Thứ sáu, 29/03/2024 06:04 (GMT+7)
Thứ ba, 23/08/2022 19:27 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/8

Theo dõi KTMT trên

Từ 25/8, giá đất bồi thường tại TP.HCM tối đa tới 810 triệu/m2; Dòng tiền vào bất động sản phòng thủ?; Vĩnh Phúc: Hàng loạt dự án ‘biến tướng’ chủ trương đầu tư... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Từ 25/8, giá đất bồi thường tại TP.HCM tối đa tới 810 triệu/m2

Bắt đầu từ ngày 25/8, đất ở TP Thủ Đức và các quận tại TP.HCM có hệ số điều chỉnh tăng gấp 3 đến 15 lần so với bảng giá đất do Nhà nước ban hành.

UBND TP.HCM vừa ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn thành phố trong năm 2022.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/8 - Ảnh 1

TP Thủ Đức nằm trong nhóm các địa phương có hệ số K bồi thường đất ở cao nhất từ 8-15 lần. (Ảnh: PLO)

Đường Đồng Khởi có giá đất giao dịch thuộc hàng cao nhất tại TP.HCM. Theo bảng giá do Nhà nước ban hành, giá đất ở đô thị cao nhất là 162 triệu đồng/m2. Nếu áp dụng hệ số điều chỉnh bảng giá do thành phố công bố thì giá thương lượng bồi thường tại con đường này sẽ rơi vào khoảng 648-810 triệu đồng/m2. Đây cũng là mức giá cao nhất đối với đất ở tại TP.HCM.

Theo đó, về đất ở, hệ số điều chỉnh giá đất tại TP Thủ Đức và các quận tăng từ 3 đến 15 lần, 5 huyện ngoại thành là từ 8-15 lần bảng giá đất do Nhà nước ban hành. Về đất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh giá từ 7-35 lần giá đất trong bảng giá do UBND thành phố ban hành.

Các địa phương sẽ sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất này để xây dựng dự thảo phương án bồi, đưa ra lấy ý kiến của người dân, không phải thẩm định giá cho từng dự án cụ thể.

Dòng tiền vào bất động sản phòng thủ?

Thị trường bất động sản (BÐS) đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn cả về nguồn cung và thanh khoản. Theo các chuyên gia, dòng tiền nhà đầu tư có thể đang lui về phòng thủ tại những sản phẩm biên lợi nhuận thấp nhưng an toàn với tính pháp lý cao.

Trước những động thái kiểm soát tín dụng BĐS và phát hành trái phiếu bất động sản trong thời gian gần đây của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Đức Quân, Phó tổng giám đốc Nam Land cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nếu xuất hiện các biến động lớn liên quan đến tài chính thì giá trị đồng tiền sẽ bị ảnh hưởng với dự báo lạm phát tăng cao. Khi đó, đối với các nhà đầu tư có nhu cầu tìm kiếm kênh neo giữ tài sản thì bất động sản thường là kênh đầu tiên được nghĩ đến.

Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, bất động sản luôn là kênh đầu tư có sức đề kháng tốt trước nhiều biến động của thị trường, dịch bệnh hay lạm phát...

Ông Quân phân tích đã xuất hiện cơ hội bắt đáy thị trường BĐS giữa thời thanh lọc gắt gao. “Thị trường BĐS đang trong vòng xoáy siết tín dụng, nhà đầu tư hướng về dòng vốn trung - dài hạn ở những thị trường giàu tiềm năng, có khả năng khai thác, sinh lợi nhuận kép và các dự án bất động sản được bảo chứng chất lượng, bởi các đơn vị vận hành nước ngoài, chủ đầu tư uy tín.

Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư sở hữu được các BĐS với mức giá hợp lý do thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh nhịp tăng giá, kèm theo đó là loạt chính sách ưu đãi của chủ đầu tư để kích cầu thị trường BĐS.”, ông Quân nhấn mạnh. Đánh giá xu hướng đầu tư bất động sản trong nửa cuối năm 2022 và 3 năm tới, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam cho rằng xu hướng hình thành các đô thị và đại đô thị tại các khu vực vùng ven quy mô từ 70 ha trở lên. Việc Hà Nội đi trước đến từ khả năng kết nối rất tốt các khu vực vùng ven với trung tâm thành phố.

Vĩnh Phúc: Hàng loạt dự án ‘biến tướng’ chủ trương đầu tư

Qua kiểm tra 195 dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan chức năng đánh giá: Rất ít doanh nghiệp hoạt động đảm bảo công suất và đúng mục đích theo chấp thuận chủ trương đầu tư. Đa số bỏ trống hoặc cho các cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê để hoạt động ở lĩnh vực khác.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/8 - Ảnh 2
Dự án Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt có những sai phạm trong lĩnh vực xây dựng. (Ảnh: Bệnh viện Lạc Việt)

Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc vừa có báo cáo Kiểm tra công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng tại các dự án dịch vụ thương mại hai bên các trục đường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, tổng số dự án Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra là 195 dự án (gồm 179 dự án DDI và 16 dự án FDI). Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra được 180/195 dự án. Trong đó có 166 dự án DDI và 14 dự án FDI; 15 dự án chưa kiểm tra được gồm: 8 dự án không liên hệ được với chủ đầu tư; 3 dự án chủ đầu tư xin lùi lịch kiểm tra (đoàn kiểm tra không xếp được lịch kiểm tra theo yêu cầu của đơn vị) và 4 dự án chủ đầu không phối hợp với đoàn kiểm tra. Thậm chí có những trường hợp cố tình né tránh.

Trong quá trình kiểm tra, phát hiện một số trường hợp có vi phạm, đủ cơ sở để xử lý, Đoàn kiểm tra đã thực hiện việc xử lý theo thẩm quyền: Công ty cổ phần Tập đoàn Lạc Việt là chủ đầu tư dự án Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, có hành vi: tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép.

Công ty TNHH Lục Nam là chủ đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận tải và sửa chữa ô tô, có hành vi: tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng (các hạng mục công trình kinh doanh giải khát).

Bắc Giang thu hút hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư trong 8 tháng

Cụ thể, tháng 8, tỉnh này thu hút được tổng vốn đầu tư quy đổi đạt 49 triệu USD, bằng 67,75% so với cùng kỳ. 3 dự án đầu tư trong nước được cấp mới với số vốn đăng ký đạt 702 tỷ đồng và hai dự án FDI vốn đăng ký 2,81 triệu USD. 6 dự án FDI được điều chỉnh tăng vốn với số vốn điều chỉnh tăng 15,69 triệu USD.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/8 - Ảnh 3
Bắc Giang quy hoạch 29 khu công nghiệp rộng 7.000 ha đến năm 2030. (Ảnh minh họa: Tiến Dũng).

Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được tổng vốn đầu tư đạt hơn 1 tỷ USD, gấp 1,2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, 22 dự án trong nước với vốn đăng ký là 5.551 tỷ đồng, 18 dự án FDI  vốn đăng ký 269,63 triệu USD được cấp mới. 7 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 80,4 tỷ đồng và 29 dự án FDI, vốn đăng ký tăng thêm 527,77 triệu USD được điều chỉnh.

So với cùng kỳ năm 2021, số dự án đầu tư trong nước tăng một dự án, vốn đăng ký mới gấp 3,7 lần, do cấp mới hai dự án khu công nghiệp Yên Lư và khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng. Số dự án FDI cấp mới tăng 1 dự án, vốn đăng ký bằng 41,9% so với cùng kỳ; số vốn đăng ký bổ sung của các dự án FDI gấp 3,3 lần so với cùng kỳ.

Cũng trong 8 tháng, toàn tỉnh có 991 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,3% so với cùng kỳ, vốn đăng ký gần 23.000 tỷ đồng, tăng 30,4%. Bên cạnh đó có 95 chi nhánh, văn phòng đại diện, 661 địa điểm kinh doanh được đăng ký.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.