Thứ sáu, 29/03/2024 02:36 (GMT+7)
Thứ năm, 21/07/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay 21/7

Theo dõi KTMT trên

Chưa áp dụng xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn từ 25/8; Lãng phí nhà máy xử lý rác gần 11 tỷ đồng; Hơn 1.500 người tử vong trong hai đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 21/7.

Chưa áp dụng xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn từ 25/8

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), ngày 25/8 tới đây chưa xử phạt trường hợp không phân loại rác tại nguồn.

Trước băn khoăn về chưa có hướng dẫn phân loại rác đã có thời hạn xử phạt, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn.

“Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8, đó là thời điểm Nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình. Đến thời điểm có lộ trình đó thì mới triển khai thực hiện, còn những điều khoản thi hành chung thì đương nhiên vẫn có hiệu lực từ thời điểm Luật được ban hành. Quy định về phân loại rác thải từ đầu nguồn cũng như vậy”, ông Thịnh giải thích.

Tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay 21/7 - Ảnh 1

Theo quy định tại Điều 75 - Luật Bảo vệ Môi trường, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.

"Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này", ông Nguyễn Hưng Thịnh nói.

"Như vậy, tùy vào thực tế của các địa phương mà quyết định phân loại nào. Tinh thần của Luật là phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do UBND cấp tỉnh quy định. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này.

Chỉ khi các địa phương ban hành các quy định triển khai cụ thể, lúc đó mới áp dụng xử phạt. Còn thời điểm 25/8 tới đây là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực chung, chưa phải là thời điểm xử phạt", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh nói.

Lãng phí nhà máy xử lý rác gần 11 tỷ đồng

Được đầu tư gần 11 tỷ đồng nhưng nhà máy xử lý rác thải tại xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) chỉ hoạt động cầm chừng trong vòng 3 năm rồi bị bỏ hoang ngay sau đó. Đến nay, phần lớn cơ sở vật chất, trang thiết bị trong quy trình xử lý rác tại đây đã xuống cấp, không còn giá trị sử dụng.

Công trình nhà nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn) được xây dựng từ năm 2012 - 2014, thuộc dự án: “Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy bằng việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt thí điểm cho cụm dân cư theo phương pháp ủ khô kị khí”. Mục tiêu của dự án là xử lý rác với công suất 4 tấn/ngày do Tổng cục Môi trường chủ trì, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường thực hiện với tổng kinh phí 10,8 tỷ đồng.

Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt tại các lưu vực sông, các thị trấn, thị tứ và các vùng nông thôn… Với mô hình này, lượng rác chôn lấp chỉ khoảng ~15% (còn có thể giảm xuống thấp hơn).

Ngoài ra, còn giảm nguy cơ phát sinh các loại ô nhiễm thứ cấp khác so với việc đốt rác tùy tiện, chôn lấp không hợp vệ sinh, hay thói quen vứt rác xuống sông, kênh, mương. Chi phí đầu tư ước tính vào khoảng 1,6 triệu đồng/tấn/ngày. Đặc biệt, công trình không phát sinh nước rỉ rác, không mất thêm kinh phí xử lý nước rỉ rác…, do đó, dự án hoàn toàn có khả năng nhân rộng trên địa bàn cả nước.

Vào năm 2015, Tổng cục Môi trường, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã bàn giao công trình cho UBND huyện Kim Sơn, UBND xã Hồi Ninh chịu trách nhiệm quản lý vận hành, khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, đến năm 2018, nhà máy xử lý rác này đã bị bỏ hoang, trở thành nơi tập kết rác thải trên địa bàn xã Hồi Ninh để trung chuyển lên TP Tam Điệp xử lý. Bên trong nhà máy, phần lớn các hạng mục công trình, máy móc vật tư công nghệ… đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.

Được biết, để có kinh phí hoạt động thu gom rác thải, chủ đầu tư nhà máy rác tại xã Hồi Ninh đã thu mỗi khẩu 6.500 đồng/tháng. Đồng thời, cứ thứ 3 và thứ 6 hàng tuần rác thải trên địa bàn xã Hội Ninh được thu gom và chuyển ra Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh tập kết.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để những điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đồng thời đề ra nhiều giải pháp, phối hợp cùng các sở ngành có liên quan thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhằm kịp thời kiểm soát, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo thống kê mới đây của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện còn tồn tại 6 “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường và những “điểm nóng” này vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, các hoạt động chế biến mủ cao su, hoạt động chế biến hải sản tại khu vực cổng số 6 (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) đã được kiểm soát tốt, không để ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thủy hải sản trên sông Chà Và…

Tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay 21/7 - Ảnh 2
Tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để những điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đối với 66 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường ở các địa phương trong tỉnh (gồm 36 “điểm đen” là hoạt động của các doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi và 30 “điểm đen” công cộng) đến nay cơ bản đã được xử lý và và từng bước thực hiện xóa bỏ triệt để các “điểm đen” này, trả lại môi trường trong lành cho khu dân cư.

Nhằm đảm bảo chất lượng môi trường, kiểm soát được nguồn thải lớn, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian tới Sở TNMT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo sở, ngành có liên quan và các địa phương khẩn trương tập trung xử lý dứt điểm các “điểm đen” về môi trường; rà soát, sắp xếp, di dời hoạt động chế biến hải sản vào các khu, cụm công nghiệp tập trung; di dời các cơ sở sản xuất trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp; điều tra, khảo sát thực trạng từng cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di dời, chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động để đánh giá, xác định, lập danh sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và dự trù kinh phí thực hiện chi tiết giai đoạn tiếp theo.

Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Trong đó, sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về công tác BVMT; tập trung kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại các “điểm nóng”, “điểm đen” ô nhiễm môi trường để kịp thời đề xuất xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định.

Airbus nghiên cứu tác động môi trường của máy bay chạy bằng hydro

Trong một thông báo mới đây tại triển lãm hàng không Farnborough, hãng Airbus tuyên bố sẽ thực hiện các chuyến bay thử nghiệm nhằm nghiên cứu những thành phần có trong vệt ngưng tụ mà những chiếc máy bay chạy bằng hydro để lại trên bầu trời trong quá trình di chuyển.

Dự án mang tên Blue Condor này là một phần trong nỗ lực đưa máy bay chạy bằng hydro vào hoạt động năm 2035, nhằm loại bỏ khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Theo kế hoạch, Airbus sẽ tiến hành thử nghiệm vào mùa Đông năm nay, với 2 máy bay cỡ nhỏ - một chiếc được trang bị động cơ hydro và chiếc còn lại chạy bằng dầu - bay ở độ cao 10.000 m ở phía Bắc Dakota (Mỹ).

Một chiếc máy bay khác sẽ di chuyển ở phía sau hai máy bay nói trên để thu thập và so sánh thành phần khí thải từ 2 chiếc máy bay này, qua đó đánh giá về mức độ an toàn.

Giám đốc kỹ thuật của Airbus - bà Sabine Klauke cho biết hãng này cần hiểu rõ hơn về "tác động thêm của các công nghệ động cơ đẩy khác nhau trong khí quyển."

Theo bà, hiện các các chuyên gia của hãng này mới chỉ tập trung tìm hiểu về sự phát thải CO2, mà ít có thông tin về NOx (các oxit nitơ), cũng như những vệt ngưng tụ mà máy bay để lại trong khi di chuyển. Tác động của các vệt ngưng tụ từ đuôi máy bay đối với sự ấm dần lên toàn cầu vẫn cần phải được đánh giá đầy đủ.

Theo một nghiên cứu gần đây của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA), các vệt ngưng tụ này có mức độ ảnh hưởng tương đương với khí thải CO2.

Trong các điều kiện nhiệt độ và độ ẩm nhất định, hơi nước thoát ra từ quá trình đốt cháy biến thành các tinh thể băng, sau đó tạo thành các đám mây có dạng sợi màu trắng.

Những đám mây này tuy có tác dụng làm mát do cản lại một phần năng lượng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất nhưng cũng góp phần ngăn cản bức xạ từ bề mặt Trái Đất thoát ra khỏi bầu khí quyển.

Hơn 1.500 người tử vong trong hai đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha

Tây Ban Nha ngày 20/7 cho biết đã có 679 người thiệt mạng trong đợt nắng nóng thứ 2 của mùa Hè năm nay, kéo dài từ ngày 10-17/7, trong đó riêng ngày 17/7 ghi nhận 169 trường hợp.

Theo dữ liệu của Viện Y tế Carlos III của Tây Ban Nha, có 430 trong tổng số 379 nạn nhân tử vong do nắng nóng là người trên 85 tuổi, 159 người trong độ tuổi từ 75-84, 58 người từ 65 đến 74 tuổi.

Giới chức Tây Ban Nha lo ngại con số này có thể còn tăng mạnh trong vài ngày tới khi nhiệt độ tại nước này được dự báo sẽ vượt 40 độ C trước cuối tuần.

Đợt nắng nóng đầu tiên tại Tây Ban Nha từ ngày 11/6-17/6 đã cướp đi sinh mạng của 829 người. Như vậy, tính chung cả 2 đợt, có 1.508 người tử vong do nắng nóng tại Tây Ban Nha trong mùa Hè này.

Trong phát biểu cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh nắng nóng là vấn đề khí hậu khẩn cấp mà con người đang phải đối mặt. Ông kêu gọi người dân đặc biệt cảnh giác trước tình trạng nắng nóng cực đoan hiện nay.

Mỹ đầu tư 2,3 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó các thiên tai

Ngày 20/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố loạt biện pháp hành chính nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết nỗ lực thúc đẩy các kế hoạch khí hậu của chính phủ, vốn đang gặp trở ngại ở Quốc hội và Tòa án Tối cao.

Trong bài phát biểu trong chuyến công du tới bang Massachusetts, Đông Bắc Mỹ, Tổng thống Biden đã gọi biến đổi khí hậu là mối nguy hiểm hiện hữu và hiển nhiên đối với Mỹ và thế giới.

Tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay 21/7 - Ảnh 3
Mỹ đầu tư 2,3 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó các thiên tai.

Ông cho rằng đây là một trường hợp khẩn cấp và ông sẽ theo dõi sát diễn biến này. Ông nêu rõ biến đổi khí hậu đẩy sức khỏe của người dân Mỹ cũng như an ninh quốc gia và nền kinh tế vào nguy hiểm, do vậy nước Mỹ cần phải hành động nhanh chóng.

Một trong số hành động đó, theo ông Biden, là việc chính phủ sẽ đầu tư 2,3 tỷ USD để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm ứng phó với các thiên tai tại các địa phương. Nguồn kinh phí mới này cũng có thể giúp mở rộng kiểm soát lũ lụt, nâng cấp các tiện ích, trang bị thêm các tòa nhà và giúp các gia đình có thu nhập thấp thanh toán chi phí sưởi ấm và làm mát.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng chủ trương thúc đẩy dự án xây dựng các trung tâm làm mát và dự án điện gió ngoài khơi ở Vịnh Mexico. Ông khẳng định dù có hay không có sự ủng hộ của một số nhà lập pháp Mỹ, ông sẽ sử dụng quyền hành chính để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tuy nhiên, những động thái mới của chính quyền Washington chưa đáp ứng sự mong đợi của các nhà lập pháp đảng Dân chủ và các nhà hoạt động môi trường, những người muốn Tổng thống Biden chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu để kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm tăng cường sản xuất nhiều loại sản phẩm và hệ thống năng lượng tái tạo.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay 21/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.