Thứ năm, 25/04/2024 07:11 (GMT+7)
Thứ hai, 28/11/2022 17:50 (GMT+7)

ĐBSCL: Sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Để phát triển bền vững nông nghiệp vùng ĐBSCL, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện nhiều giải pháp tổng thể để thúc đẩy liên kết vùng và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tăng cường chủ động thích ứng với BĐKH.

ĐBSCL: Sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 1

Để phát triển bền vững nông nghiệp vùng ĐBSCL cần sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tăng cường chủ động thích ứng với BĐKH.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021 - 2025 tại thành phố Cần Thơ.

Trình bày về Đề án, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, đến năm 2025 mỗi tỉnh có từ 3 - 5 mô hình HTX nông nghiệp, áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn để nghiên cứu, học tập và nhân rộng.

Bên cạnh đó, 100% HTX nông nghiệp trong các lưu vực hệ thống thủy lợi, cống Cái Lớn - Cái Bé áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với BĐKH giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, phát triển các chuỗi giá trị nông sản.

"Việc áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng giá trị nông sản thông qua khâu chế biến sẽ giúp tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời giúp quảng bá hình ảnh nông sản Việt, hình ảnh nông dân Việt Nam sản xuất có trách nhiệm với môi trường ra toàn thế giới" – ông Lê Đức Thịnh cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đã khẳng định, ĐBSCL có nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. ĐBSCL hiện có trên 2.500 hợp tác xã nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản... Việc chuyển đổi sản xuất các HTX thành công sẽ thúc đẩy phát triển vùng.

Bên cạnh đó, ngân hàng thế giới (WB) sẽ hỗ trợ chương trình về giảm phát thải khí; Khi đạt chứng chỉ v car carbon như vậy nếu làm thì 1ha lúa sẽ được chi trả 150 USD, WB đã sẵn sàng nguồn tiền cho Việt Nam từ năm 2024. Vì vậy, những mô hình VnSAT, 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng cần tiếp tục củng cố và nhân rộng thì sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt

Ngoài ra, Đề án này là một trong những nội dung nằm trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL với 2 nội dung cơ bản là nâng cao năng lực của HTX thích ứng BĐKH và chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng, sau đó nhân rộng các mô hình HTX hiệu quả.

Đề án này sẽ là cơ hội để các HTX nông nghiệp ở vùng ĐBSCL chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng BĐKH.

"Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính vùng ĐBSCL. Đây là vấn đề khó nhưng cần phải triển khai và đạt kết quả" - Thứ trưởng chia sẻ.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển bền vững HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt tín chỉ carbon; giải pháp sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch làm nguồn tài nguyên tái tạo vùng ĐBSCL, biến chất thải thành tiền cho nông dân...

Để đề án đạt kết quả, theo Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Hoàng Vũ Quang, nên ưu tiên HTX tham gia vùng nguyên liệu, vùng sản xuất lúa đạt 1 triệu ha đạt chứng chỉ carbon; hỗ trợ HTX nâng cao năng lực cán bộ và áp dụng các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng tài liệu, hướng dẫn HTX tổ chức sản xuất để đạt chứng chỉ carbon, tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính...

Nhiều diễn giả cho rằng, mục tiêu của Đề án triển khai tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nhằm nâng cao năng lực, chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, có 100% HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL được tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông lâm, thủy sản, diêm nghiệp...

Đề án ưu tiên hỗ trợ HTX nông nghiệp áp dụng biện pháp thích ứng với BĐKH gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản; hỗ trợ HTX nông nghiệp và thành viên HTX phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản lúa, gạo, trái cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hải sản.

Cùng với đó, khuyến khích sử dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để sản xuất sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao; phát triển đa dạng mô hình liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, giữa HTX với hộ nông dân, mô hình chuỗi giá trị nông sản khép kín của HTX nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp nông thôn, mô hình thích ứng BĐKH kết hợp kiến thức bản địa...

ĐBSCL có trên 2,4 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu sử dụng cho sản xuất lúa (trên 2 triệu ha), còn lại sử dụng cho nuôi trồng thủy sản 700.000ha, hoa màu ngắn ngày khoảng 150.000ha và gần 300.000ha cây ăn quả. Mỗi năm, ĐBSCL đóng góp cho cả nước 27-28 triệu tấn lương thực và thực phẩm.

Việt Nam được đánh giá là nước sản xuất lương thực và xuất khẩu lương thực quan trọng của thế giới nhưng giá trị nông sản tạo ra trên mỗi đầu người nông dân rất thấp. Việc sản xuất nông sản thô ra thị trường khó có thể làm nông dân khá lên được; thậm chí nông dân vẫn luẩn quẩn trong nghèo đói do những tác nhân bất lợi như BĐKH, thay đổi nguồn nước và cạnh tranh cao trong thị trường nông nghiệp quốc tế.

Sản xuất giảm phát thải khí nhà kính là cơ hội chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH, đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân vùng ĐBSCL.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.