Điểm danh các quốc gia cấm sử dụng nhựa dùng một lần
Nhiều quốc gia trên thế giới đã “tuyên chiến” với rác thải nhựa bằng hành động cụ thể. Theo đó, các quốc gia này đã cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ấn Độ
Lệnh cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần được Chính phủ Ấn Độ sau một nghị quyết năm 2019 nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở nước này. Lệnh cấm này áp dụng đối với hầu hết các loại nhựa dùng một lần bao gồm: túi đựng hàng tạp hóa, bao bì thực phẩm, chai lọ và ống hút chỉ được dùng một lần trước khi vứt bỏ hoặc được tái chế… có hiệu lực từ ngày 1.7.2022.
Các nhà hoạt động môi trường cho rằng việc thực thi mới là chìa khóa để lệnh cấm đạt hiệu quả. Họ cho rằng, New Delhi cũng cần giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống quan trọng như chính sách điều chỉnh việc sử dụng các chất thay thế nhựa, tăng cường tái chế và quản lý phân loại rác tốt hơn.
Đức
Ngày 6/11/2020, Thượng viện Hội đồng Liên bang Đức đã thông qua sắc lệnh cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Sắc lệnh này sẽ được thống nhất áp dụng trên toàn liên minh Châu Âu(EU). Theo đó việc sử dụng và buôn bán các dụng cụ dùng một làn bằng nhựa hoặc bằng xốp sẽ cấm từ tháng 7/2021.
Bộ trưởng Môi trường liên bang Đức lên tiếng hoan nghênh và nhấn mạnh rằng đã có giải pháp thay thế thân thiện với môi trường có thể sử dụng nhiều lần và việc loại bỏ đồ dùng một lần sẽ góp phần bảo vệ công viên, bãi biển và đại dương.
Anh
Lệnh cấm cung cấp ống nhựa, tăm bông, máy khuấy ở Anh có hiệu lực từ ngày 1/10/2020. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa đối với môi trường của chính phủ Anh. Lệnh cấm diễn ra sau một thông báo tháng 8/2020, rằng phí túi nhựa dùng một lần ở Anh sẽ tăng lên gấp đôi.
Nhằm khuyến khích việc sử dụng nhựa tái chế, chính phủ Anh sẽ áp dụng mức thuế mới cao hàng đầu thế giới đối với những sản phẩm bao bì nhựa không đáp ứng ngưỡng tối thiểu 30% hàm lượng tái chế bắt đầu từ 4/2022.
New Zealand
Bắt đầu từ ngày 1/10/2022, các sản phẩm như tăm bông nhựa dùng một lần, dụng cụ khuấy đồ uống và hầu hết các khay đựng thịt bằng nhựa, Bao bì bán lẻ thực phẩm và đồ uống bằng polystyrene mở rộng (chẳng hạn như hộp đựng bằng xốp mang đi hoặc một số cốc mì ăn liền), nhựa có chất phụ gia khiến chúng phân mảnh thành vi nhựa… đều nằm trong số các loại nhựa sử dụng một lần bị cấm bán hoặc sản xuất.
Canada
Bắt đầu 10/6/2019, thủ tướng Canada đã tuyên bố rằng đất nước này sẽ cấm đồ nhựa sử dụng một lần vào 2021. Khi đó, đất nước này đã ban hành cơ chế, lệnh cấm, áp thuế và tiến hành các giải pháp hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần.
Thủ tướng Canada nhấn mạnh, chính phủ sẽ nỗ lực hết mình để đưa ra những chiến lược "nói không với rác thải nhựa", hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về giảm thiểu rác thải nhựa.
Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản đã bắt buộc các doanh nghiệp phải giảm 12 loại sản phẩm bằng nhựa dùng một lần từ tháng 4.2022. Động thái trên căn cứ vào một đạo luật vừa có hiệu lực từ tháng 6.2021 nhằm cắt giảm rác thải nhựa tại các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ. Các chủ doanh nghiệp phải có thể chọn biện pháp thực hiện, trong đó có việc chấp nhận đóng phí khi sử dụng các loại sản phẩm trên và chuyển đổi sang các sản phẩm tái chế.
Các loại đồ nhựa dùng một lần gồm thìa nhựa, ống hút nhựa, dao, dĩa, lược, bàn chải đánh răng, hộp sữa tắm và móc treo quần áo… Quy định mới sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm này với số lượng lớn như các cửa hàng tiện lợi, khách sạn, tiệm giặt là và công ty giao bánh pizza…
Châu Âu
Một đạo luật về cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đã được Nghị viện của khối liên minh (EP) thông qua với 571 phiếu thuận, 53 phiếu trống và 34 phiếu trắng vào ngày 24/10/2019.
Đạo luật cấm các sản phẩm có trong danh mục gốc 10 sản phẩm nhựa dùng một lần do Ủy ban châu Âu (EC) lập ra, trong đó có ống hút, tăm bông hay que gài bóng bay. Mục tiêu đến năm 2025, các nước EU sẽ thu gom 90% các chai lọ đựng đồ uống và các loại nhựa khác để tái chế.
Minh Vy (t/h)