Thứ bảy, 27/04/2024 21:24 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/04/2023 05:00 (GMT+7)

ĐBSCL: Kinh tế tập thể hỗ trợ ngành nông nghiệp đạt hiệu quả cao

Theo dõi KTMT trên

Kinh tế tập thể đang trở thành động lực quan trọng giúp các thành viên hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh trước các thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH) tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết năm 2022, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 2.615 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 20 Liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 13,4% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc. Đây là vùng có tỷ lệ HTX tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên lớn nhất cả nước.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), ĐBSCL hiện là vùng có tỷ lệ HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cho thành viên lớn nhất cả nước, với 1.136 HTX tương ứng 46,73% HTX nông nghiệp cả vùng.

ĐBSCL: Kinh tế tập thể hỗ trợ ngành nông nghiệp đạt hiệu quả cao - Ảnh 1
Vùng ĐBSCL có số HTX hoạt động hiệu quả đạt 82,8%.

Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX đã phát huy vai trò tổ chức kinh tế tập thể để tổ chức các hành động tập thể giữa các hộ nông dân thành viên cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng.

Điển hình trong ngành sản xuất lúa gạo, có 41,5% số HTX đang áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tốt (GAP) như VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn hữu cơ. Nhiều mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH cho hiệu quả cao như lúa - cá ở tỉnh An Giang và Hậu Giang, tôm - lúa ở Kiên Giang và Sóc Trăng.

Điều này tạo thuận lợi cho HTX liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp hoặc tạo thuận lợi cho HTX tham gia phân phối trực tiếp sản phẩm. Người nông dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, môi trường như không xả thải thuốc dư thừa, chai lọ đựng thuốc sau sử dụng ra môi trường

Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp còn là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp là tác nhân điều phối, giám sát thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2022, tỉnh có khoảng hơn 110 lượt HTX nông nghiệp/Liên hiệp HTX, 429 lượt tổ hợp tác nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, với tổng diện tích liên kết khoảng 160.000ha.

“Việc sản xuất nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến bao tiêu đầu ra đã giúp các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu và nâng tầm giá trị sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, đem lại lợi nhuận cao nhất cho thành viên”, ông Trần Anh Thư cho biết thêm.

Nhằm tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về BĐKH và biện pháp thích ứng với BĐKH, Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng các địa phương tại ĐBSCL triển khai Đề án “Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025". Sau gần 9 tháng triển khai đề án, Sở NN&PTNT của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã rà soát, xác định hàng trăm HTX, tổ hợp tác sẽ nhận hỗ trợ xây dựng những mô hình điểm.

“Mục tiêu quan trọng là phải giúp cho các HTX đổi mới tư duy trong sản xuất, liên kết sản xuất và nâng cao năng lực tự quản lý, quản trị hoạt động của HTX. Theo đó, các HTX cần đẩy mạnh thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, cải tiến mẫu mã đáp ứng yêu cầu chất lượng các sản phẩm hàng hóa của thị trường, người tiêu dùng; cải thiện năng lực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản và nguyên liệu nông sản cho các nhà máy, doanh nghiệp đầu ra”, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.

ĐBSCL hiện đang triển khai các chương trình, dự án nông nghiệp xanh như:

Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam;

Đề án Trung tâm sáng tạo xanh;

Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL;

Đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo và trái cây phục vụ chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL;

Chương trình “Hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp sản xuất, cung ứng giống lúa nguyên chủng, xác nhận thích ứng với biến đổi khí hậu trong chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL”.

Yến Thanh

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Kinh tế tập thể hỗ trợ ngành nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng tăng cường thu ngân sách năm 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Tin mới