Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 7/9
Bất động sản nghỉ dưỡng ngược dòng lên top đầu danh mục đầu tư; Sau thời 'sốt nóng', thị trường bất động sản Phú Quốc giờ ra sao?... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Bất động sản nghỉ dưỡng ngược dòng lên top đầu danh mục đầu tư
Nền kinh tế phục hồi và sự bùng nổ du lịch trong năm 2022 giúp bất động sản nghỉ dưỡng lội ngược dòng ngoạn mục, từ vị trí áp chót lên top đầu danh mục đầu tư. Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn, không chỉ khai thác cho thuê tốt mà còn tăng trưởng giá trị nhanh chóng trong tương lai gần.
Với giới đầu tư, tiền không bao giờ ngủ. Tùy từng giai đoạn, thời điểm mà dòng tiền được đổ vào các kênh khác nhau nhằm đạt được lợi suất tốt nhất. Kênh đầu tư khá đa dạng, song phổ biến nhất là: cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, gửi tiết kiệm, vàng, USD và tài sản số.
Dragon Capital, trong một báo cáo quan trọng hồi tháng 7/2021, đã đưa ra các con số đáng chú ý về lợi suất của các kênh đầu tư. Theo đó, xét trong chu kỳ 5 năm, lợi suất của cổ phiếu cao nhất, đạt 19,2%/năm. Tiếp theo là bất động sản đạt 12,1%/năm, trái phiếu đạt 9,8%/năm, gửi tiết kiệm đạt 6,2%/năm, vàng đạt 6,1%/năm còn USD chỉ đạt 0,2%/năm.
Tuy nhiên, xét trong dài hạn (15 năm), vị trí quán quân đã đổi chủ. Cụ thể, lợi suất của cổ phiếu trong 15 năm chỉ đạt 10,9%/năm, trái phiếu đạt 9,9%/năm, gửi tiết kiệm đạt 8,2%/năm, vàng đạt 7,2%/năm, USD đạt 2,4%/năm. Trong khi đó, bất động sản có lợi suất vượt trội, đạt tới 11,5%/năm, cao nhất trong các kênh đầu tư.
Lấy một ví dụ để hình dung, với vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu đồng, sau 15 năm, tổng giá trị đạt được nếu đầu tư USD là 143 triệu đồng, vàng là 284 triệu đồng, gửi tiết kiệm là 332 triệu đồng, trái phiếu là 369 triệu đồng, cổ phiếu là 463 triệu đồng còn bất động sản lên tới 515 triệu đồng.
Như vậy, có thể thấy, xét về dài hạn, bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, có lợi suất cao nhất. Trong tương quan so sánh, cổ phiếu là kênh đầu tư có lợi suất tương đương với bất động sản. Tuy nhiên, cổ phiếu có nhược điểm rất lớn là phức tạp đối với nhà đầu tư cá nhân và đặc tính thất thường, biến động mạnh. Kênh vàng cũng chứng kiến sự biến động không kém thị trường cổ phiếu.
Sau thời 'sốt nóng', thị trường bất động sản Phú Quốc giờ ra sao?
Kỳ vọng giá đất Phú Quốc sẽ hạ sau 'cơn sốt' cách đây hơn 3 năm, một số nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm thông tin lô đất đẹp tại đảo Ngọc. Nhưng thực tế, mức giá trên thị trường này chưa hề có chuyển biến cắt lỗ mạnh và tiếp tục neo ở ngưỡng cao.
Không còn cảnh quá rộn ràng đi tìm đất như thời năm 2018 khi cơn bão "sốt giá" đi qua, nhưng Phú Quốc vẫn trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. M. (một tài xế chạy xe taxi tại Phú Quốc) kể lại rằng, những người họ hàng xa xôi của anh ở miền Bắc nhờ cậy để ý và tìm hộ lô đất đẹp. Họ muốn sở hữu một mảnh để đầu tư, chờ tăng giá hoặc dự kiến xây homestay để cho thuê.
Thi thoảng, M. cũng gặp vài nhà đầu tư từ Bắc ra, nhờ anh chở đi xem đất. "Nhiều người vẫn muốn vào Phú Quốc mua đất. Họ thăm dò, hỏi han tình hình suốt xem giá cả ra sao, có lô đất nào đẹp đang bán cắt lỗ không?", M. kể.
Theo tài xế này, tâm lý chung của những người nhờ anh tìm đất đều đang kỳ vong sẽ có lô đất bán tháo, cắt lỗ. Với mức giá rẻ, họ có thể dễ dàng vào hàng và chờ đợi mức lợi nhuận tốt trong tương lai. Nhưng thực tế, giá đất Phú Quốc chỉ chững lại mà không hề có dấu hiệu cắt lỗ mạnh.
Biệt thự, nhà phố ở TP.HCM đắt đỏ, giới đầu tư đổ về tỉnh
Nguồn cung biệt thự, nhà phố đang dần hạn chế tại TP.HCM với giá bán lên đến hàng trăm tỷ đồng khiến các thị trường lân cận trở nên hấp dẫn hơn.
Từ đầu năm đến nay, DKRA liên tục ghi nhận mức đỉnh mới của giá nhà liền thổ sơ cấp tại TP.HCM. Cao nhất là một dự án siêu dinh thự hàng hiệu ở quận 9 cũ (TP Thủ Đức) với giá bán lên đến 700 tỷ đồng/căn.
Trong bối cảnh này, JLL thống kê chỉ có 588 căn nhà liền thổ được giao dịch trong quý II tại TP.HCM, giảm 50% so với quý trước đó. Bên cạnh mức giá leo thang, việc giới hạn quỹ đất do vấn đề pháp lý và giá đất đầu vào tăng cao kỷ lục cũng khiến các chủ đầu tư có xu hướng trì hoãn nguồn cung mới tại đây, khiến lượng giao dịch sụt giảm.
Điều đáng nói, cùng lúc này, doanh số bán hàng tại 4 tỉnh lân cận gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu giữ mức ổn định, tổng cộng 1.724 căn bán được trong quý. Trong đó, Đồng Nai và Bình Dương là hai tỉnh dẫn đầu nguồn cung đồng thời ghi nhận doanh số bán nhiều nhất, lần lượt là 937 căn và 1.076 căn.
Riêng đối với các tỉnh lân cận, JLL cho biết giá bán tăng mạnh 11-13%/năm đối với dòng sản phẩm nhà phố nằm trong mức giá 5-6 tỷ đồng/căn. Ước tính trong 6 tháng cuối năm, có khoảng 5.000 căn mở bán ở 4 tỉnh lân cận.
Hà Nội: Cận cảnh những khu nhà chung cư cũ sắp phải phá dỡ
Thành phố Hà Nội sẽ cải tạo, xây dựng lại 6 khu nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, gồm: Khu tập thể Giảng Võ, khu tập thể Thành Công, khu tập thể Ngọc Khánh, khu tập thể Bộ Tư pháp, nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, nhà 148-150 Sơn Tây. Dự kiến những khu nhà chung cư cũ này sẽ hoàn thành phá dỡ trong quý III/2023.
Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ cải tạo, xây dựng lại 6 khu nhà cũ, nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, bao gồm: Khu tập thể Giảng Võ, khu tập thể Thành Công, khu tập thể Ngọc Khánh, khu tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148-150 Sơn Tây (đều thuộc quận Ba Đình), nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa).
Trong đợt 1 sẽ có 4 khu tập thể phải phá dỡ để xây dựng lại là khu tập thể Giảng Võ có 1 nhà cấp D là nhà C8 ; khu tập thể Thành Công có nhà G6A; khu tập thể Ngọc Khánh có nhà A, và khu tập thể Bộ Tư pháp có 2 đơn nguyên đầu hồi cấp 4.
Huyền Diệu