Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 24/8
TP.HCM đưa vào sử dụng 260 căn nhà ở xã hội; Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng; Sốt đất đi qua, thị trường bất động sản xuất hiện nghịch cảnh... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
TP.HCM đưa vào sử dụng 260 căn nhà ở xã hội
Ngày 22/8, 260 căn nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM đã chính thức đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 22 năm Ngày thành lập Tập đoàn Hoàng Quân.
Việc đưa vào sử dụng 260 căn nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông góp phần hoàn thiện 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và nhà ở công nhân mà thời gian qua Hoàng Quân đã nỗ lực hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng.
Chung cư nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông là một trong những dự án trọng điểm được Tập đoàn Hoàng Quân bàn giao trong đầu năm 2022. Dự án xây dựng trên quỹ đất sạch rộng gần 4.300m2 do doanh nghiệp tự đền bù và đã nộp tiền sử dụng đất. Với tổng mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng, dự án cao 15 tầng và 1 tầng hầm. Tất cả các căn hộ được thiết kế với chiều cao hợp lý, thông thoáng, phong cách thiết kế hiện đại, mang tính thẩm mỹ cao.
Ngoài ra, HQC Bình Trưng Đông còn được trang bị hệ thống an ninh, camera hoạt động xuyên suốt tòa nhà 24/7 cùng đầy đủ tiện ích nội khu như: trung tâm thương mại, hồ bơi tràn bờ tại tầng 3, hệ thống rạp chiếu phim, phòng tập gym, spa, khu vui chơi trẻ em cùng nhà sinh hoạt cộng đồng...
Tại Lễ khánh thành 260 căn nhà ở xã hội, Hoàng Quân cũng đã trao quỹ học bổng cho con em cư dân HQC Bình Trưng Đông trị giá 200 triệu đồng và ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng PV Bank để phát triển các dự án nhà ở xã hội tiếp theo.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về các dự án Luật có tác động lớn đến đời sống, xã hội sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xác định là dự án đặc biệt quan trọng bởi đất đai là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ đánh giá dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai. Và đặt ra các yêu cầu trọng tâm. Đó là sự thống nhất quan điểm, tư duy, phương pháp luận xây dựng thể chế, pháp luật nhất quán mục tiêu, yêu cầu hoàn thiện, trình Chính phủ các dự án Luật tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật đồng bộ, đổi mới trong quản lý, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tạo không gian, động lực, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ nguồn lực đất đai, ngân sách, vốn, tài sản Nhà nước.
Thời gian quan, các Bộ, cơ quan Trung ương tập trung cho nhiệm vụ hoạch định chiến lược, xây dựng thể chế, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển, phân cấp mạnh về thẩm quyền, trách nhiệm cho địa phương, các cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện, gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý vi phạm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục tập trung nguồn lực, rà soát nội dung của dự án, lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, xuất phát từ thực tiễn của đối tượng tác động, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và nhân dân… hoàn thiện dự án Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình Chính phủ.
Biệt thự ở Hà Nội tăng giá bằng lần, chuyên gia dự báo diễn biến thời gian tới?
Sau thời gian biệt thự, nhà liền kề Hà Nội liên tục tăng giá, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội cho rằng hiện đã có chiều hướng chững lại liên quan đến tính thanh khoản, khả năng chi trả, cũng như mức độ hấp dẫn của sản phẩm và tính cạnh tranh với các dòng sản phẩm ở các địa phương lân cận.
Báo cáo quý II mới đây của Savills Việt Nam chỉ ra, Hà Nội chỉ có 146 căn biệt thự, nhà liền kề mới, giảm 82% theo quý và 84% theo năm. Nguồn cung sơ cấp toàn thị trường ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua, ở mức 993 căn, giảm 34% theo quý và 49% theo năm.
Lượng giao dịch giảm 55% theo quý và 72% theo năm với chỉ 302 giao dịch. Huyện Gia Lâm có lượng giao dịch nhiều nhất với 69% thị phần, theo sau bởi Hà Đông với 15%. Liền kề và nhà phố (shophouse) chiếm 67% lượng giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ ở mức 30%, giảm 14 điểm % theo quý và 25 điểm % theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới chỉ có 14%.
Báo cáo của Batdongsan.com.vn trước đó cũng cho thấy người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất tại Hà Nội khi lượng quan tâm tới thị trường biệt thự/liền kề giảm 11% theo năm và giảm 14% với shophouse.
Mặc dù giao dịch giảm nhưng nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp. Trong đó, giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse tăng 22% và giá liền kề tăng 20%. Đáng chú ý, so với năm 2018, giá bán biệt thự Hà Nội đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.
Cũng theo báo cáo của Savills, trong quý I/2018, giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự hạng A Hà Nội là 65 triệu đồng/m2, đến quý I/2022, Savills ghi nhận giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự Hà Nội đạt 134 triệu đồng/m2, thậm chí xuất hiện mức giá cao kỷ lục là 569 triệu đồng/m2,
Lý giải về điều này, chuyên gia của Savills nhận định, người mua đang có xu hướng dịch chuyển sang các dự án tại tỉnh vệ tinh như Hưng Yên, vì nguồn cầu chưa được đáp ứng tại Hà Nội.
Sốt đất đi qua, thị trường bất động sản xuất hiện nghịch cảnh
Sau “sốt đất”, tình cảnh đối nghịch đã diễn ra trên thị trường bất động sản, thực trạng cắt lỗ đã xảy trong thời gian gần đây đến từ nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, những nhà đầu tư có tiềm lực lại cho đây là cơ hội mua được giá tốt.
Bước sang đầu năm 2022, tại nhiều khu vực thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững. Theo đó, sốt đất hạ nhiệt đã xuất hiện hiện tượng nhiều người bán nhưng không tìm được đầu ra của sản phẩm. Theo đó, nhiều người tỏ ra lo lắng nếu không bán nhanh, nếu thị trường xấu hơn nữa sẽ dẫn tới việc “chôn” vốn nhiều năm, thậm chí là lỗ sâu.
Theo anh Nguyễn Hoàng, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội, cuối năm 2021 thấy thị trường bất động sản “nóng” anh đã không ngần ngại vay tiền để mua một lô đất tại Bắc Giang.
“Từ năm 2021, thấy bạn bè tôi kéo nhau về Bắc Giang mua đất, nghe nói thời điểm đó thị trường không có hàng để bán, cứ ra lô nào là hết ngay lô đấy. Chỉ trong vài ngày tôi đã chốt mua lô đất rộng 150m2, với giá 22 triệu đồng/m2, tổng 3,3 tỷ đồng, trong đó, khoảng 2 tỷ đồng là tôi đi vay”, anh Hoàng nói.
Đến đầu năm 2022, thấy môi giới tại khu vực này tiếp tục đồn thổi “sốt đất”, vì cũng đang cần tiền nên anh tranh thủ “ăn theo” bán lô đất đang nắm giữ. Nhưng rao bán suốt 4 tháng chỉ có 2 người thiện chí đến tận nơi xem đất, còn lại người ta chỉ hỏi để biết giá mà không có nhu cầu mua thực. Mà muốn bán cho người có nhu cầu thực thì đều bị “chê” giá cao.
“Rao bán mãi không thấy ai mua mà tôi đang cần tiền. Cuối cùng, suốt thời gian đầu tư lời lãi chưa thấy đâu nhưng mỗi tháng tôi phải lo mấy chục triệu đồng mỗi tháng để trả ngân hàng. Thấy thị trường sang năm nay cũng chững hơn nên tôi đành bán 2,8 tỷ đồng, lỗ nửa tỷ đồng”, anh Hoàng than thở.
Huyền Diệu