh