Khó thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần: Vì sao?
Hiện nay, thói quen sử dụng túi nilon “khó bỏ” của người dân. Cùng với đó là việc loại túi này vẫn được nhiều người coi là tiện lợi và giá rẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần. Và, hiệu quả của những lệnh cấm này đã thể hiện rõ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, lệnh cấm đồ nhựa đa số đều tập trung vào các mặt hàng thường thấy trong môi trường như túi nilon, ống hút nhựa, dao nhựa, muỗng nhựa, hộp nhựa... các sản phẩm khó tái chế. Tuy nhiên, nói đi cũng cần phải nói lại, người dân ở nhiều nước trên thế giới đã làm quen và tập sống quen khi công có những sản phẩm nhựa dùng một lần.
Có thể lấy ví dụ về đất nước New Zealand. Bắt đầu từ ngày 1/10/2022, các sản phẩm như tăm bông nhựa dùng một lần, dụng cụ khuấy đồ uống và hầu hết các khay đựng thịt bằng nhựa, bao bì bán lẻ thực phẩm và đồ uống bằng polystyrene mở rộng (chẳng hạn như hộp đựng bằng xốp mang đi hoặc một số cốc mì ăn liền), nhựa có chất phụ gia khiến chúng phân mảnh thành vi nhựa… đều nằm trong số các loại nhựa sử dụng một lần bị cấm bán hoặc sản xuất.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự tiện dụng, tiện lợi của các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nilon, chai nước nhựa…đã khiến nhiều người dù có ý thức bảo vệ môi trường cũng “quên” mất đi trách nhiệm của mình.
Hơn một năm nay, chị Nguyễn Thị Minh An (33 tuổi, đang sinh sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) đã bắt đầu với việc giảm dùng rác thải nhựa ngay trong chính ngôi nhà của mình. Để làm được điều này, khi đi chợ, chị Minh An thường mang theo giỏ xách. Đi du lịch hay bất cứ đâu, chị An thường chuẩn bị những chai nước lớn. Thậm chí, đi mua xôi, chị cũng mang theo bát bằng giất để đựng rồi mang lên công ty ăn…Tuy nhiên, chị Minh An cũng thú nhận, nhiều khi không thể “cưỡng lại” được thói quen của mình và sự tiện dụng của những chiếc túi nilon.
“Những hôm đi làm về trễ, tôi thường tạ qua chợ để mua đồ. Nếu từ nhà đi, tôi sẽ chủ động mang theo túi xách. Tuy nhiên, khi về trễ, tôi thường đi mua đồ luôn. Và lúc đó, ngoài những chiếc túi nilon, tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Công nhận là những chiếc túi này rất tiện dụng. Thịt để riêng 1 túi, cá để riêng, rau để riêng…Tuy nhiên, nghĩ đến việc những sản phẩm này sẽ mất cả trăm năm để phân hủy khiến tôi cũng rất lăn tăn”, chị Minh An nói.
Người phụ nữ này cho rằng, mình vẫn chưa thể thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa. Và việc chị đang làm chỉ là giảm thiểu rác thải nhựa phần nào trong sinh hoạt của mình.
Thực tế cho thấy, có nhiều người dân tại các thành phố lớn đã ý thức được việc bảo vệ môi trường khi họ hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp, họ đã sử dụng cốc thủy tinh, chai thủy tinh đựng nước trong các buổi hợp, liên hoan. Thậm chí, nhiều dân văn phòng ưu tiên các quán hàng sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường để đựng đồ ăn, thức uống hơn các quán sử dụng nhựa dùng một lần. Điều này cũng phần nào tác động đến chiến dịch bán hàng của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc đi từ ý thức đến hành động còn rất xa. Mà nhiều khi, người ta vì sự tiện lợi của mình mà “đánh mất” đi cái mục tiêu trước đó đã đề ra. Vậy, câu hỏi được đặt ra là tại sao việc thay đổi thói quan sử dụng nhựa dùng một lần của người dân Việt Nam lại khó đến vậy.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Hiền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, hiện đang giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) từng chia sẻ rằng, sau hơn 1 năm phát động “chống rác thải nhựa”, phong trào này đã lan tỏa sâu rộng, song tình trạng mua bán, sử dụng túi nilon vẫn còn khá phổ biến. Ông Hiền lý giải, hiện nay, thói quen sử dụng túi nilon “khó bỏ” của người dân. Cùng với đó là việc loại túi này vẫn được nhiều người coi là tiện lợi và giá rẻ… dù đã có nhiều công bố cho thấy độc hại và ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt.
An Khánh