Thứ năm, 25/04/2024 07:17 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/05/2022 15:55 (GMT+7)

Đề xuất phát triển điện hạt nhân được nhiều ĐBQH tán thành

Theo dõi KTMT trên

Theo một số Đại biểu Quốc hội cho rằng, trước mắt nên ưu tiên các nguồn năng lượng đã phát triển nhưng tương lai cần cân nhắc đến điện hạt nhân.

Phát triển điện hạt nhân góp phần đảm bảo an ninh năng lượng

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được dừng theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội khoá VIII.

Trong báo cáo giám sát về việc thực hiện nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo, điều này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát.

Đề xuất phát triển điện hạt nhân được nhiều ĐBQH tán thành - Ảnh 1
Phát triển điện hạt nhân góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Để phát triển loại năng lượng này, theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội "cần được đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng". Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng; từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp", Uỷ ban Kinh tế nhận xét. Để chuẩn bị cho quá trình này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức. Bởi thực tế, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.

Mặt khác, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, quan hệ với các nước đối tác.

Nên đầu tư điện hạt nhân sau năm 2040

Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần xem xét nhiều yếu tố và phải phù hợp với lộ trình phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Để phù hợp với lộ trình này, theo ông Đồng, Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, các loại năng lượng mới này có một vấn đề là giá cao, phải bỏ ra ngân sách rất lớn để đầu tư hệ thống truyền tải.

Đề xuất phát triển điện hạt nhân được nhiều ĐBQH tán thành - Ảnh 2
Đại biểu Hà Sỹ Đồng trao đổi bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Quốc Chính)

Còn với điện hạt nhân, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2016.

Việc dừng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng "rất phù hợp, bởi để dồn lực cho các dự án trọng điểm khác, đồng thời phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, không an toàn thì không làm".

Gần đây, kiến nghị khởi động lại điện hạt nhân đang được giới chuyên gia, nhà khoa học nêu tại nhiều diễn đàn về năng lượng. Theo một số quan điểm nêu ra, nếu phát triển điện hạt nhân sau năm 2030 mới có thể hiện thực hóa mục tiêu đã cam kết vào năm 2050 tại COP26.

Về đề xuất làm điện hạt nhân sau năm 2040 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, điều này là có tính khả thi và phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.

"Khả thi là bởi nước ta có tốc độ phát triển và nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tốt, học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia đầu tư điện hạt nhân. Tôi đồng tình, ủng hộ thực hiện dự án điện hạt nhân sau năm 2040", ông Đồng nêu quan điểm.

Khi được hỏi về công suất cho nhà máy điện hạt nhân bao nhiêu là phù hợp, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, thời điểm này, chưa thể nói về công suất của nhà máy điện hạt nhân. Bởi phải có tính toán về nhu cầu, cũng như địa hình, địa lý. Đảm bảo các điều kiện phù hợp về môi trường và an toàn cuộc sống lâu dài cho người dân, bền vững cả 3 mặt kinh tế - xã hội - môi trường.

Về điện gió, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng: "Đầu tư điện gió nên khuyến khích, vì điện gió rất an toàn, thân thiện với môi trường; vừa sinh điện, vừa sinh thái vừa sinh kế. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi, đầu tư quá ồ ạt, thiếu nghiên cứu, thiếu khảo sát, thiếu đánh giá, phải đo lượng gió cả 4 mùa để tính toán hiệu quả về kinh tế, nên có những bất ổn".

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đại biểu tỉnh Lạng Sơn, cho rằng để đáp ứng sự phát triển của đất nước, yêu cầu về đảm bảo năng lượng luôn là cơ bản và ưu tiên số một.

Đề xuất phát triển điện hạt nhân được nhiều ĐBQH tán thành - Ảnh 3
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc, đại biểu tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Hoàng Phong)

Theo ông, trước mắt, Việt Nam nên duy trì ưu tiên năng lượng có sẵn như thủy điện, nhiệt điện... Với tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng, loại năng lượng này có thể đáp ứng được yêu cầu trong phát triển của đất nước. Ưu tiên năng lượng tái tạo cũng phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), là giảm phát thải ròng bằng 0 năm 2050.

Để phát triển điện hạt nhân, theo ông Thành, Việt Nam cần giải nhiều bài toán. Đầu tiên, là bài toán phát triển theo công nghệ nào để đảm bảo tính an toàn. "Vấn đề này phải được ưu tiên hàng đầu, bởi tác động của điện hạt nhân khác rất nhiều công trình năng lượng khác", ông nói.

Bài toán tiếp theo là chọn địa điểm, phương án xây dựng, giải quyết những tác động đến kinh tế xã hội, nhất là địa điểm xây dựng.

Uỷ ban Kinh tế trong báo cáo giám sát cũng đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức. Lý do, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, lúc này Việt Nam chưa nên phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, về dài hạn cần nghiên cứu loại năng lượng này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu. Vị này lưu ý tính an toàn và công nghệ phải ưu tiên cao nhất khi nghiên cứu, phát triển loại năng lượng này.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất phát triển điện hạt nhân được nhiều ĐBQH tán thành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.