Thứ ba, 31/12/2024 00:33 (GMT+7)
Thứ hai, 25/04/2022 19:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/4

Theo dõi KTMT trên

Xin đất rồi 'sang tay' hưởng chênh lệch khiến dự án treo; Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Nhu cầu nhiều nhưng vẫn khó triển khai; Bốc thăm vị trí đất tái định cư cho dân vùng dự án sân bay Long Thành… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Xin đất rồi 'sang tay' hưởng chênh lệch khiến dự án treo

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/4 - Ảnh 1
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao việc tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung nguồn lực cho phát triển, chi đầu tư cho phát triển tăng lên, dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng vẫn đạt tăng trưởng dương, thu ngân sách vượt 16,4% dự toán…

Bên cạnh đó, bà Thanh cũng đồng tình với báo cáo của Chính phủ, khi thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Trong đó, vấn đề sử dụng đất nông nghiệp, nông lâm trường, đặc biệt các dự án treo gây nhiều hệ luỵ.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị phải rà soát, thu hồi đất không sử dụng. Theo bà Thanh, nhiều chủ đầu tư lập dự án, được cấp đất nhưng không thực hiện dự án, rồi chuyển nhượng qua nhiều lần hưởng chênh lệch, dẫn đến dự án treo”, bà Thanh nói và cho rằng, nguyên nhân không phải do nhà đầu tư khó khăn, mà ngay từ đầu, nhà đầu tư đã tính toán đến việc chuyển nhượng. Trong khi đó, các cấp chính quyền giao dự án có thể biết nhưng vẫn giao đất.

“Có những dự án chuyển giao 2-3 nhà đầu tư mà vẫn chưa thực hiện”, bà Thanh cho hay.

Từ kinh nghiệm thực tế khi công tác tại địa phương, theo bà Thanh, đơn giá tiêu chuẩn liên quan đến tổng mức dự án, thanh quyết toán còn nhiều vướng mắc, nhiều định mức tiêu chuẩn chưa sát thực tế, nhất là dự án liên quan đến nạo vét sông, kè, hồ đập. Bà Thanh đề nghị quan tâm nhiều hơn đến nội dung này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ thêm 3 nhiệm vụ. Trong đó, việc đưa tiêu chí tiết kiệm, chống lãng phí làm tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng và bổ nhiệm công chức, viên chức được thực hiện thế nào? Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đoàn thể được thực hiện ra sao?...

Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Nhu cầu nhiều nhưng vẫn khó triển khai

Trong những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở, trong đó có công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, theo đánh giá chung, các chính sách chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư. Do đó, nhà ở dành cho công nhân luôn là vấn đề bức thiết hiện nay.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/4 - Ảnh 2

Nhu cầu đầu tư xây dựng NƠXH cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu đô thị giai đoạn 2021-2025 là khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở cho công nhân KCN là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng.

Qua rà soát một số địa phương tính từ thời điểm sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, đến nay đã có 7 dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân KCN được khởi công xây dựng với tổng quy mô khoảng 23.965 căn hộ.

Trong đó, có 5 dự án NƠXH gồm 20.765 căn hộ (Bình Dương 4 dự án với 20.000 căn hộ, Kiên Giang 1 dự án với 765 căn hộ); 2 dự án nhà ở công nhân (NƠCN) với tổng số 3.200 căn hộ (Quảng Ninh 1 dự án với 1.000 căn, đáp ứng 5.500 chỗ ở; Bắc Ninh 1 dự án với 2.200 căn, đáp ứng 11.000 chỗ ở).

Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 NƠXH tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).

Hà Nội: Việc cấp “sổ hồng” cho hơn 100 căn hộ tại dự án The Pride bị chậm, đâu là nguyên nhân?

Hiện nay, nhiều dự án chung cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội khi bàn giao đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư đã tiến hành làm các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn số ít căn hộ chưa được cấp sổ hồng và đang gặp vướng mắc về pháp lý.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại dự án The Pride trên địa bàn quận Hà Đông (đường Tố Hữu, phường La Khê), có một số cư dân phản ánh hiện nay vẫn còn hơn 100 căn hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (hay còn gọi là sổ hồng) dù trước đó hầu hết các căn hộ khác đã được cấp.

Theo phản ánh trên, phóng viên đã liên hệ với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (viết tắt là Công ty Hải Phát) để làm rõ vấn đề này. Theo phản hồi từ phía chủ đầu tư, thì dự án The Pride được Công ty Hải Phát nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền phát triển dự án từ năm 2007-2008; sau đó, tiến hành đầu tư xây dựng và bàn giao căn hộ cho khách hàng từ năm 2015.

Trong năm 2016 và 2017, Công ty Hải Phát đã tập trung phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhiều lần thông báo tới khách hàng tại dự án The Pride nộp hồ sơ, giấy tờ theo quy định pháp luật để làm sổ hồng đảm bảo quyền lợi chính đáng.

Liên quan đến vấn đề trên, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Trong quá trình xử lý cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải tách bạch các đối tượng gồm người mua nhà, chủ đầu tư và cơ quan có liên quan. Cụ thể, nếu người dân mua nhà có đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở thì phải được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Bốc thăm vị trí đất tái định cư cho dân vùng dự án sân bay Long Thành

Đến nay, có trên 1.900 hộ vùng dự án sân bay Long Thành ở Đồng Nai đã bốc thăm vị trí đất tái định cư; hàng trăm hộ đã xây nhà, chuyển đến Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn sinh sống.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/4 - Ảnh 3
Hàng loạt ngôi nhà đã và đang được xây dựng tại Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Trong hai ngày (25-26/4), Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai tổ chức bốc thăm vị trí đất tái định cư tại Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn cho 355 hộ vùng dự án sân bay Long Thành.

Việc bốc thăm được tiến hành ngẫu nhiên. Trong quá trình bốc thăm, ngành chức năng phân loại các gia đình được cấp đất tái định cư thành từng nhóm. Người dân bốc thăm tại 4 vị trí đất gồm: nhà ở liên kế, nhà vườn, lô tối thiểu, lô trục đường, diện tích mỗi lô đất nhỏ nhất là 80 m2, lớn nhất là hơn 300 m2.

Quy trình bốc thăm chọn vị trí đất tái định cư được triển khai chặt chẽ, khoa học, đảm bảo tính công bằng.

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành, cho biết trước đây, sau khi bốc thăm vị trí đất tái định cư người dân phải chờ khoảng 15-20 ngày mới có quyết định giao đất, khi đó người dân mới có thể xây nhà.

Tuy nhiên đợt này, để tạo thuận lợi, giúp bà con sớm đến nơi ở mới, ngay sau khi bốc thăm vị trí đất, người dân chỉ cần mang kết quả bốc thăm về liên hệ với chính quyền xã là có thể xây dựng nhà ở, không cần chờ quyết định giao đất.

Ngoài ra, huyện Long Thành sẽ hỗ trợ người dân tìm kiếm nơi tạm cư trong thời gian xây nhà mới. Do đây là khu vực nông thôn nên quá trình xây nhà người dân không phải xin giấy phép xây dựng mà chỉ cần báo với ngành chức năng để được hướng dẫn làm nhà theo quy hoạch.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới