Thứ sáu, 22/11/2024 17:43 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/07/2022 22:00 (GMT+7)

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 22/7

Theo dõi KTMT trên

Cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội; TP.HCM: Sương mù dày đặc từ sáng đến trưa, cảnh báo bụi mịn cao; Khoảng 2.000 ha diện tích sản xuất ở Quảng Ngãi có thể bị hạn nặng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 22/7.

Cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, vùng mây đối lưu gây mưa đang hoạt động trên khu vực các quận Long Biên, Hoàng Mai (Hà Nội).

Khoảng 15h hôm nay, vùng mây đối lưu gây mưa đang hoạt động trên khu vực các quận Long Biên, Hoàng Mai. Trong khoảng từ nay đến 3 giờ tới, các vùng mây đối lưu này sẽ tiếp tục phát triển, gây mưa, mưa rào và dông cho các quận: Long Biên, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, sau đó còn có khả năng lan sang các quận nội thành khác. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh.

Trong khoảng 3 giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa với tổng lượng mưa tích lũy phổ biến trong khoảng từ 20- 40mm, có nơi trên 60mm. Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 20-30cm; một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 40-50cm bao gồm:

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 22/7 - Ảnh 1

Sớm dự báo, cảnh báo được ô nhiễm môi trường

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; là năm đầu tiên triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là đã xác lập đúng vai trò hoạt động quan trắc, cảnh báo và dự báo cảnh báo môi trường với các quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong hoạt động quan trắc môi trường; đặt ra yêu cầu phải kịp thời đầu tư nâng cấp, thống nhất thông tin, dữ liệu và chuẩn hóa phương pháp và kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường.

Song song với đó là các giải pháp về tăng cường nguồn lực về khoa học kỹ thuật, tài chính và nhân lực để sớm đạt được mục tiêu đưa công tác quan trắc và dự báo, cảnh bảo tiếp cận các nước tại khu vực và thế giới.

"Cần đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ để triển khai hoạt động quan trắc môi trường theo hướng tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc tích hợp dữ liệu, xây dựng mô hình phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo môi trường, thay vì chỉ tập trung đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường như hiện nay" - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị.

TP.HCM: Sương mù dày đặc từ sáng đến trưa, cảnh báo bụi mịn cao

Sáng ngày 22/7, người dân TP.HCM vô cùng bất ngờ khi chứng kiến khắp các tuyến đường, tòa nhà từ trung tâm ra vùng ven thành phố được bao phủ một lớp sương mù nhìn y hệt như TP.Đà Lạt. Nhiều người tham gia giao thông bày tỏ sự thích thú, chụp lại khoảnh khắc này, một số khác phải bật đèn xe để thuận tiện cho việc tham gia giao thông.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 22/7 - Ảnh 2
Sương mù dày đặc từ sáng đến trưa, cảnh báo bụi mịn cao tại TP.HCM.

Cũng theo trang AccuWeather, tình hình sương mù này sẽ kéo dài nhiều ngày tới ở TP.HCM, chủ yếu rơi vào thời điểm từ 5 giờ sáng đến 10 giờ sáng.

Còn theo IQAir, nồng độ bụi mịn trong không khí tại TP.HCM hiện đang cao gấp 4.7 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.

Khoảng 2.000 ha diện tích sản xuất ở Quảng Ngãi có thể bị hạn nặng

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho hay, với tình hình nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên diện rộng như hiện nay, khả năng xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn cục bộ vào cuối vụ Hè Thu 2022.

Khu vực được cảnh báo thiếu nước chủ yếu tập trung tại vùng tưới cuối kênh hoặc vùng tưới của các hồ chứa, đập dâng có quy mô nhỏ. Dự kiến, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn là 2.000 ha; trong đó, có 1.100 ha lúa và 900 ha cây trồng khác. Cùng với đó, có 4.000 người có khả năng thiếu nước sinh hoạt và 8.000 vật nuôi có khả năng thiếu nước uống.

Trước tình hình đó, Sở đã lên phương án phòng chống hạn và xâm nhập mặn cho vụ Hè Thu năm 2022, với tổng kinh phí lên tới 20 tỷ đồng. Theo đó, Sở sẽ tận dụng tối đa nguồn nước mặt, nước ngầm, nước hồi quy để trữ vào các ao, hồ, kênh chìm, kênh tiêu… phục vụ chống hạn kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời, điều tiết, phân phối nước kịp thời đến các vùng bị hạn; áp dụng các biện pháp tưới luân phiên, tưới ướt ráo; ưu tiên vùng xa tưới trước, vùng gần tưới sau; bảo đảm nước theo nhu cầu và phù hợp với thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nước uống cho gia súc và các vùng lúa trọng điểm của tỉnh.

Ngoài ra, Sở sẽ tập trung rà soát vùng tưới của các hồ chứa hiện có dung tích nước còn lại trong hồ đạt thấp (hồ chứa nước Hóc Dọc, Hóc Sầm, Mạch Điểu, An Thọ, Sở Hầu…) để triển khai các biện pháp phòng chống hạn phù hợp với tình hình thực tế.

Sở cũng chú trọng đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi để kịp thời đưa vào sử dụng; nạo vét kênh mương, đóng kín cửa cống xả nước và các phai tràn, cống xả cát không để rò rỉ, thẩm lậu nước, hạn chế xâm nhập mặn; tổ chức đóng giếng, lắp đặt các cụm máy bơm dã chiến dọc theo sông để cấp nước chống hạn…

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, các đợt nắng nóng gay gắt có thể kéo dài từ tháng 7 - 8/2022. Mực nước trên sông biến đổi chậm theo xu thế giảm dần. Tổng dung tích nước còn lại hiện nay của 124 hồ chứa thủy lợi là hơn 285 triệu m3, còn tới 71% so với dung tích hồ thiết kế; dung tích trữ của hồ thủy điện Đăkđrinh là hơn 172 triệu m3, còn 70% so với dung tích hồ thiết kế.

So với trung bình cùng kỳ nhiều năm trong Hè Thu thì lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện nay cao hơn khoảng 30%. Vì vậy, nguồn nước trong các hồ chứa cơ bản đảm bảo cung cấp tưới cho sản xuất nông nghiệp (trừ vùng tưới cuối kênh hoặc vùng tưới của các hồ chứa, đập dâng có quy mô nhỏ).

Năm 2022 có thể là năm cháy rừng kỷ lục ở châu Âu

Các đám cháy rừng xảy ra ở ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ đầu năm 2022 đến nay đã thiêu rụi diện tích rừng nhiều hơn tổng thiệt hại của cả năm 2021 - khoảng 5.000 km2 đã bị thiêu rụi, tương đương diện tích của Trinidad và Tobago.

Theo Jesus San Miguel, điều phối viên cơ quan giám sát vệ tinh EFFIS của Liên minh châu Âu (EU), tình hình đang diễn biến tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán, dù rằng các dự báo dài hạn đều đã lường trước tình trạng nhiệt độ tăng cao bất thường. Chuyên gia này cũng cho rằng tình hình sẽ còn tiếp tục xấu đi khi mọi chỉ dấu về tình trạng ấm lên toàn cầu đều đã bị vượt trong mùa cháy rừng năm nay.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 22/7 - Ảnh 3
Năm 2022 có thể là năm cháy rừng kỷ lục ở châu Âu.

Thông thường cao điểm của mùa cháy rừng tại châu Âu diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm, nhưng giai đoạn này đang kéo dài hơn với các vụ cháy nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia tin rằng biến đổi khí hậu đang tạo ra điều kiện thuận lợi hơn để các đám cháy bùng phát tại châu Âu.

Đến nay, nhiệt độ toàn cầu tăng trung bình 1,1 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp. Liên hợp quốc cảnh báo Trái Đất đang trong lộ trình ấm lên 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này. Mức độ ấm lên 1,1 độ C cũng đã đủ để gây ra những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt "thiêu đốt" châu Âu trong tuần qua và nhiều khả năng những đợt nắng nóng bất thường kiểu này còn tiếp diễn và kéo dài lâu hơn.

Theo EFFIS, gần 40.000 ha rừng ở Pháp đã bị thiêu rụi trong các vụ cháy rừng từ đầu năm đến nay, cao hơn mức 30.000 ha ghi nhận trong cả năm 2021. Tại Tây Ban Nha, trên 500 người thiệt mạng trong 10 ngày chịu ảnh hưởng của sóng nhiệt trong tháng này trong khi tính từ đầu năm, 190.000 ha rừng đã bị thiêu rụi, cao hơn gấp đôi con số 85.000 ghi nhận trong cả năm 2021. EFFIS dự báo đến cuối năm 2022, diện tích đất bị thiêu rụi tại châu Âu sẽ cao hơn mức kỷ lục gần 1 triệu ha được ghi nhận vào năm 2017.

Mark Parrington, nhà khoa học trưởng tại Cơ quan theo dõi khí quyển Copernicus của EU, nhận định biến đổi khí hậu đã góp phần khiến các đám cháy rừng kéo dài hơn. Theo chuyên gia này, cách các đám cháy hoành hành hiện nay là điều không thường xảy ra ở châu Âu. Nhiệt độ cao hơn kết hợp với những điều kiện khô hạn chưa từng thấy trên hầu khắp châu Âu khiến các khu rừng dễ bén lửa hơn và lửa lan nhanh hơn nếu đám cháy bùng phát. Nguy cơ cháy rừng có xu hướng tăng ở cả Trung và Nam Âu.

Ngoài ra, không chỉ phá hủy các hệ sinh thái, xóa sổ những thảm thực vật vốn có chức năng hấp thụ khí thải carbon, các đám cháy rừng cũng làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu khi từ những đám cháy này cũng phát ra những khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2. Theo báo cáo của Copernicus công bố trong tuần này, các đám cháy rừng xảy ra tại Tây Ban Nha và Maroc trong tháng 6 và tháng 7 đã thải 1,3 tỷ tấn khí CO2 vào bầu khí quyển, mức cao nhất ghi nhận được trong giai đoạn tương tự tính từ năm 2003 khi các dữ liệu bắt đầu được ghi nhận.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin môi trường nổi bật ngày 22/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới