Thứ sáu, 29/03/2024 19:49 (GMT+7)
Thứ năm, 07/11/2019 14:55 (GMT+7)

Đại gia nào 'chống lưng' cho dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống?

Theo dõi KTMT trên

Dự án nước mặt sông Đuống hiện đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, giá bán nước cao và các đại gia nổi tiếng “chống lưng”.

Đại gia nào 'chống lưng' cho dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống? - Ảnh 1
Lễ khánh thành nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Vietnamnet

Với việc cung cấp nước cho 1/3 dân số Hà Nội, dự án nhà máy nước sạch sông Đuống gây xôn xao dư luận khi bán nước với giá cao gần gấp 3 so với mức giá hiện hành.

Dự án nước mặt sông Đuống thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ ở quy mô khủng, khả năng cung cấp nước cho 1/3 dân số Hà Nội mà còn ở giá bán nước cao và các đại gia nổi tiếng đứng sau dự án này.

VietinBank từng nắm giữ 58% cổ phần của nước sông Đuống

Công ty CP Nước mặt sông Đuống (SDWTP) là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 8/6/2016 với hoạt động chính là sản xuất và cung cấp nước. Thời gian hoạt động là 50 năm.

Theo Vietnamnet, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 8/6/2016 cho thấy, các cổ đông của công ty bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%), VIAC (No.1) Limited Partnership - Singapore (27%), Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (58% - tương đương gần 580 tỉ đồng).

Đại gia nào 'chống lưng' cho dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống? - Ảnh 2
Theo Giấy đăng ký kinh doanh 2016, Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (58% - tương đương gần 580 tỉ đồng)

Tới cuối 2018, toàn số cổ phần của VIAC (No.1) Limited Partnership - Singapore và Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, tổng cộng 75%, trị giá gần 850 tỉ đồng đã được chuyển sang cho 3 cổ đông mới là CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 (300 tỉ đồng, tương đương hơn 30%), CTCP nước Aqua One (gần 450 tỉ đồng, hơn 45%) và CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn (100 tỉ đồng, hơn 10%).

Các cổ đông khác vẫn giữ nguyên tỉ lệ gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%).

Tuy nhiên, trong quý 3 đầu quý 4 năm 2019, theo thông tin từ Sở GDCK Thái Lan và từ CTCP nước Aqua One, một lượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu đã được chuyển qua cho một công ty Thái WHAUP, tổng cộng 34%.

Động thái này khiến cho tỉ lệ sở hữu Nhà máy nước sông Đuống thay đổi, trở về 4 cổ đông lớn, với 2 cổ đông không thay đổi từ đầu tới giờ là: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%).

Cổ đông Thái WHAUP thay cho cổ đông Singapore ban đầu và cổ phần của Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chuyển sang cho Aqua One nhưng với tỉ lệ thấp hơn một chút.

Theo thông tin của Aqua One, hiện công ty này chỉ nắm giữ 51%, tức đã giảm 7% so với báo cáo trước đó. Cùng với 27% của VIAC, tổng cộng 34% đã được chuyển cho nhà đầu tư Thái, để thu về hơn 2.073 tỉ đồng.

Như vậy, theo báo cáo tài chính 2018 và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 8/6/2016, ban đầu cổ đông lớn nhất tại CTCP Nước mặt sông Đuống (SDWTP) không phải là Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), mà là thuộc về Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (58% - tương đương gần 580 tỉ đồng).

Trong năm 2018, khoản vốn 58% này mới được chuyển sang các cổ đông khác, trong đó có Aqua One của Shark Liên.

Cũng theo báo cáo, dự án nước mặt sông Đuống cũng gắn với một cái tên mang thương hiệu Vietinbank là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - CN Đô Thành. Trong năm 2018, SDWTP vay chi nhánh này hơn 2.483 tỉ đồng.

Đại gia nào 'chống lưng' cho dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống? - Ảnh 3
34% cổ phần của Nhà máy nước mặt sông Đuống được chuyển cho người Thái.

Tổng số tiền mà hai đơn vị mang thương hiệu Vietinbank đổ vào dự án là khoảng 3,06 ngàn tỉ đồng, thấp hơn chút ít so với tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính tới cuối 2018 (đạt gần 3,2 ngàn tỉ đồng). Khoản lãi vay 114 tỉ đồng cũng đã được vốn hóa.

Đây được xem là nguồn tiền lớn cho triển khai dự án khủng, một nhà máy có công suất cung cấp 300 ngàn mét khối nước sạch/ngày đêm trong giai đoạn 1 và khoảng 1,2 triệu m3/ngày đêm trong các giai đoạn sau đó. Nhà máy có thể cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người, chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên.

Giá nước sông Đuống đắt gấp đôi sông Đà

Công ty CP Nước mặt sông Đuống hiện là một trong những nhà cung ứng nước chính của Hà Nội. Dự án có công suất cung cấp 54,75 triệu mét khối nước sạch mỗi năm cho giai đoạn 1A và đã đi vào hoạt động trong quý 1/2019.

Doanh nghiệp này đang triển khai giai đoạn 1B với công suất mở thêm tương ứng cũng 54,75 triệu mét khối nước và dự kiến đi vào hoạt động trong quý 4/2019, nâng tổng công suất lên 109,5 triệu mét khối nước mỗi năm.

Tuy nhiên mức giá mua nước của nhà máy nước Sông Đuống hiện cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch Sông Đà. Công ty CP Nước sạch sông Đà đang cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3 và đang có lãi lớn, doanh thu 2 đồng lãi 1 đồng.

Lý giải về sự đắt đỏ, đại diện nhà máy nước sông Đuống đã trả lời trên báo chí rằng: Do công ty đầu tư với dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, do việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng.

Thậm chí, bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Công ty nước mặt Sông Đuống cho biết, việc xây dựng nhà máy nước “có tới 60% nguồn vốn được sử dụng là vốn huy động, do đó, doanh nghiệp thực sự cũng đang phải “gồng mình”…

Tuy nhiên, trả lời Infonet, GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho rằng, lý giải của Nhà máy nước sông Đuống là không hợp lý, bởi lẽ tuyến ống nước thì dự án nào cũng phải dùng, cái chính là chủ đầu tư phải tính toán để đưa ra mức giá bán nước hợp lý.

Theo ông Uyển, bất kỳ công nghệ nào thì khi sản xuất nước xong đều phải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong xây dựng nhà máy nước, công suất nhỏ thì giá lại đắt hơn công suất lớn, vì thế công suất càng lớn giá thành càng rẻ. Do đó, chủ đầu tư nào cũng muốn xây dựng nhà máy nước to.

Trong một diễn biến khác có liên quan, lãnh đạo Hà Nội vừa giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. Giá có thể tăng còn tăng trong thời gian tới khi Hà Nội cho biết đang bù lỗ tiền tỉ mỗi ngày cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.

Từ 7/2017, Hà Nội tạm tính giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT) với lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.

Ngọc Châu (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Đại gia nào 'chống lưng' cho dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.