Thứ sáu, 22/11/2024 16:58 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/04/2023 16:00 (GMT+7)

ĐBSCL: Cần đầu tư đồng bộ các tuyến giao thông trọng điểm

Theo dõi KTMT trên

Với kỳ vọng sẽ giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững và thực hiện được mục tiêu liên kết vùng, các tuyến giao thông trọng điểm gồm 16 dự án được đề xuất cần phải được đầu tư đồng bộ.

Ngay sau khi quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được công bố, các tỉnh/thành trong vùng và các Bộ ngành liên quan đã đề xuất 16 dự án giao thông trọng điểm.

Trong đó, có 2 dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 14 dự án thuộc các địa phương. Tổng nguồn vốn vay nước ngoài lên đến 2,8 tỷ USD (tương đương khoảng 66.282 tỷ đồng) và vốn đối ứng trên 28 nghìn tỷ đồng.

Sau sự kiện công bố quy hoạch vùng vào tháng 6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư đã phối hợp với 6 ngân hàng đối tác phát triển quốc tế triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với biến đổi khí hậu.

ĐBSCL: Cần đầu tư đồng bộ các tuyến giao thông trọng điểm - Ảnh 1
Hoạt động giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long cần phải đồng bộ mới đạt mục tiêu liên kết, phát huy hiệu quả về năng lực vận tải và phát triển kinh tế…

Để thực hiện đồng loạt các dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế cấp phát 90% và cho vay lại, 10% đối với dự án của địa phương. Bên cạnh đó, ủy quyền cho các tỉnh, thành là cơ quan chủ quản các dự án quốc lộ, cao tốc; quản lý các dự án xây dựng cầu kết nối giữa 2 địa phương thuộc các tỉnh lộ là dự án liên vùng và cấp phát 100% vốn vay ODA.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, thời gian qua, 6 ngân hàng phát triển quốc tế đã tổ chức 10 chuyến công tác, khảo sát trên địa bàn các tỉnh, thành vùng vùng Đồng bằng sông Cửu Long để hình thành 16 đề xuất dự án giao thông trọng điểm.

“Các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần hiện thực hóa quy hoạch vùng, trong đó, mục tiêu liên kết vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu là quan trọng. Đồng thời, các dự án giao thông trọng điểm này sẽ góp phần tạo động lực phát triển cho các địa phương”, ông Phương cho biết thêm.

Để phát huy được các mục tiêu như kỳ vọng, bên cạnh phải có cơ chế tài chính phù hợp, thì việc đầu tư các dự án này cần phải đồng bộ. Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, thì 16 dự án được đề xuất nhìn chung phù hợp với các quy hoạch, với Nghị quyết 41 của Chính phủ liên quan đến cơ chế đặc thù cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Các Bộ, ngành cũng lưu ý cần tính toán về chi phí, xuất đầu tư, quy mô đầu tư và khả năng cân đối vốn. Chẳng hạn, đối với tỉnh Sóc Trăng, địa phương đề xuất xây dựng đường bộ ven biển với quy mô cấp 3 đồng bằng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội kết hợp với an ninh quốc phòng cũng như hỗ trợ phát triển cảng Trần Đề.

Tuy nhiên, theo ông Mai, do tuyến đường bộ ven biển của Sóc Trăng đề xuất có đoạn đi gần tuyến quốc lộ Nam sông Hậu được Bộ Giao thông Vận tải triển khai trong chương trình Mekong DPO do WB tài trợ, cho nên, sẽ điều chỉnh quy mô đoạn này.

“Qua trao đổi, làm việc, thì chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển tuyến ven biển, nhưng không đầu tư quá rộng với quy mô đường cấp 3 đồng bằng, bởi nó sẽ chia sẻ lưu lượng với tuyến Nam sông Hậu. Việc đầu tư với quy mô cấp 3 đồng bằng sẽ khiến chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng tăng thêm khoảng 40%”, ông Mai cho biết thêm.

Về phía địa phương, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc địa phương đề xuất hướng tuyến có một đoạn đi gần quốc lộ Nam sông Hậu (hay còn gọi là quốc lộ 91B), ngoài mục tiêu chung là để phát triển kinh tế- xã hội, thì nơi đây cũng là khu vực phát triển du lịch tâm linh, du lịch kinh tế biển cũng như đảm bảo bảo vệ an ninh quốc phòng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Trong ngắn hạn, đường cấp 4 đồng bằng vẫn có khả năng đáp ứng nhu cầu, nhưng nhìn trong dài hạn, thì cần đầu tư đường cấp 3. Trước ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi không phải bảo vệ quan điểm gì, nhưng đầu tư thì phải đồng bộ, tức Bạc Liêu, Trà Vinh là đường cấp 3, thì Sóc Trăng cũng phải đường cấp 3 để tạo thuận lợi cho phát triển”, ông Nghiệp nói.

Đại diện ADB - một trong những đối tác hỗ trợ vốn cho các dự án ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng cho rằng, đối với đoạn tuyến dự án kết nối giữa Sóc Trăng - Bạc Liêu, thì cần thống nhất về quy mô đầu tư về cấp đường. Chúng tôi thống nhất đề xuất nên đồng bộ cấp đường giữa hai tỉnh để đảm bảo tính kết nối, tính bền vững và an toàn đường bộ.

Lôi Vũ

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Cần đầu tư đồng bộ các tuyến giao thông trọng điểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới