Thứ tư, 04/12/2024 03:36 (GMT+7)
Thứ hai, 26/12/2022 17:41 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/12

Theo dõi KTMT trên

Cần lưu ý gì khi xuống tiền săn bất động sản năm 2023?; Đồng Nai điều chỉnh giá đất, có nơi tăng gấp đôi; Đồng Nai điều chỉnh giá đất, có nơi tăng gấp đôi;... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Cần lưu ý gì khi xuống tiền săn bất động sản năm 2023?

Trong một hội thảo gần đây, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết lực cầu hiện là điểm sáng nhất của thị trường bất động sản. Lực cầu bất động sản hiện tại rất mạnh bởi kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và đầu tư công về hạ tầng cũng đang tăng trưởng mạnh nhất các thời kỳ.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/12 - Ảnh 1
Các chuyên gia đánh giá đây là thời điểm tốt để mua bất động sản với giá hợp lý hơn so với trước đây. (Ảnh: Tiến Tuấn)

Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm như hiện tại, ông Đính khuyến nghị các chủ đầu tư cố gắng đưa ra những chính sách phát triển hướng tới sản phẩm phù hợp nhu cầu người dân. Hiện nay, thị trường tuy khan hiếm nguồn cung nhưng vẫn có hàng tồn kho lại thuộc phân khúc cao cấp. Để tăng thanh khoản, các chủ đầu tư cần căn chỉnh lại những sản phẩm tung ra thị trường.

"Tôi cho rằng các dự án phù hợp kể cả thời điểm này nếu đưa ra sản phẩm nhà căn hộ 2 tỷ đồng trở xuống thì trong một ngày bán hết ngay. Đừng nói thị trường yếu, dân rất nhiều tiền. Dân cực nhiều tiền và họ đang sẵn sàng chờ hàng ngon là mua. Nên nhìn vấn đề thị trường đang ở điểm nào để đẩy những sản phẩm phù hợp. Tất nhiên với hoạt động doanh nghiệp các sản phẩm cao cấp sinh lời tốt hơn. Nhà ở xã hội, nhà giá rẻ lời nhuận không tốt bằng. Nhưng chúng ta muốn phát triển hay chúng ta muốn tắc nghẽn như bây giờ?", Chủ tịch Hội Môi giới nhấn mạnh.

Đồng Nai điều chỉnh giá đất, có nơi tăng gấp đôi

Giá đất mới với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhìn chung không thay đổi lớn, tuy nhiên có nơi sau khi điều chỉnh đã tăng gấp đôi.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 56/2022/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024 (Quyết định số 56).

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2023 và thay thế cho quy định về bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 ban hành vào năm 2019.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/12 - Ảnh 2
UBND tỉnh Đồng Nai vừa điều chỉnh giá đất trên địa bàn.

Quyết định số 56 quy định bảng giá đất đối với từng loại đất; nguyên tắc xác định giá đất tại từng khu vực, vị trí theo Luật Đất đai 2013.

Giá đất tại quyết định này là căn cứ để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức;

Tính tiền sử dụng đất; xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước; tính tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa…

Về phân loại, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp được chia làm 2 loại là tại đô thị và tại nông thôn, phân làm 4 vị trí.

Đối với đất nông nghiệp, tuỳ vào loại đất và vị trí có mức giá tương ứng. Cụ thể, đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác có mức giá cao nhất 450.000 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm 450.000 đồng/m2; đất rừng sản xuất 290.000 đồng/m2; đất nuôi trồng thuỷ sản 290.000 đồng/m2.

Với đất phi nông nghiệp, mức giá cao nhất cho từng loại đất được quy định như sau: Đất ở tại đô thị cao nhất 40.000.000 đồng/m2; đất ở tại nông thôn cao nhất 9.000.000 đồng/m2;

Đất thương mại – dịch vụ tại đô thị cao nhất 28.000.000 đồng/m2, tại nông thôn cao nhất 6.300.000 đồng/m2;

Cải tạo chung cư cũ Hà Nội hài hòa lợi ích 3 bên

TP Hà Nội đang tổng hợp ý kiến người dân để hoàn thiện dự thảo quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Rà soát của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ, được xây dựng từ trước năm 1994 (tương đương hơn 3 triệu m2 sàn), với hơn 100.000 hộ dân sinh sống. Riêng TP.Hà Nội có hơn 930 nhà chung cư đang sử dụng; trong đó có 132 nhà chung cư đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực ngày 1/7/2006 và hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau thời điểm này.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/12 - Ảnh 3
Cải tạo chung cư cũ Hà Nội hài hòa lợi ích 3 bên. (Ảnh: Trung Nguyên).

Thực tế, tình trạng nhiều nhà chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, cho thấy cấp thiết phải cải tạo để đảm bảo an toàn, chất lượng sống cho người dân. Song, cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ chưa hài hòa được lợi ích các bên Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đang là rào cản giải bài toán này. Thêm vào đó, chi phí đầu tư lớn, nhưng lợi ích mang lại không cao, nên không thu hút nhà đầu tư; cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, người dân cũng chưa thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình; trình tự triển khai các dự án cải tạo khu chung cư cũ còn phức tạp... khiến công tác cải tạo chung cư cũ "ì ạch".

Trước tình trạng trên, TP.Hà Nội đã xây dựng dự thảo quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ lấy ý kiến người dân từ tháng 12/2022. Trong đó đáng chú ý là dự kiến quy định hệ số bồi thường không vượt quá 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chung cư. Cụ thể, với dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư do Nhà nước thực hiện, hệ số bồi thường (hệ số K) là 1. Nếu căn hộ mới có diện tích lớn hơn căn cũ, chủ sở hữu phải trả tiền cho phần chênh lệch. Tiền được tính theo m2, mức giá bằng giá thành xây dựng.

Trường hợp dự án xây dựng lại chung cư được thực hiện bằng xã hội hóa, hệ số K không được vượt quá 2 lần diện tích sử dụng hợp pháp (căn hộ 25 m2, khi xây lại được bồi thường tối đa 50 m2). Đón nhận những thông tin này, nhiều người dân được lấy ý kiến tỏ ra đồng tình và cho rằng, với quy định như vậy, “nút thắt” trong việc cải tạo chung cư cũ sẽ sớm được giải quyết.

Công an vào cuộc vụ nguyên bí thư huyện thâu tóm 138,4 ha đất rừng

Công an tỉnh Bình Định đã vào cuộc xác minh vụ việc nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh giả chữ ký, hợp thức hoá hồ sơ để thâu tóm 138,4 ha đất rừng phòng hộ cho gia đình.

Sáng 26/12, nguồn tin riêng của phóng viên cho biết Công an tỉnh Bình Định vừa tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ việc gia đình nguyên Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Thạnh Nguyễn Đình Kim được giao 138,4 ha đất rừng phòng hộ trái quy định.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/12 - Ảnh 4
Một phần khu đất rừng nhà nước đã cấp cho gia đình ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh. (Ảnh: M.B).

Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc từ Thanh tra tỉnh Bình Định, Công an tỉnh này đã ra quyết định xác minh tin báo tội phạm, đồng thời giao Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) thụ lý, xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 11/11, Thanh tra tỉnh Bình Định đã có kết luận về vụ việc trên. Theo đó, để được giao đất rừng phòng hộ, ông Nguyễn Đình Kim đã tự viết đơn, giả chữ ký, làm giúp hồ sơ xin giao đất cho 5 trường hợp đều có quan hệ họ hàng với ông.

Cụ thể, tại tiểu khu 176 a ở xã Vĩnh Hoà cũ (nay là xã Vĩnh Hiệp), huyện Vĩnh Thạnh, Thanh tra tỉnh Bình Định xác định UBND huyện Vĩnh Thạnh giao đất cho các hộ: Bùi Văn Sum, Nguyễn Thị Thử, Bùi Thị Ngọc Vân và cá nhân Nguyễn Đình Sơn là không đúng đối tượng. Trong đó, ông Sum, bà Vân là cháu ruột; bà Thử là chị ruột; còn ông Sơn là con ruột ông Kim. Thời điểm được giao đất rừng, 4 người này đều không có hộ khẩu tại xã Vĩnh Hoà, còn ông Kim đương chức Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (sau này ông lên chức Bí thư Huyện ủy Vân Canh).

Ông Nguyễn Đình Kim cũng xác nhận nội dung, chữ ký trong đơn xin giao đất của 4 người nói trên đều do ông viết và ký tên. Từ khi được giao đất (năm 2004) đến nay, ông Kim trực tiếp quản lý, sử dụng.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới