Thứ bảy, 27/04/2024 10:22 (GMT+7)
Thứ ba, 09/06/2020 14:33 (GMT+7)

Đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc Khánh 2/9 để kích cầu du lịch

Theo dõi KTMT trên

Lãnh đạo ngành du lịch cho biết đã kiến nghị Chính phủ kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 thêm bốn ngày để kích cầu du lịch sau Covid-19.

Đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc Khánh 2/9 để kích cầu du lịch - Ảnh 1
Ngành du lịch đề xuất kéo dài các kỳ nghỉ lễ năm 2020 để kích cầu du lịch nội địa.

Ngày 8/6, trong buổi làm việc với Sở Du lịch TP.HCM, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết đang kiến nghị kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 vào thứ 4 đến hết tuần nhằm kích cầu du lịch, tạo cơ hội để người dân đi khám phá, du lịch trong nước, sau đó bố trí thời gian làm bù lại phù hợp.

Trước đó, trong buổi làm việc ngày 3/6 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và khoảng 30 doanh nghiệp du lịch, ông Khánh đã thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo về những giải pháp cụ thể để phục hồi hậu Covid-19.

"Ví dụ ngày 2/9 tới, rơi vào thứ 4, các doanh nghiệp và địa phương cũng đề nghị đó là thời điểm hưởng ứng phong trào kích cầu du lịch nội địa bằng cách từ thứ 4 đến chủ nhật có thể xem xét cho một kỳ nghỉ dài nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh. Trên cơ sở đó xem xét từ nay đến cuối năm còn kỳ nghỉ lễ nào tương tự không", lãnh đạo ngành du lịch cho hay.

Theo ông Khánh, trong hai tháng đầu năm 2020, ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng khi tính riêng trong tháng 1, khách du lịch quốc tế đã đạt con số kỷ lục trên 2 triệu lượt. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến du lịch quốc tế đóng băng từ tháng 3 và du lịch nội địa tới cuối tháng 4 mới được hoạt động trở lại.

"Sau khi cho phép mở cửa lại thì đã tăng tốt. Nhưng tình hình chung du lịch cả nước cũng thê thảm", Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thông tin.

Liên quan đến đề xuất nghỉ 5 ngày dịp 2/9, trả lời VnExpress, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động, cơ quan tham mưu các ngày nghỉ lễ hàng năm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết chưa nhận được ý kiến hay văn bản chính thức từ ngành du lịch.

"Sau dịch, các doanh nghiệp đều muốn tập trung phục hồi sản xuất. Mỗi ngành có định hướng riêng nhưng phải tổng hòa lợi ích chung", ông Thắng nói và cho hay nếu nhận được văn bản đề xuất sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Việc có cho nghỉ thêm hay không sẽ do Chính phủ quyết định.

Năm 2020, người lao động có 14 ngày nghỉ lễ Tết, tính cả thứ bảy và chủ nhật liền kề. Từ nay đến cuối năm còn duy nhất kỳ nghỉ lễ một ngày dịp 2/9.

Từ năm 2021, Việt Nam sẽ có thêm một ngày nghỉ lễ dịp 2/9, ngoài 10 ngày nghỉ theo quy định. Chính phủ sẽ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tùy lịch từng năm.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng thu của ngành đạt 150.300 tỉ đồng, giảm 47,4%. Đáng chú ý, có tới 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với tỉ lệ 52% của năm trước.

Tại Hà Nội, số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tổng lượng khách du lịch 5 tháng đầu năm sụt giảm tới 65,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm gần 65%.

Tại Đà Nẵng công suất phòng khách sạn chỉ đạt khoảng 40% vào dịp cuối tuần, còn ngày thường cao nhất là 20%.

Còn tại TP.HCM, tính tới đầu tháng 6, công suất phòng hoạt động của các cơ sở lưu trú trên địa bàn khá thấp do chỉ đón khách nội địa. Cụ thể, công suất của khách sạn 1 - 2 sao chỉ đạt 40 - 50% và 15 - 30% đối với khách sạn 3 - 4 sao.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê tính đến cuối tháng 4/2020, Covid-19 khiến gần 5 triệu lao động phải ngừng hoặc mất việc, kéo tỉ lệ người có việc làm xuống thấp nhất trong mười năm; riêng ngành du lịch thiệt hại khoảng 7 tỉ USD, lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm 60%.

Ngành hàng không cũng bị tổn thất nặng nề do Covid-19. Hãng hàng không Vietnam Airlines trong quý 1-2020 vừa công bố, doanh thu giảm mạnh trong khi lỗ kỷ lục hơn 2.600 tỉ đồng. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020 ảnh hưởng dịch, Vietnam Airlines đã lỗ nặng, vượt hơn lãi cả năm 2019 là 2.537 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, doanh thu bán hàng 3 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 18.900 tỉ đồng, giảm hơn 6.800 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ giảm là chủ yếu (khoảng 29,4%) tương đương 5.601 tỉ đồng.

Cùng cảnh ngộ, doanh thu quý I của Vietjet Air giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 7.222 tỉ đồng. Hãng bay này lỗ 989 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên Vietjet Air ghi nhận lợi nhuận quý âm kể từ khi niêm yết đầu năm 2017. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn dự kiến trước đó của chính ban lãnh đạo Vietjet.

Bamboo Airways báo lỗ sau thuế 1.172 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính FLC không công bố con số cụ thể của mảng hàng không cũng như các mảng khác.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc Khánh 2/9 để kích cầu du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới