Đề xuất xây dựng nhà máy nước sông Tiền 1 và tuyến ống nước liên tỉnh
Ba tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Long An đề xuất Chính phủ sớm cho phép triển khai xây dựng dự án Nhà máy nước sông Tiền 1 và đầu tư tuyến đường ống nước nối liền ba tỉnh.
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBDN tỉnh Bến Tre cho biết, ba tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Long An đề xuất Chính phủ sớm cho phép triển khai xây dựng dự án Nhà máy nước sông Tiền 1 và đầu tư tuyến đường ống nước nối liền ba tỉnh (nhà máy cung cấp nước thô đặt tại Cái Bè, Tiền Giang).
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.095 tỉ đồng. Với công trình này, lãnh đạo ba tỉnh hy vọng sẽ có nguồn nước ngọt thô để cung cấp cho các nhà máy nước ở các địa phương xử lý cung cấp cho người dân, doanh nghiệp,... trong mùa hạn mặn sắp tới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng, nhà đầu tư dự kiến công suất của nhà máy nước giai đoạn 1 khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm; trong đó, sẽ cung cấp cho Bến Tre khoảng 100.000m3 nước/ngày đêm về hai nhà máy nước Sơn Đông (thành phố Bến Tre), Nhà máy nước khu vực Cù Lao Minh và đưa khoảng 30.000m3 nước/ngày đêm về huyện Chợ Lách để dự phòng khi nước mặn lên người dân có thể sử dụng nguồn nước thô này tưới cây quả, cây kiểng.
Giá bán nguồn nước thô này khoảng 3.000 đồng/m3 và đây là giá bán rất tốt, nhất là trong thời điểm hạn mặn. Vì vừa qua, hạn mặn xảy ra, người dân phải mua nước thô từ các xà lan với giá mỗi m3 gấp từ 20 - 50 lần.
Tuy nhiên, trước đây, UBND tỉnh Bến Tre ký lập quy hoạch cấp nước thì tỉnh nằm trong khu vực cấp nước vùng 2 gồm ba tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Đồng thời, tiếp nhận cấp nước liên tỉnh từ nhà máy nước sạch đặt ở Vĩnh Long. Nhưng với tình trạng xâm nhập mặn hiện nay, nhà máy nước ở Vĩnh Long cấp nước vào mùa mặn sẽ bị nhiễm mặn.
Do đó, khi kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy nước ở Vĩnh Long để cấp nước thì không có nhà đầu tư nào làm. Trong khi đó, nhà đầu tư nhà máy nước ở Tiền Giang đưa nước về các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An thì vướng quy hoạch vì Bến Tre không nằm trong vùng quy hoạch với Tiền Giang và Long An.
Vì vậy, khi trình kế hoạch dự án lên Bộ Xây dựng đã bị từ chối vì sai quy hoạch. Bộ Xây dựng không đồng ý phương án cấp nước thô và phải cam kết nguồn nước từ nhà máy ở Tiền Giang sẽ không bị nhiễm mặn.
Trước vướng mắc trên, theo ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, đại diện ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An mong muốn, Chính phủ cho chủ trương triển khai xây dựng dự án cấp nước liên tỉnh trước và sau đó sẽ bổ sung vào quy hoạch cấp nước. Vì nếu đợi bổ sung quy hoạch rồi mới tiến hành dự án sẽ trễ trong khi tình hình hạn mặn có thể sớm xảy ra và kéo dài.
Ngoài ra, Bến Tre chỉ cần nguồn nước thô để đưa về các nhà máy trên địa bàn tỉnh để xử lý cung cấp cho người dân vừa tiết kiệm chi phí vừa tránh “bỏ không” các nhà máy này. Riêng, nguồn nước cung cấp vào đợt hạn mặn, nhà đầu tư cho biết nếu nguồn nước thô bị nhiễm mặn, sẽ xử lý mặn rồi mới đưa về các tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng nhấn mạnh, tỉnh Bến Tre rất mong dự án Nhà máy nước sông Tiền 1 và tuyến ống truyền tải liên tỉnh cung cấp nước thô cho các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An sớm được phê duyệt và triển khai để tỉnh chủ động được nguồn nước ngọt trong mùa hạn mặn.
Đợt hạn mặn 2019 - 2020, Bến Tre triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nước ngọt cho người dân, đặc biệt là giải pháp kêu gọi hỗ trợ máy lọc nước, chở nước ngọt bằng xà lan về cung cấp cho người dân,... Những giải pháp này đã góp phần giải quyết nhu cầu nước ngọt cấp bách cho người dân nhưng không căn cơ.
Trong khi đó, Dự án Cấp nước sinh hoạt cho dân khu vực Cù Lao Minh mới qua khâu đấu thầu và Dự án Quản lý nước Bến Tre (vốn JICA) mới giải phóng mặt bằng, khả năng đến năm 2023 mới khép kín. Vì vậy, cần sớm có giải pháp xử lý tình trạng thiếu nước ngọt mùa hạn mặn sắp tới.
Mùa khô 2019 – 2020, mặn đến sớm, kéo dài và xâm nhập sâu hơn đợt hạn mặn 2015 – 2016. Do hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa được khép kín, lượng nước ngọt dự trữ trong nội đồng không thể duy trì được trong thời gian 4 – 5 tháng và Bến Tre không có nước ngầm cho nên xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hạn mặn khiến cho gần 87.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; trên 5.000ha lúa vụ Đông Xuân bị thiệt hại, gần 30.000ha cây ăn trái và khoảng 600ha cây giống các loại bị ảnh hưởng; một số lĩnh vực khác như hoạt động chế biến, thi công xây dựng, du lịch,... cũng bị ảnh hưởng. Ước tính tổng giá trị thiệt hại do hạn mặn khoảng 3.000 tỉ đồng.
Trần Thị Thu Hiền