Chủ nhật, 08/09/2024 06:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/05/2022 18:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/5

Theo dõi KTMT trên

Thông tin mới nhất về quy hoạch Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố nhà đầu tư cần biết; Làm gì với “thổi giá” bất động sản?; “Gỡ” nút thắt pháp lý bất động sản du lịch khơi thông hàng trăm nghìn tỷ đồng… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Thông tin mới nhất về quy hoạch Đông Anh - Sóc Sơn - Mê Linh lên thành phố nhà đầu tư cần biết

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, nội dung đáng chú ý là xác định sẽ xây dựng thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội ở vùng phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/5 - Ảnh 1

Theo đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống.

Cùng với đó, phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Được biết, trước đó, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của TP.Hà Nội hồi cuối năm 2021 cũng nghiên cứu đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố. Thông tin này ngay lập tức khiến thị trường BĐS tại 3 khu vực này sôi động.

Siết tín dụng bất động sản: "Không nên hà khắc… cái gì cần siết thì siết, cần khuyến khích vẫn phải khuyến khích"

Đây là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, khi bàn về "siết" tín dụng bất động sản. Theo ông Lực, thị trường bất động sản vốn đã thiếu các dự án mới, nếu việc "siết" tín dụng bất động sản được thực hiện ồ ạt sẽ khiến nguồn cung trên thị trường trở nên khan hiếm, nhu cầu mua nhà của người dân bị khựng lại.

Đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn yêu cầu các ngân hàng triển khai thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động. Trong đó, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.. Ngay sau đó, một số ngân hàng đã thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực bất động sản khiến các doanh nghiệp bất động sản chới với.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã đưa ra kiến nghị liên quan đến lộ trình kiểm soát nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản của các ngân hàng thương mại. HoREA cho rằng, chủ trương "siết" tín dụng cho bất động sản là đúng, nhưng câu hỏi quan trọng hơn là "siết" như thế nào và "siết" ai? Nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ phải chứng kiến những hệ lụy rất khó kiểm soát. Ảnh hưởng đầu tiên sẽ là người thực sự có nhu cầu sở hữu bất động sản.

"Dù để ở hay đầu tư, đây vẫn là nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ sở hữu nhà của người dân Việt Nam còn rất thấp, nhu cầu về nhà ở hiện tại và tương lai là rất lớn. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng hiện là nguồn vốn mồi quan trọng và chủ yếu của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh thị trường vốn hiện nay của Việt Nam đang rất hạn chế, thiếu sự đa dạng. Nếu việc siết được thực hiện ngay sẽ ảnh hưởng lập tức đến các dự án đang triển khai dang dở và từ đó càng khiến nguồn cung trên thị trường trở nên khan hiếm", ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết.

Đồng quan điểm với ông Châu, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng cho bất động sản đạt 4,75%, gấp 1,7 lần so với con số 4,2% năm ngoái. Điều này cho thấy, nhu cầu về tín dụng cho bất động sản rất lớn. Chính vì thế, đối với tín dụng cho bất động sản "cái gì cần siết thì siết, cần khuyến khích vẫn phải khuyến khích".

“Gỡ” nút thắt pháp lý bất động sản du lịch khơi thông hàng trăm nghìn tỷ đồng

Các chuyên gia cho rằng, cần sớm ban hành văn bản dưới luật để giải quyết cấp bách về pháp lý cho bất động sản du lịch, nhằm tháo gỡ hàng trăm nghìn tỷ đồng bị ứ đọng của chủ đầu tư vào lĩnh vực này.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/5 - Ảnh 2
Khu vực Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa có nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. (Ảnh: Trung Vũ)

Phát biểu tại Hội thảo Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam - Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Quyền cho biết, tạo dựng được một khung khổ pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch là yêu cầu cấp thiết cần đặt ra trong bối cảnh ngành du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19.

Mặt khác, để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư việc cấp bách trước mắt cần phải làm là sớm có giải pháp gỡ rối cho các dự án đã được đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng đang “mắc kẹt”. Theo đó, TS. Nguyễn Văn Quyền cho rằng cần phải có những giải pháp kịp thời bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia tại Hội thảo cũng cho biết, theo số liệu thống kê của VNREA, tính đến 9/2021 tại 15 địa phương gồm: Hoà Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Quốc có tổng số 239 dự án bất động sản du lịch với hơn 114.097 căn hộ condotel, ước tính giá trị 297.128 tỷ đồng; 24.399 villas, ước tính giá trị 243.990 tỷ đồng; 30.899 shophouse, ước tính giá trị 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị 3 sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

Làm gì với “thổi giá” bất động sản?

Tình trạng sốt ảo giá đất, nhiều nơi tăng nóng 140 - 150 triệu đồng/m2 cùng tình trạng dự án phân lô, bán nền tràn lan, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường BĐS đang bị thao túng, giá tăng vô tội vạ.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/5 - Ảnh 3
Ảnh minh họa.

Còn nhớ, mạng xã hội từng xôn xao về clip bán đất nền của một công ty bất động sản trên địa bàn huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Theo đó, clip dài khoảng 4 phút ghi lại ở một bãi đất trống, bên cạnh con đường có hàng chục chiếc ô tô đang đậu. Một số nhân viên của công ty BĐS mặc vest cầm cặp da và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) chạy đi chạy lại thông báo chốt cọc với một MC. Nhân viên công ty liên tục từ khu lều bạt chạy đến chỗ MC nói "lô 4, lô 5, lô 13, lô 19, 29... khách đặt cọc rồi"; "lô 26,27 cọc luôn"... Sau đó MC thông báo lại lên loa lô đã chốt cọc.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo huyện Lộc Ninh khẳng định, chưa có bất kỳ dự án khu dân cư nào được cấp phép mở bán. Việc nhóm người của công ty giới thiệu là "Dự án Lộc Khánh" để bán đất cho người dân là chưa đúng với thực tế. Sau khi chính quyền vào cuộc, UBND huyện Lộc Ninh ra quyết định xử phạt hành chính công ty này 100 triệu đồng vì vi phạm kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS.

Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng, các Bộ luật liên quan đến đầu tư kinh doanh phát triển đã hoàn thiện nhưng thị trường phát triển nhanh, có những điểm không còn phù hợp nữa và chúng ta đang chậm trễ. Hoạt động kinh doanh thu hút đầu tư rất cao, các dự án bất động sản tại đây thì vẫn còn hạn chế về nguồn cung; cầu cao cung thấp thì đẩy giá rất cao.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.