Thứ sáu, 22/11/2024 23:50 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/05/2022 17:55 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/5

Theo dõi KTMT trên

Ninh Bình: Hàng chục hộ dân mòn mỏi chờ tái định cư; Cần nghiên cứu xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi phù hợp với bối cảnh phát triển mới; Ngã ngửa với ma trận “chăn dắt” nhà đầu tư của giới “cò” đất… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Ninh Bình: Hàng chục hộ dân mòn mỏi chờ tái định cư

Dự án Công viên văn hóa Tràng An được bắt đầu triển khai từ năm 2009, 13 năm trôi qua và cũng chừng ấy thời gian, hơn 80 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình mòn mỏi chờ được di dời, tái định cư để ổn định cuộc sống.

Dự án Công viên văn hóa Tràng An là dự án thành phần thuộc Dự án Khu du lịch sinh thái Tràng An được quy hoạch và bắt đầu triển khai từ năm 2009, trong đó có 80 hộ thuộc thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình bị ảnh hưởng phải di dời đến nơi ở khác để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, đến nay đã 13 năm 80 hộ này vẫn chưa được di chuyển đến khu tái định cư, nhiều công trình, nhà cửa xuống cấp, cuộc sống và điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/5 - Ảnh 1
80 hộ dân thuộc diện di dời của Dự án Công viên văn hóa Tràng An chủ yếu nằm trên trục chính đường vào UBND xã Ninh Nhất.

Ông Nguyễn Phú Lương ở thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất cho biết: 13 năm qua nằm trong vùng di dời nhường đất cho dự án đã và đang khiến hàng chục hộ dân nơi đây lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều nhà dân đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được nâng cấp, xây mới vì nằm trong vùng quy hoạch. Một số hộ có con cái lớn lập gia đình muốn tách thửa, xây mới nhà cửa để tiện sinh hoạt vì nhà cũ chật chội cũng không được.

Sau hơn thập kỷ thấp thỏm, đợi chờ, điều mong mỏi lớn nhất của họ hiện nay là sớm được đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, lo cho tương lai lâu dài. Ông Bùi Danh Tuyến, nhà nằm trong vùng dự án chia sẻ, đất thổ cư của hàng chục hộ trong thôn nằm trong vùng dự án phải thu hồi và di dời nhưng suốt bao năm qua người dân càng chờ di dời, càng trông tái định cư càng không thấy. Nhà cửa thì xuống cấp, nứt, thấm dột mỗi khi trời mưa, đó là chưa kể mùa mưa bão đang đến rất gần khiến người dân không khỏi thấp thỏm lo âu.

Cần nghiên cứu xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi phù hợp với bối cảnh phát triển mới

Sau 10 năm thực hiện Luật Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đánh giá, Thủ đô đã đạt nhiều kết quả, chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay đại đô thị Hà Nội vẫn còn tồn tại một số vấn đề nhà thừa, nhà cao tầng, thiếu hụt hạ tầng công cộng, không gian ngầm chưa phát triển… Do đó, cần nghiên cứu xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/5 - Ảnh 2
 Hà Nội sau 10 năm thi hành Luật Thủ đô đã có những bước phát triển về hạ tầng, quy hoạch…

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam ý kiến, đối với phát triển, cải tạo, chỉnh trang đô thị, đây là chính sách có tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành và được quy hoạch cụ thể trong các điều của Luật Thủ đô 2013. Trong nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô lần này, đã thể hiện nhiều nội dung cụ thể. Điển hình như cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị nội đô lịch sử; Quản lý, phát triển nhà ở; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển đô thị, thương mại, công nghiệp; Xây dựng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh với…

Về những cơ chế cụ thể, trước hết cần khẳng định vai trò, vị thế của Hà Nội với với vùng. Trong những năm vừa qua, Hà Nội được xác định là động lực phát triển của vùng, đặc biệt là Vùng Thủ đô. Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, lần này hy vọng với Nghị quyết mới của Bộ Chính trị sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có mối liên kết tốt với các tỉnh trong vùng, không những phát huy được động lực vùng mà còn thúc đẩy các tỉnh trong vùng phát triển. Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội để tạo vị thế xứng tầm với Thủ đô.

Ngã ngửa với ma trận “chăn dắt” nhà đầu tư của giới “cò” đất

Bằng nhiều chiêu trò, “cò” đất thông đồng với nhau đưa nhà đầu tư vào “ma trận”, nhất là với những nhà đầu tư tay mơ khiến họ chỉ còn nước xuống tiền, ôm đất mà chờ ngày thoát hàng.

Chuyện “cò” đất tạo ra những cơn “sóng” đất, thổi giá không còn là mới. Nhưng trong những cơn “sóng” đó đã có nhiều nhà đầu tư tay mơ “mắc cạn” một cách đầy cay đắng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/5 - Ảnh 3
Ảnh minh họa

Đơn cử, đợt tháng 3 vừa qua, lợi dụng giá đất ở khắp nơi tăng mạnh cùng với việc nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào đất đai. Một nhóm môi giới của sàn bất động sản X.Đ ở Bắc Ninh đã khuấy động việc mua bán tại một dự án bất động sản trên địa bàn.

Trong 2 năm qua, giá đất tại dự án V.Đ đã tăng 3-4 lần. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, giá đất của dự án này vẫn khá rẻ. Nắm bắt được điều đó, đội môi giới của sàn X.Đ tung tin đồn dự án sắp có sổ đỏ. Cùng với đó, môi giới tung tin mua gom vào 20 lô đất dự án V.Đ. Thấy thông tin như vậy, cùng giao dịch nhộn nhịp, nhiều nhà đầu tư đã không ngần ngại nhảy vào cuộc chơi.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra khuyến cáo: “Nhà đầu tư nên hết sức cẩn trọng trong việc tìm thị trường thời điểm này. Cần phải tìm hiểu kỹ để đánh giá chắc chắn là thị trường thật, đặc biệt địa phương thời gian qua giá bất động sản đã tăng cao, những địa phương có phong trào mua đất đai mà không chú trọng vào sản xuất, kinh doanh.

Tất nhiên, nhà đầu tư đổ tiền vào những khu vực đang nóng sốt có thể lướt sóng kiếm được nếu nhà đầu tư đó may mắn. Nhưng khả năng may mắn đó không chắc chắn lắm vì có thể bị Nhà nước kiểm soát, siết lại, thu lại rất cao. Cho nên, không nên thử vận may trong kiểu rủi ro đó mà nên tìm thị trường chính thống, được pháp luật bảo hộ kinh doanh. Đừng thử vận may ở những thị trường bát nháo”.

Nở rộ dự án bán 'chui' biệt thự, phân lô ở Hòa Bình

Dù tỉnh Hòa Bình vào cuộc chấn chỉnh, công khai các dự án “ma”, dự án chưa đủ điều kiện “bán lúa non”. Tuy nhiên, thời gian qua, tại địa phương này vẫn nở rộ dự án bán “chui” biệt thự, liền kề khi chưa được phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thời gian qua, nở rộ các dự án bất động sản “ma”, các dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng rao bán rầm rộ các sản phẩm biệt thự, liền kề khi chưa đủ điều kiện.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/5 - Ảnh 4
Phối cảnh dự án Takara Hòa Bình Resort. (Ảnh: Internet).

Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình vào cuộc chấn chỉnh, bêu tên 8 dự án "ma", không có trên địa bàn. Đồng thời, công khai các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản để người dân nắm bắt.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, bất chấp cảnh báo từ cơ quan chức năng nhiều dự án tại Hòa Bình chủ đầu tư vẫn “lách luật” huy động vốn của khách hàng, bán “chui” biệt thự, liền kề bằng “Hợp đồng vay vốn”, “Văn bản thỏa thuận”, “Bản đăng ký mua nhà”… tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.

Điểm mặt 8 dự án "ma"

8 dự án "ma" trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gồm: Dự án Green Oasis Hòa Bình - Lương Sơn; Dự án Beverly Hill - Lương Sơn Hòa Bình; Dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp; Dự án Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge; Dự án Mountain Villa - Lương Sơn; Dự án Kai Village Resort tại cầu Mè, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình; Dự án Ohara Villas &Resort, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình; Dự án The Moon Village tại xã Yên Quang, TP Hòa Bình.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới