Thứ sáu, 26/04/2024 21:49 (GMT+7)
Thứ hai, 09/05/2022 19:05 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/5

Theo dõi KTMT trên

Thời hạn và trách nhiệm bảo hành nhà chung cư; dự báo có kênh huy động vốn bất động sản "ăn đứt" cổ phiếu, trái phiếu; mua đất như thiêu thân, cơn sốt hạ nhiệt, đua nhau bán cắt lỗ… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Thời hạn và trách nhiệm bảo hành nhà chung cư

Thời hạn và trách nhiệm bảo hành nhà chung cư được quy định rõ tại Điều 85 Luật Nhà ở 2014 và Điều 20, Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 85, Luật Nhà ở 2014, nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn cụ thể: Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng; đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/5 - Ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở.

Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.

Tại Điều 20, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định:

Bên bán có trách nhiệm bảo hành nhà, công trình xây dựng đã bán cho bên mua. Trường hợp nhà, công trình xây dựng đang trong thời hạn bảo hành thì bên bán có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng thiết bị có trách nhiệm thực hiện việc bảo hành theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Thời hạn bảo hành nhà, công trình xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở; trường hợp đã hết thời hạn bảo hành thì do các bên thỏa thuận.

Đồng thời, theo Điều 113, Điều 125 Luật Xây dựng 2014, nhà thầu thi công công trình xây dựng có nghĩa vụ bảo hành công trình xây dựng do mình thi công. Nội dung bảo hành công trình bao gồm khắc phục, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết do lỗi của nhà thầu gây ra.

Dự báo có kênh huy động vốn bất động sản "ăn đứt" cổ phiếu, trái phiếu

Trong tình hình nguồn vốn tín dụng và trái phiếu có xu hướng thắt chặt, việc huy động nguồn vốn thông qua các Quỹ đầu tư bất động sản (REIT) được dự đoán sẽ dần trở nên phổ biến.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), các dự án bất động sản hiện nay có xu hướng vay tiền từ các tổ chức tín dụng hoặc thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình nguồn vốn tín dụng và trái phiếu có xu hướng bị thắt chặt, việc huy động nguồn vốn thông qua các Quỹ đầu tư bất động sản (REIT, còn gọi là Quỹ tín thác bất động sản) được dự đoán sẽ dần trở nên phổ biến.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/5 - Ảnh 2
Việc huy động nguồn vốn thông qua Quỹ tín thác bất động sản được dự đoán sẽ dần phổ biến (Ảnh minh họa).

VARS cho biết, tại Việt Nam, chứng chỉ quỹ REIT chưa phải là sản phẩm đầu tư phổ biến do những quy định về quỹ chưa thực sự hoàn chỉnh, đồng thời nhà đầu tư vẫn e ngại sản phẩm tài chính mới mẻ này.

Việt Nam có một quỹ REIT ra mắt từ năm 2015, được niêm yết từ năm 2017, vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Còn các REIT đang hoạt động tại thị trường Việt Nam hiện tại hầu hết đều thuộc các công ty nước ngoài như Indochina Capital, Vinacapital, Saigon Asset Management, Dragon Capital…

VARS nhìn nhận, thay vì mua một căn nhà, đầu tư vào một shophouse, condotel, đất nền…, nhà đầu tư hoàn toàn có thể mua chứng chỉ quỹ từ các REIT và thu lợi nhuận từ kinh nghiệm đầu tư của những nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp.

"Cho dù đều đầu tư vào các dự án, hay các doanh nghiệp bất động sản, mỗi REIT sẽ có chiến lược đầu tư và khẩu vị riêng. Họ có thể ưu tiên vào mảng bất động sản căn hộ, du lịch nghỉ dưỡng, đất nền hay bất động sản bán lẻ… Nếu yêu thích và có nhận định lạc quan vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân với số vốn không quá dồi dào có thể cân nhắc hình thức đầu tư vào chứng chỉ quỹ REIT bên cạnh việc trực tiếp mua bất động sản, cổ phiếu hay trái phiếu doanh nghiệp bất động sản", VARS phân tích.

Mua đất như thiêu thân, cơn sốt hạ nhiệt, đua nhau bán cắt lỗ

Trước sự siết chặt của cơ quan quản lý, nhiều nhà đầu tư ăn theo sốt đất từng tạo sóng đã bán tháo, thoát nhanh trong vòng xoáy giảm nhiệt của thị trường bất động sản.

Sốt đất tại một số các tỉnh, thành phố trong thời gian qua, có những nhà đầu cơ lướt sóng dễ dàng kiếm tiền tỷ, nhưng cũng có không ít những nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ, chạy theo sốt ảo và đầu tư hàng tỷ đồng vào những dự án bán không có người mua. Đất sốt trở lại sau 10 năm, đến khi hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư cũng lâm vào cảnh lao đao.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình giao dịch đất đai tại nhiều địa phương lân cận TP Hà Nội hoặc xa hơn vẫn rất nhộn nhịp. Cụ thể, từ đầu năm, giá đất nền tại nhiều địa phương đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2021. Ngay cả những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.

"Trong thời gian qua, khi nhận được thông tin đất ở đấy đang sốt, nên tôi đã cùng với anh em, bạn bè rủ nhau góp vốn để đầu tư", chị Nguyễn Huyền, khách hàng, chia sẻ.

Tuy nhiên, trước tình trạng sốt đất, các ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản, thuế áp giá cao theo thị trường. Đặc biệt, nhiều địa phương đã tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan việc chia tách thửa, đồng thời có biện pháp kiểm soát các hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Do đó, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương cũng đã hạ nhiệt và dần ổn định trở lại.

"Tôi nghĩ rằng cơ hội đầu tư thì luôn có nhưng các nhà đầu tư phải lựa chọn và tránh hiện tượng đầu tư theo số đông. Mình nên có đánh giá đầy đủ hơn", ông Nguyễn Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định.

"Siết" tín dụng bất động sản: Không nên đánh đồng!

Động thái kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản (BĐS) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục gần đây đã khiến dòng vốn này đang có dấu hiệu chựng lại. Nếu nói không ảnh hưởng đến BĐS nói chung, các doanh nghiệp địa ốc nói riêng là không đúng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/5 - Ảnh 3
Ảnh minh họa

Đầu tháng 4/2022, NHNN có công văn yêu cầu các NH triển khai thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động. Trong đó, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán, trái phiếu  doanh nghiệp... Ngay sau đó, một số NH đã thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực BĐS.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, siết chặt tín dụng BĐS sẽ làm giảm nhà đầu cơ, từ đó làm cho thị trường tốt lên. Khi đó, một số DN yếu kém về tài chính sẽ bị đào thải, chỉ còn lại những nhà đầu tư có vốn, có năng lực, muốn gắn bó lâu dài với thị trường. Điều này sẽ từng bước làm minh bạch, chuyên nghiệp hóa thị trường BĐS.

Một số chuyên gia đánh giá, đây là động thái tích cực, sẽ làm giảm tình trạng vay tiền để đầu cơ, khiến sức mua yếu đi, việc đầu cơ vì thế sẽ giảm theo. Với các doanh nghiệp BĐS có năng lực, có nhu cầu đầu tư lâu dài thì họ không phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính từ việc vay ngân hàng.

Tuy vậy, nhiều quan điểm cũng cho rằng, không nên đánh đồng các rủi ro, rồi hạn chế ở hầu hết các phân khúc BĐS.

Chia sẻ trên báo chí mới đây, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Tài chính, cho rằng, BĐS không phải cái gì cũng xấu, cái gì cũng rủi ro. Phân khúc BĐS nhà ở, BĐS khu công nghiệp vẫn đang phát triển tốt và tổ chức tín dụng vẫn cho vay. Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng vào BĐS là 12%, trong đó 2/3 cho vay liên quan đến nhà ở, còn 1/3 cho vay để đầu tư BĐS. Các doanh nghiệp BĐS, các dự án tốt, có phương án kinh doanh khả quan, khả năng trả nợ gốc và lãi rõ ràng, minh bạch thì cần được các NH xem xét cấp tín dụng kịp thời. Còn nếu bị cắt tín dụng đột ngột, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới