Thứ tư, 24/04/2024 12:52 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/04/2023 15:30 (GMT+7)

ĐBSCL: Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh

Theo dõi KTMT trên

Chiều ngày 7/4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long".

Dự thảo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đặt ra mục tiêu chung là hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất kinh doanh, thu nhập người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; ổn định xã hội và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

ĐBSCL: Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh - Ảnh 1
Cần 12.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Góp ý về Đề án, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, đây là thời điểm làm và quyết tâm phải làm, và Hậu Giang cũng đăng ký đến năm 2025 thực hiện 28.000ha và đến năm 2030 là 46.000ha. Tuy nhiên, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải làm sao cho người dân thấy rõ sự khác biệt của đề án so với các đề án và dự án trước đây, nông dân thấy được lợi ích khi tham gia.

Tương tự, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề xuất, nên điều chỉnh nghị định hỗ trợ, không cào bằng như trước. Chính sách tạo sự khác biệt, nếu không thì doanh nghiệp không tham gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đây là đề án tham vọng, qua đó nhằm định hình tư duy làm nông nghiệp mới. Đề án không chỉ tạo giá trị thu nhập cho người nông dân thông qua bán chứng chỉ carbon do chúng ta giảm phát thải thấp mà quan trọng là chúng ta thay đổi tư duy về nền nông nghiệp thích ứng với xu thế của nền kinh tế xanh, xu thế tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm.

“Bộ không thể đi một mình được mà cần sự đồng hành của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, truyền thông, nông dân mới thực hiện có hiệu quả Đề án. Trong đó, cần sự tích cực trao đổi, đóng góp thống nhất các nội dung, chỉ tiêu và giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện, khi Đề án được Chính phủ thông qua và tổ chức thực hiện sẽ góp phần nâng cao thu nhập và vị thế cho người trồng lúa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tính đến nay, Đề án có 12/13 tỉnh thành ở ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre, do diện tích lúa còn ít) đăng ký tham gia với mục tiêu đến năm 2025 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 500.000 ha với sản lượng khoảng 6,3 triệu tấn lúa và đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa toàn vùng đạt 1 triệu ha với sản lượng 13 triệu tấn lúa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án này phù hợp chủ trương, chính sách, kế hoạch của Nhà nước về giữ vững vai trò lúa gạo làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; bảo vệ và sử dụng hiệu quả quỹ đất trồng lúa và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự kiến trong tháng 4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án. Tổng mức đầu tư cho Đề án này là khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, 3.000 tỷ đồng là vốn ngân sách nhà nước và 8.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), vùng lúa chuyên canh chất lượng cao 1 triệu ha tại ĐBSCL có thể được coi là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới. Qua đó sẽ thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của đối tác quốc tế về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ trước những thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

WB đã cam kết sẽ triển khai dự án hỗ trợ khoảng 40 triệu USD cho Đề án. Trong đó, 20 triệu USD là hỗ trợ không hoàn lại, còn 20 triệu USD dùng để mua 5% - 10% tín chỉ carbon được chứng nhận từ chương trình 1 triệu ha lúa giảm phát thải nếu Việt Nam bán tín chỉ này trên thị trường thế giới.

Lôi Vũ

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới