Biện pháp quyết liệt để ổn định thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ sớm đảo chiều sau chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với những dự thảo sửa đổi chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, dòng vốn cho doanh nghiệp.
Những biện pháp quyết liệt trong ngắn hạn
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã liên tiếp ban hành 4 công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề “nóng” của nền kinh tế là tín dụng, trái phiếu, lao động và bất động sản. Những động thái tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế có cả tầm nhìn dài hạn và có cả những biện pháp quyết liệt trong ngắn hạn.
Nhu cầu bất động sản tại Việt Nam với quy mô 100 triệu dân vẫn rất lớn trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, tại sao thị trường lại đang có vấn đề về "hấp thụ" và hoạt động của các doanh nghiệp lĩnh vực này lại gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro?. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, chúng ta có thể nhận định do các cơ chế chính sách, do thanh tra, kiểm tra. Vừa qua, số lượng các dự án được phê duyệt ở các tỉnh thành bị giảm và số lượng dự án đủ điều kiện được đưa ra đều rất hạn chế. Đặc biệt, năm 2022 là năm mà bất động sản có nhiều kỷ lục về giá, trong khi bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước khiến khả năng chi trả cũng như nguồn tín dụng của người mua gặp khó khăn.
Thị trường bất động sản năm 2023 cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ và đặc biệt phải minh bạch hóa để tạo ra sự ổn định về nguồn tín dụng, ông Thanh cho hay.
"Có thể phân ra hai nhóm. Thứ nhất, chúng ta cần có chính sách để sàng lọc và Tổ công tác của Thủ tướng xác nhận những sản phẩm bất động sản đã hoàn thành thì chúng ta cần có một chính sách tín dụng cho những người có nhu cầu ở thật có thể tiếp cận được tín dụng để có thể mua được. Thứ hai là những dự án tốt, đang chuẩn bị về đích nhưng nguồn tín dụng bị hạn chế thì phải có chính sách cung cấp tín dụng cho những dự án này để có thể về đích. Có thể nói, nhu cầu rất lớn, chính sách tín dụng và bán hàng cần được giữ ổn định để cân đối được cung cầu."
Khoảng 3 đến 6 tháng tới thị trường bất động sản sẽ có thay đổi
Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2023, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội kỳ vọng vào kết quả hành động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản và việc triển khai các chính sách về hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Từ góc độ thể chế, ông Hiếu nhận định khoảng 3 đến 6 tháng tới thị trường bất động sản sẽ có thay đổi, tuy nhiên đây là thay đổi có điều kiện, có nghĩa là phụ thuộc rất nhiều vào hành động và hành động có kết quả tốt về mặt gỡ các vướng mắc thể chế.
"Thứ nhất, Chính phủ đã rất chủ động hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường bất động sản nói riêng và môi trường thể chế nói chung, không phải chỉ khi thị trường bất động sản bộc lộ những khó khăn. Lấy ví dụ như Quy hoạch sử dụng đất, Luật Đất đai chúng ta đã có kế hoạch từ rất lâu. Kết quả sau gần 3 năm đánh giá tổng kết thì chúng ta có Nghị quyết 18 định hướng sửa đổi Luật Đất đai. Ngoài ra chúng ta có Kế hoạch sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản và Kế hoạch sửa đổi Luật Nhà ở… Điều này cho thấy chúng ta đã chủ động xây dựng thị trường hướng đến phát triển bền vững.
Thứ hai là tính quyết liệt, rất quyết liệt. Hiện nay chúng ta rất khác với các giai đoạn trước, khi xuất hiện những vấn đề, Thủ tướng đã thành lập ngay Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và hoạt động của Tổ này rất tích cực.
Thứ ba là động thái tích cực chưa có tiền lệ. Như chúng ta biết là người làm chính sách rất sợ tình trạng ký chưa ráo mực đã phải sửa nhưng ngay lập tức Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP ra đời. Như vậy, Chính phủ ngay lập tức có động thái rà soát, sửa đổi. Hiện nay, những động thái tháo gỡ khó khăn vướng mắc về mặt thể chế có cả tầm nhìn trong dài hạn và có cả những biện pháp quyết liệt trong ngắn hạn."
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây cũng liên tiếp ban hành 4 công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề "nóng" của nền kinh tế là tín dụng, trái phiếu, lao động và bất động sản. Đây là những chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời trong bối cảnh những khó khăn phát sinh cần khẩn trương khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng và giảm thiểu phát sinh những vấn đề xã hội. Cụ thể trong lĩnh vực bất động sản, Người đứng đầu Chính phủ đã kêu gọi sự đồng tâm, hợp lực để cùng vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy thị trường đúng quy luật, hiệu quả, an toàn, lành mạnh và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ: “Trong những giai đoạn khi khủng hoảng diễn ra, chúng ta đã có nhiều chính sách điều tiết nhanh, kịp thời. Lần này cũng thế, Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Khi làm việc với các bộ, ngành, nhất là Tổ công tác, chúng tôi nhận thấy họ làm việc rất mạnh mẽ, gặp gỡ chuyên gia, doanh nghiệp liên tục để bàn giải pháp tháo gỡ cho thị trường”.
Huyền Diệu