Thứ ba, 10/12/2024 16:37 (GMT+7)
Thứ tư, 21/12/2022 17:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/12

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội kiên quyết thu hồi dự án khu đô thị chậm tiến độ; Doanh nghiệp bất động sản giảm lương, cắt nhân sự; Giá bất động sản chững lại, thời điểm vàng để “bắt đáy”?;... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Hà Nội kiên quyết thu hồi dự án khu đô thị chậm tiến độ

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 334 về khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm liên quan đến việc diện tích nhà ở bình quân năm 2021 chưa đạt được chỉ tiêu; nhiều dự án phát triển nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.

Đáng chú ý, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị theo kế hoạch. Trong đó, thành phố tập trung vào các dự án chậm triển khai năm 2021, 2022 để đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/12 - Ảnh 1
Dự án Khu nhà ở văn La (Hà Đông, Hà Nội) do Sudico làm chủ đầu tư nhiều năm chậm tiến độ, để hoang đất, gây lãng phí. (Ảnh: Trần Kháng).

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, khu nhà ở theo quy hoạch và dự án được duyệt khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Đặc biệt, đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, TP Hà Nội kiên quyết thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định, đồng thời công khai thông tin vi phạm, đưa vào tiêu chí đánh giá và không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn thành phố.

Tại kế hoạch này, trong năm 2023, TP Hà Nội sẽ cân đối bố trí đủ vốn để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư sử dụng vốn ngân sách; triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở xã hội cho thuê phục vụ các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp và học sinh, sinh viên.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các cấp độ. Cụ thể, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Doanh nghiệp bất động sản giảm lương, cắt nhân sự

Thay vì ồ ạt bán hàng giữa mùa cao điểm quý IV như mọi năm, các doanh nghiệp địa ốc hiện hoạt động cầm chừng vì ế ẩm, nợ lương, giảm nhân sự để tồn tại.

Thông tin cho thấy, giữa tháng 12, làn sóng giảm, nợ lương, sa thải tại các doanh nghiệp địa ốc diễn ra mạnh dần và có xu hướng trầm trọng thêm khi áp lực mùa Tết đến gần.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/12 - Ảnh 2
Các bất động sản khu Đông TP.HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đang bán dự án căn hộ tại TP Thủ Đức chia sẻ, đến tháng 12, công ty ông đã giảm 50% nhân sự và cắt giảm lương 30-40% tùy cấp bậc, chỉ giữ lại các vị trí trọng yếu do thị trường ế ẩm. Hiện guồng làm việc tại công ty duy trì 25% so với cùng kỳ năm ngoái, rất nhiều vị trí một người làm thay công việc của 3 người trước đây.

"Chế độ thưởng cơ bản là tháng 13 cũng được thông báo dừng trong mùa Tết này đối với nhân sự còn gắn bó vì công ty không thể xoay sở được dòng tiền cuối năm", anh nói.

Đầu tháng 12, một tập đoàn xây dựng và đầu tư địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM cũng công bố kế hoạch giảm hiệu suất công việc và phụ cấp theo lương từ 20-35% đối với các cấp từ trưởng phòng đến tổng giám đốc, đồng thời dừng một số chính sách phúc lợi xã hội, khen thưởng. Nguyên nhân là công ty không thể đòi được các khoản tiền nợ từ những chủ đầu tư bất động sản, các dự án của công ty thành viên cũng không bán được, dẫn đến không có doanh thu.

Giá bất động sản chững lại, thời điểm vàng để “bắt đáy”?

Thời gian qua, thị trường bất động sản đang xuất hiện làn sóng "bán cắt lỗ", nhất với phân khúc đất nền. Minh chứng là nhiều sản phẩm đang được rao bán với mức giá giảm sâu từ 50-60% so với thời kì đỉnh giá.

Tại thị trường bất động sản Hà Nội, những lô đất mặt tiền kinh doanh tại huyện Đông Anh, một số nơi có giá rao bán thời điểm "sốt đất" cách đây 6 tháng đến 1 năm có giá từ 60 triệu đồng/m2 trở lên, có những lô bị đẩy lên 70-110 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay những vị trí này được chào giá 40 triệu đồng/m2, một vài lô vị trí đẹp hơn, giá ngoài 50 triệu đồng/m2, nhưng vẫn chưa có giao dịch.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/12 - Ảnh 3
Nhiều nhà đầu tư buộc phải "cắt lỗ" bất động sản do không chịu được lãi suất cho vay. (Ảnh: TN)

Trong khi đó, so với cùng kỳ năm ngoái, mức giá đất dịch vụ thuộc Lai Xá, Kim Chung Di Trạch, Vân Canh của huyện Hoài Đức đang giảm từ 30-40 triệu đồng/m2. Còn một số nhà đầu tư, do chịu áp lực lãi vay ngân hàng nên đang rao bán đất nền khu vực huyện Gia Lâm với mức giá giảm từ 20-40 triệu đồng/m2.

Các chủ đầu tư bất động sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn với lượng hàng tồn kho của thị trường bất động sản tăng lên. Cùng với đó, doanh số bán hàng giảm và chịu áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023.

Doanh nghiệp chật vật xin thủ tục xây nhà ở xã hội

Liên quan đến những vướng mắc xây nhà ở xã hội, mới đây ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Công ty TNHH Hoà Bình đã có văn bản bày tỏ về việc gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội ở TP.Hà Nội.

Thời gian gần đây, Chính phủ liên tục thúc đẩy chủ trương xây nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Theo đó, ngày 1/8/2022, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị "Thúc đẩy phá triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp". Tại hội nghị, Thủ tướng cho biết thời gian qua đã có gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội đã hoàn thành, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện điều kiện nhà ở.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/12 - Ảnh 4
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động; nhìn chung, nhà ở vẫn là nhu cầu cấp thiết của công nhân, người lao động. Cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng.

Liên quan đến những vướng mắc xây nhà ở xã hội, mới đây ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Công ty TNHH Hoà Bình đã có văn bản bày tỏ về việc gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội ở TP.Hà Nội. Theo ông Đường hơn 300 ngày là khoảng thời gian mà Tập đoàn Hòa Bình phải chờ đợi UBND TP Hà Nội trả kết quả chấp thuận chủ trương đầu tư. Thậm chí, con số này còn đang tiếp tục tăng lên khi UBND TP Hà Nội vẫn chưa có tín hiệu phản hồi doanh nghiệp.

Theo hồ sơ tài liệu doanh nghiệp làm việc với Hà Nội xin chủ trương đầu tư dự án thể hiện Công ty CP Nông sản Agrexim (Công ty Agrexim) và Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng (Công ty Vĩnh Hưng) đã uỷ quyền cho Công ty Hoà Bình toàn quyền thay mặt Liên danh thực hiện các thủ tục pháp lý của Dự án nhà ở xã hội cao tầng tại số 393 Lĩnh Nam và Dự án nhà ở xã hội cao tầng tại số 4 - 6 - 8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Newtown Diamond – Nơi thăng hoa của nghệ thuật sống cân bằng
Newtown Diamond tại Đà Nẵng hứa hẹn mang đến một không gian sống lý tưởng cho những chủ nhân xứng tầm, vốn luôn theo đuổi nghệ thuật sống cân bằng hoàn hảo về thể chất lẫn tinh thần của phong cách Dolce Far Niente đậm chất Địa Trung Hải.

Tin mới