ĐBSCL cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), biến đổi khí hậu đã đến sớm hơn và chiều hướng bất lợi thậm chí còn cao hơn cả các dự báo. Do vậy, cần có một giải pháp tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, bắt đầu từ quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch.
10-15 năm mới có một lần lũ lớn
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước những tác động bất lợi từ thượng nguồn và biến đổi khí hậu. Thượng nguồn làm tốc độ dòng chảy giảm, phù sa không về. Biến đổi khí hậu để lại hệ lụy lớn nhất là nước biển dâng. Tất cả những yếu tố này tạo ra bất lợi ngày càng khó lường cho ĐBSCL, gây nhiều hệ lụy đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân vùng này.
Hiện nay, theo tính toán của Bộ NN&PTNT, tần suất xuất hiện lũ lớn ở ĐBSCL chỉ còn 7%, nghĩa là 10 - 15 năm mới có một lần lũ lớn dù các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn mới xây dựng được 50%. Đến khoảng năm 2040, nếu toàn bộ quy hoạch thủy điện ở thượng nguồn hoàn thành thì lũ lớn chỉ còn 1%, nghĩa là cả trăm năm mới có 1 mùa lũ lớn.
TP.Cần Thơ xây dựng và củng cố các công trình bơm tát, tiêu thoát và trữ nước phục vụ sản xuất khi cần thiết. (Ảnh: Baocantho) |
Với mùa lũ năm nay, ngay từ tháng 5/2020, Bộ NN&PTNT đã có cảnh báo lũ ở ĐBSCL năm 2020 chỉ ở báo động 1, mực nước tại Tân Châu (An Giang) chỉ khoảng 3,5m, lũ sẽ đến muộn, thậm chí không có lũ lớn.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTT, hiện nay, nhận định đó đang đúng, dự kiến đầu tháng 10 mới bắt đầu có lũ nhỏ. Do lũ đến muộn lại nhỏ lên mùa khô năm 2020-2021 sẽ tiếp tục hạn mặn khốc liệt, có thể tương đương đợt hạn mặn kỷ lục 2015-2016.
Lũ nhỏ sẽ gây ra bất lợi như: không thau rửa được đồng ruộng, không có phù sa vào ruộng nên phát sinh nhiều sâu bệnh hại. Lũ nhỏ cũng làm cho toàn bộ sinh kế mùa lũ không có. Nếu lũ nhỏ xảy ra thường xuyên thì phải tính toán lại sản xuất phù hợp, nếu không sẽ nguy hiểm đến hệ sinh thái… Đối mặt với nhiều bất lợi như vậy, ĐBSCL cần nhìn nhận rõ các tác động để có các giải pháp ứng phó.
Cần giải pháp tổng thể
Lũ về muộn và mực nước thấp khiến cho ĐBSCL còn đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn tại các địa phương ven biển khi triều dâng. Bên cạnh các giải pháp phi công trình thì các giải pháp công trình được đánh giá mang lại hiệu quả cao trong ứng phó với hạn mặn.
Hiện Bộ NN&PTNT có 11 công trình lớn đang thi công ở ĐBSCL. Năm 2019-2020 hạn mặn cao điểm, Bộ đã chỉ đạo đưa 5 công trình vào vận hành trước. Mùa khô 2020-2021, một loạt công trình tiếp tục được đưa vào sử dụng, trong đó lớn nhất là công trình thủy lợi Cái Lớn Cái Bé.
Chức năng của các công trình này cũng được điều chỉnh cho phù hợp, thay vì ngăn mặn giữ ngọt thì điều hòa mặn ngọt bằng vận hành hợp lý các công trình theo quy trình. Điều này sẽ giúp hài hòa lợi ích của cả người trồng lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản.
Năm nay, ngay trong mùa lũ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 36 về ứng phó với hạn mặn, trong chỉ thị này có một yêu cầu là không được để người dân nào không có nước sinh hoạt. Hiện, các tỉnh đang làm quyết liệt việc nối dài đường ống; xây dựng các khu cấp nước tập trung mới. Còn số không thể nối đường ống được mới tính đến bài toán trữ nước theo hộ, yêu cầu tất cả các hộ phải trữ nước dùng trong 3 tháng.
Bộ NN&PTNT đang đề xuất với Chính phủ đưa vào giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 một chương trình riêng về nước sạch cho ĐBSCL. Bộ cũng giao Viện Khoa học thủy lợi và Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam xây dựng bản đồ trực tuyến xác định khu vực hạn mặn để các địa phương, người dân có cơ sở theo dõi, chủ động sản xuất. Đồng thời, gấp rút triển khai các công trình thủy lợi vô cùng có ý nghĩa cho vùng ĐBSCL.
Về lâu dài, ĐBSCL đang phải định hình lại theo hướng bất lợi, biến đổi khí hậu đã đến sớm hơn chúng ta đang nghĩ và chiều hướng bất lợi thậm chí còn cao hơn cả các dự báo. Chính vì vậy, ĐBSCL cần có một giải pháp tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, bắt đầu từ quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch, vùng lún sụt, vùng xâm nhập mặn thường xuyên, vùng không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn… và quy hoạch này phải có tầm nhìn 50-100 năm.
Khải Minh