Thứ sáu, 19/04/2024 00:02 (GMT+7)
Thứ ba, 10/05/2022 18:55 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/5

Theo dõi KTMT trên

Thị trường đất nền phát triển quá 'nóng' dẫn đến nhiều hệ lụy; phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc; có địa phương đến 90% người dân phải 'lót tay' khi làm sổ đỏ… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Thị trường đất nền phát triển quá 'nóng' dẫn đến nhiều hệ lụy

Nhận định về thị trường đất nền Việt Nam tại buổi đối thoại chuyên đề “Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản phát triển thiên về đất nền nhiều hơn cả. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, doanh nghiệp dù chỉ có tiềm lực tài chính mỏng nhưng cũng san đất, cắm mốc làm đường rồi bán nền thu tiền.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/5 - Ảnh 1
Nếu đất nền phát triển quá nóng thì sẽ dẫn đến hệ lụy là xuất hiện "sốt đất" không đáng có và khiến thị trường phát triển không lành mạnh. (Ảnh minh họa)

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh, nếu như thị trường đất nền phát triển quá "nóng" sẽ tất yếu dẫn đến rất nhiều hệ luỵ. Trong đó, hệ lụy đầu tiên chính là xuất hiện những “cơn sốt đất” không đáng có. Hệ lụy thứ hai là khi đất nền trở thành phân khúc chỉ để đầu tư kiếm lời lướt sóng mà không phục vụ mục đích sản xuất thì sẽ không giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, vị chuyên gia bất động sản này cho rằng, chủ yếu là do đất nền dễ đầu tư; đồng thời sự buông lỏng công tác quản lý trong việc phát triển dự án cũng là nguyên nhân khiến thị trường méo mó.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hà còn chỉ ra, trong 2 năm qua, do yếu tố dịch bệnh Covid-19 nên mọi yếu tố gần như quá khó khăn với thị trường bất động sản. Thậm chí có lúc phải đóng cửa công trường xây dựng, hầu như không có công trường nào thi công được, đặc biệt bất động sản nghỉ dưỡng ngưng trệ do không có khách quốc tế lẫn khách nội địa.

Trước những khó khăn và thách thức này, giới doanh nghiệp bất động sản nhiều lần đề xuất, kiến nghị với mong muốn Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển và là điểm cốt yếu để giúp cho phục hồi kinh tế.

Phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc

Đây là một trong những nhiệm vụ được đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 15-NQ/TW được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành ngày 05/5.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/5 - Ảnh 2
Phát triển Hà Nội toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội.

Mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021- cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 202-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.

Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh.

Có địa phương đến 90% người dân phải 'lót tay' khi làm sổ đỏ

Tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ-PV) phải chi “lót tay” dao động từ 40-90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tình trạng “chung chi” để làm xong thủ tục này phổ biến ở địa phương như Cao Bằng, Đăk Lăk và Sóc Trăng.

Đó là thông tin được chỉ ra tại Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 vừa được công bố ngày 10/5. Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” trong PAPI 2021 lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu.

Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khiến mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên. Tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế của người dân tăng mạnh từ 2% lên 23%.

Bà Caltlln Wlesen, đại diện thường trú UNDP Việt Nam - đơn vị thực hiện PAPI cho biết, tỷ lệ người dân hài lòng với cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền đã giảm từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021. Đặc biệt, với lĩnh vực y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện/quận/thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. Trong khi đó, tỷ lệ người dân cho biết họ hoặc người thân trong gia đình phải “chung chi” để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ.

TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định, chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay.”

Không doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu trong tháng 4

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA) cho biết, trong tháng 4/2022, không có doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nào phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo báo cáo của của VMBA, trong tháng 4/2022, không có đợt phát hành trái phiếu ra công chúng nào và có 23 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 16,472 tỷ đồng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/5 - Ảnh 3
Không có doanh nghiệp BĐS nào phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4/2022. (Ảnh minh họa)

Phần lớn doanh nghiệp phát hành trong tháng 4 đến từ các ngân hàng thương mại với 14,940 tỷ đồng, chiếm 90.7% tổng giá trị phát hành. Trong nhóm này, Ngân hàng TMCP Quân Đội phát hành nhiều nhất với 4,600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín đứng sau ở mức 2,500 tỷ đồng, trái phiếu cũng đều có kỳ hạn 3 năm.

Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc các nhóm năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính cũng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng nhưng khối lượng chiếm chưa tới 10% tổng giá trị phát hành.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 10/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới