Thứ ba, 31/12/2024 00:10 (GMT+7)
Thứ ba, 26/04/2022 19:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/4

Theo dõi KTMT trên

Nỗi lo của đại gia bất động sản ập đến, thị trường sẽ nóng lạnh ra sao? Hàng loạt ông lớn đổ bộ, Bình Phước bắt đầu chu kỳ tăng trưởng nóng ; Giá thuê mặt bằng bán lẻ ở TP.HCM tăng trở lại… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Nỗi lo của đại gia bất động sản ập đến, thị trường sẽ nóng lạnh ra sao?

Áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn, chuyên gia nhận định.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang "đứng ngồi không yên" khi một số ngân hàng thông báo hạn chế cho vay bất động sản (kể cả cho vay cá nhân). Tới đây, khi cơ quan quản lý tiếp tục siết chặt thêm điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ thì nguồn vốn chảy vào thị trường này sẽ càng thêm "co" lại.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - nhận định, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/4 - Ảnh 1
Theo chuyên gia, siết chặt cả nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường bất động sản có thể gặp khó khăn, rủi ro. (Ảnh: Hải Long).

Nỗi lo về việc thắt chặt tín dụng được nhấn mạnh trong báo cáo quý I vừa công bố của đơn vị trên. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, Sacombank sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc; trong khi đó, Techcombank tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản từ ngày 25/3 đến ngày 1/4. Các biện pháp thắt chặt khác dự kiến sẽ được áp dụng trong thời gian tới.

Còn theo Nghị quyết 11 được ban hành ngày 30/1 vừa qua, Ngân hàng Nhà Nước yêu cầu các ngân hàng thương mại ưu tiên tín dụng vào các lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh, hoặc các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Savills, tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 19% tổng dư nợ nền kinh tế và dự kiến sẽ giảm trong năm nay.

Hàng loạt ông lớn đổ bộ, Bình Phước bắt đầu chu kỳ tăng trưởng nóng

Quỹ đất rộng, giá cả hấp dẫn, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ… là yếu tố thu hút hàng loạt “ông lớn” từ địa ốc đến công nghiệp đổ bộ về Bình Phước phát triển nhiều dự án quy mô, tầm cỡ.

Bình Phước đang là “điểm sáng” đầu tư tại thị trường phía Nam nhờ nắm giữ nhiều lợi thế bền vững về phát triển công nghiệp, sở hữu nhiều quỹ đất rộng. Cùng với đó là hệ thống hạ tầng giao thông đang được phát triển, vị trí địa lý kết nối liên vùng thuận lợi.

Bên cạnh đó, Bình Phước đã đưa ra những thay đổi trong cơ chế khuyến khích đầu tư để thu hút vốn. Theo đó, các nhà đầu tư được hưởng nhiều chính sách ưu đãi với cơ hội được miễn thuế, hỗ trợ quảng cáo, xúc tiến thương mại, thuê đất giá rẻ… Từ những chính sách thông thoáng và thuận lợi của tỉnh đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có ý định rót vốn vào khu vực này.

Thời gian gần đây, nhiều “ông lớn” đã đổ bộ về Bình Phước để tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển nhiều dự án tầm cỡ. Mới đây, vào tháng 3/2022, Tập đoàn Đất Xanh đã công bố thông qua chủ trương cho Công ty Cổ phần Đất Xanh Capital đầu tư dự án 200ha tại Bình Phước với tổng mức đầu tư dự kiến là 6.840,5 tỷ đồng.

Hay vào ngày 20/3, trong buổi làm việc với của Thủ tướng Phạm Minh Chính với tỉnh Bình Phước, địa phương này cũng đã trao văn bản chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát, lập quy hoạch và đề xuất các dự án: Khu đô thị du lịch hồ Suối Giai, Tây Hồ Bà Mụ Bình Phước của Tập đoàn Sungroup: Dự án tổ hợp giáo dục FPT; dự án sân golf kết hợp khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng Chơn Thành của CTCP Phúc An Khang Chơn Thành.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ ở TP.HCM tăng trở lại

Theo báo cáo thị trường BĐS quý I của Savills Việt Nam, nhiều chủ đầu tư TTTM, khối đế bán lẻ, mặt bằng cho thuê đã dừng chính sách ưu đãi được áp dụng trong thời gian dịch bệnh.

Theo báo cáo này, các chủ đầu tư đã nâng thời gian thuê tối thiểu và áp dụng chính sách tăng giá hàng năm lên đến 10%. Theo ghi nhận trong quý I/2022, giá trung bình chào thuê của thị trường bán lẻ TP.HCM là 1,2 triệu đồng/m2/tháng, tăng 3% theo quý và theo năm. Riêng với các dự án trong trung tâm thành phố, giá chào thuê ghi nhận gần chạm mốc 3 triệu đồng/m2/tháng. Theo Savills, xu hướng tăng giá thuê chủ yếu đến từ các dự án nằm ngoài trung tâm.

“Chủ cho thuê đang có một thái độ lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế trong quý đầu năm với mức tăng trưởng GDP tại TP.HCM là 1,9%, mức tăng trưởng dương sau hai quý liên tiếp ghi nhận xu hướng tăng trưởng âm”, ông Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam - chia sẻ.

Trong 3 tháng đầu năm, công suất cho thuê trung bình trên toàn thành phố ghi nhận ở mức cao với 92%. Sự mở rộng và gia nhập của các thương hiệu nổi tiếng cũng đã tạo nên mức lấp đầy tích cực này. Theo khảo sát của Savills, đối với những mặt bằng bị trả tại 27 trung tâm thương mại (TTTM) và khối đế bán kẻ, 43% diện tích đến từ ngành hàng thời trang và 25% đến từ ngành hàng ăn uống. Đặc biệt, các thương hiệu nội địa bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian dịch và chiếm 58% diện tích mặt bằng bị trả.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/4 - Ảnh 2
Theo Savills Việt Nam, giá thuê mặt bằng thương mại tại TP.HCM đang có xu hướng gia tăng do chủ mặt bằng đã dừng các chính sách ưu đãi trong giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh. (Ảnh: Tuấn Anh).

Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, nhiều khách thuê lớn và các khách thuê nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường. Báo cáo cho thấy trong năm 2022, nhiều thương hiệu quốc tế mới như Columbia, Arabica, Ain & Tulpe, 6ixty8ight cùng với các nhãn hàng đã trì hoãn kế hoạch tham gia vào 2021 như Bath & Body Works, Prima Donna và Sport Direct sẽ mở cửa hàng tại Việt Nam. TP.HCM và Hà Nội vẫn là điểm đến ưa thích của các khách thuê mới.

Cách nào "rã đông" 30 tỷ USD trong bất động sản nghỉ dưỡng?

Hơn 680 ngàn tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) đang được “chôn vùi” trong bất động sản loại hình condotel, shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng khắp cả nước. Sự lúng túng của cơ quan chức năng khiến phân khúc này rơi vào tình trạng thiếu tính pháp lý, dẫn tới thanh khoản kém, giao dịch gần như đóng băng trong nhiều năm.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/4 - Ảnh 3
Nhiều chuyên gia cảnh báo về việc cấp sổ đỏ lâu dài cho loại hình condotel. (Ảnh: Như Ý)

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, cả nước hiện có 239 dự án bất động sản (BĐS) du lịch, với khoảng 114.000 căn condotel (căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng), giá trị ước tính 297.000 tỷ đồng; gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, giá trị ước tính 244.000 tỷ đồng; gần 30.900 shophouse (nhà phố thương mại), giá trị ước tính 154.000 tỷ đồng.

Tổng giá trị của 3 loại hình BĐS nghỉ dưỡng này ước tính lên tới hơn 681.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỉ USD. Dù tổng giá trị tài sản rất lớn nhưng đến nay hầu hết sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đều chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) cho nhà đầu tư thứ cấp, nên chưa thể giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp, đây chính là điểm nghẽn trong phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho biết, hầu hết sản phẩm BĐS du lịch này tập trung tại 15 địa phương có thế mạnh về du lịch trên cả nước, gồm Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định (Quy Nhơn), Phú Yên, Khánh Hòa (Nha Trang, Cam Ranh), Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang (Phú Quốc).

“Dù chỉ phát triển mạnh trong khoảng 5 năm gần đây nhưng số căn hộ condotel và biệt thự du lịch hiện đóng góp khoảng 21,3% số lượng buồng phòng khách sạn từ 3-5 sao trên cả nước”, ông Lực nói.

Tuy nhiên, loại hình căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse đang gặp rắc rối trong mua bán, chuyển nhượng. Vấn đề căn cốt đến từ hành lang pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng chưa hoàn thiện.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới