Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/5
Đừng quan niệm cứ bất động sản là đầu cơ rồi siết; Khan hiếm cung ứng nhà ở xã hội giá rẻ tại tỉnh Bình Dương; Giá biệt thự, nhà liền kề tăng mạnh, giới đầu cơ đổ xô săn đón… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Đại biểu Quốc hội: Đừng quan niệm cứ bất động sản là đầu cơ rồi siết
Thời gian gần đây, dòng vốn vào bất động sản, bao gồm cả kênh trái phiếu và tín dụng ngân hàng đều bị siết lại khiến nỗi lo thị trường khó chồng khó xuất hiện.
Theo số liệu thống kê, trong tháng 4, không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu, trong khi từ trước đến nay đây luôn là một trong 2 nhóm ngành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành cao nhất. Không chỉ vậy, tốc độ tăng dư nợ tín dụng bất động sản đã chậm lại sau nhiều năm. Điều này dấy lên không ít lo ngại.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng nếu không cẩn thận sẽ "kìm" sự phát triển của các dự án đầu tư phát triển bất động sản.
"Đừng có quan niệm cứ đầu tư bất động sản là đầu cơ", ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông, tất cả hoạt động tạo ra giá trị sản phẩm mới đều thúc đẩy phát triển nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Khi doanh nghiệp xây dựng tòa nhà, khu đô thị, trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp… đã tạo ra giá trị mới rất lớn, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần tăng trưởng, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân.
Nếu không cẩn thận, ông Cường lo thị trường bất động sản khó lại thêm khó trong bối cảnh nguồn cung đã vô cùng hạn chế khi siết quá chặt dòng vốn. Trong khi đó, ngành này kích thích tăng trưởng rất nhanh, trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay việc đẩy mạnh cho thị trường này phát triển càng trở nên cần thiết, ông Cường nhấn mạnh.
"Chúng ta thấy được mối quan hệ giữa tăng trưởng và bất động sản rất chặt chẽ. Khi thị trường bất động sản tăng mạnh thì tăng trưởng cao. Khi tăng trưởng cao thì nhu cầu về bất động sản tăng", ông Cường nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị, có tới 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường bất động sản với hệ số lan tỏa từ 0,5 - 1,7 lần.
Riêng năm 2021, 4 ngành lớn có liên quan nhiều là xây dựng (5,95% GDP), du lịch (1,97% GDP), lưu trú (1,71% GDP), tài chính - ngân hàng (4,62% GDP). Cũng trong năm này, kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% tổng GDP.
Cũng theo ông Lực, thị trường bất động sản xếp thứ hai về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Lũy kế đến hết tháng 4 vừa qua, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 65 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn FDI đăng ký. Thị trường bất động sản là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị.
Khan hiếm cung ứng nhà ở xã hội giá rẻ tại tỉnh Bình Dương
Bình Dương đã thu hút đầu tư 86 dự án nhà ở xã hội có tổng diện tích sử dụng đất gần , tương đương khoảng 3,9 triệu m² sàn xây dựng; dù vậy, số lượng vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế.
Giá nhà ở xã hội giá rẻ (loại 100 triệu đồng/30m2) tại tỉnh Bình Dương đã bất ngờ tăng lên 200 triệu đồng/căn. Nhiều người lao động mong muốn mua để “an cư lạc nghiệp” nhưng gặp khó và săn tìm “đỏ mắt” vì nguồn cung luôn cháy hàng.
Để tạo điều kiện sống tốt hơn cho công nhân lao động, người thu nhập thấp, Bình Dương dự kiến xây dựng thêm 1 triệu căn nhà ở xã hội nên đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét, tạo điều kiện về vốn ưu đãi để tỉnh thực hiện kế hoạch; hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện đầu tư dự án khu nhà ở, khu đô thị, lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội…
Mục tiêu kế hoạch của tỉnh Bình Dương tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho tất cả các nhóm dân cư. Định hướng của Tỉnh ủy Bình Dương phấn đấu phát triển 1 triệu nhà ở cho công nhân, người lao động trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Đến năm 2025 dự kiến diện tích nhà ở bình quân đầu người của toàn tỉnh đạt 31,5 m2; trong đó, khu vực đô thị là 32,5 m2, khu vực nông thôn là 26,6 m2.
Giá biệt thự, nhà liền kề tăng mạnh, giới đầu cơ đổ xô săn đón
Biệt thự, liền kề ven TP. HCM trở thành phân khúc được quan tâm nhiều hơn thời gian gần đây nhờ vào sự phát triển hạ tầng và quỹ đất dồi dào. Hiện, các sản phẩm biệt thự hạng sang tầm giá 30-40 tỷ đồng đều “cháy hàng” trong thời điểm mở bán. Chuyên gia nhận định, thị trường có dấu hiệu đầu cơ với khoảng 65% người mua để đầu tư hơn là nhu cầu ở thực.
Tháng 4/2022, nhu cầu tìm mua biệt thự, liền kề trên chợ online tăng trung bình 7% trên cả nước. Trong đó, nhiều tỉnh có lượt tìm kiếm loại hình này tăng mạnh, nổi bật là Quảng Nam tăng đến 167%, Hưng Yên tăng 43%, Khánh Hòa tăng 18%, Quảng Ninh tăng 14%.
Nguồn cung biệt thự, liền kề toàn quốc cũng tăng 17%. Giá bán biệt thự, liền kề cũng tăng đáng kể, đặc biệt là tại các quận, huyện ở Hà Nội và TP. HCM. Giá rao bán biệt thự, liền kề tại Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoài Đức (Hà Nội) tăng lần lượt là 82%, 46%, 39%. Chỉ số này ở Tân Bình, Quận 7, Quận 9 (TP. HCM) cũng ghi nhận mức tăng 60%, 35% và 25%, theo số liệu của Batdongsan.com.vn.
Trong quý I vừa qua, nguồn cung sơ cấp trên thị trường TP. HCM đã được phục hồi sau một thời gian dài nguồn cung phân khúc này bị thiếu hụt do tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19. Savills đánh giá, sự tăng trưởng trở lại này đến từ kế hoạch tiêm chủng vắc-xin hiệu quả, từ đó thúc đẩy nguồn cung mới cũng như khôi phục kế hoạch bán hàng của các chủ đầu tư. Cụ thể, nguồn cung sơ cấp đạt gần 490 căn, tăng 23% theo quý và 3% theo năm.
Nguồn cung mới trong 3 tháng đầu năm được ghi nhận đến từ 10 dự án mới được mở bán và các giai đoạn mở bán tiếp theo thuộc 2 dự án hiện hữu tại Quận 9 cũ, Quận 12, Quận Tân Phú, Huyện Bình Chánh và Quận Thủ Đức cũ.
Savills cho biết, đến cuối năm 2022, nguồn cung biệt thự/nhà phố là 1.130 căn/nền dự kiến chào bán, trong đó có 56% đến từ các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Masterise Homes, Khang Điền, Keppel Land và Đại Phúc Group. Đặc biệt, các dự án được phát triển trong các khu đô thị phức hợp khép kín với mật độ không gian xanh cao và đầy đủ các tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua nhà sau đại dịch Covid-19.
Yên Bái có khu đô thị 124 ha gần cao tốc Nội Bài - Lào Cai
UBND tỉnh Yên Bái vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới (KĐTM) Yên Ninh tại phường Yên Ninh và xã Văn Phú, TP. Yên Bái.
Theo đó, phía Bắc của KĐTM giáp đường nối cầu Tuần Quán, phía Nam giáp khu dân cư xã Văn Phú, phía Đông giáp đường tỉnh ĐT.168 (đường Yên Bái - Văn Tiến), phía Tây giáp đường nối đường QL37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 124 ha; dân số khoảng 8.508 người. Về tính chất, đây là KĐTM của TP. Yên Bái với các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, văn minh và hiện đại, có sức hấp dẫn về cảnh quan và môi trường sống đô thị.
Không gian đô thị được tổ chức theo hai trục Bắc - Nam và Đông - Tây tạo sự kết nối thông suốt; hai đầu trục giao thông chính bố trí cổng chào, kết nối các công trình thương mại, dịch vụ kiến trúc.
Phân khu chức năng gồm ba khu ở, mỗi khu bố trí các trục cảnh quan, quảng trường lớn và các công trình kiến trúc chức năng đặc thù. Trong đó, khu ở phía Tây Bắc là khu vực phát triển đô thị cửa ngõ gần cầu Tuần Quán; có tính chất đặc trưng về thương mại, văn hoá được cấu thành từ các cụm nhà ở liền kề, biệt thự mang phong cách kiến trúc cổ Châu Âu, trung tâm thương mại kết hợp với trục văn hóa, quảng trường lễ hội.
Khu ở phía Nam là khu vực phát triển đô thị cửa ngõ nằm ở phía đông gần cầu Giới Phiên. Đây là khu ở có đặc trưng về thương mại , giáo dục theo tổng thể quy hoạch chung TP. Yên Bái với cầu Giới Phiên là cầu cảnh quan gắn với các hoạt động văn hoá tạo điểm nhấn phía Tây Nam của Thành phố.
Bùi Hằng