Thứ sáu, 29/03/2024 21:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/12/2022 07:40 (GMT+7)

Giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản năm 2023

Theo dõi KTMT trên

Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản, để thị trường phát triển lành mạnh, ổn định, không để bong bóng, không để đóng băng.

Đề xuất hỗ trợ 2% lãi suất cho người mua nhà dưới 2 tỷ

Về giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản năm 2023, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự kiến trong thời gian tới, cơ quan này sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản, tìm giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, không để “bong bóng" nhưng cũng không để "đóng băng".

Về thị trường bất động sản từ giữa năm 2022 khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là cạn room tín dụng cho bất động sản và pháp lý dự án bị rà soát lại.

Giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản năm 2023 - Ảnh 1
Thị trường bất động sản từ giữa năm 2022 khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là cạn room tín dụng cho bất động sản… (Ảnh minh họa)

Không chỉ người mua nhà khó tiếp cận vốn vay, mà ngay cả những “ông lớn” bất động sản cũng lao đao, dự án không triển khai được, nợ ngân hàng đến kỳ trả không có tiền thanh toán và hàng loạt khó khăn khác bủa vây.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành có liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn này. Nhưng trong tình cảnh hiện nay, nguồn tín dụng như “muối bỏ bể”.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng trong buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 vừa được tổ chức cho biết, thời gian qua NHNN đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

NHNN theo đó đã chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro tín dụng đối với hoạt động bất động sản, đặc biệt là đầu tư kinh doanh bất động sản trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp.

Mặt khác, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, dự án bất động sản khu công nghiệp và các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.

Hồi tháng 11/2022, Chính phủ đã thành lập tổ công tác nhằm rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP.Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến ngày 14/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký công điện đề nghị các bộ ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Thống đốc NHNN cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng đề nghị ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.

Sớm có giải pháp tín dụng cho bất động sản

Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà thực tế vẫn khó tiếp cận tín dụng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã kiến nghị NHNN trình Chính phủ xem xét nới chuẩn tín dụng trong ngắn hạn từ nay đến hết 2023 để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người mua nhà. Đồng thời, Chủ tịch HoREA còn kiến nghị ngân hàng cho người mua nhà ở thương mại có mức giá 1,8-2 tỷ đồng trở xuống được hỗ trợ 2% một năm lãi suất vay.

Là thành viên Tổ công tác của Thủ tướng về lĩnh vực bất động sản, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ông đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.

Tổ công tác cũng nhận thấy các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm của mình và bản thân doanh nghiệp cũng phải tự có giải pháp. Sau khi kết thúc tổ công tác sẽ tổng kết đánh giá báo cáo Chính phủ và có giải pháp trước mắt về tín dụng cho thị trường bất động sản.

Sau công điện của Chính phủ về thị trường tín dụng, ông Tú cho biết NHNN đã quyết liệt triển khai về vấn đề tăng trưởng tín dụng lên tối đa 16%. "Room tín dụng đã mở, các hiệp hội đang vận động hạ lãi suất. NHNN cũng đang triển khai phần của ngân hàng trong phần việc của tổ công tác tháo gỡ khó khăn về thị trường bất động sản", ông Tú nói.

Về giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản năm 2023, đại diện NHNN thông tin, dự kiến trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản, tìm giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, không để “bong bóng" nhưng cũng không để "đóng băng".

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mới đây nhận định: Sau hàng loạt các giải pháp của Chính phủ và NHNN, khả năng các ngân hàng thương mại sẽ có động thái bơm thêm vào thị trường, nhưng thay vì bơm không kiểm soát giống như hồi đầu năm dòng tiền chảy vào chỗ không cần thiết sẽ lãng phí, không kích thích sự phát triển ổn định của thị trường, chỉ tạo ra hoạt động đầu cơ lũng đoạn thị trường.

NHNN cho biết, năm 2023 cơ quan này sẽ tìm giải pháp để phát triển thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, không để "bong bóng" nhưng cũng không để "đóng băng".

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, đề nghị đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn cao. Đồng thời, chủ động xử lý, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cấp tín dụng vượt giới hạn cho phép các dự án trọng điểm quốc gia, dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản năm 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.