ĐBQH "điểm mặt" hệ lụy từ các vụ đấu giá khai thác cát bất thường (Bài 5)
Trước thực trạng nhiều vụ đấu giá "ảo" liên quan đến các mỏ khoáng sản gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã chỉ ra hàng loạt hệ lụy.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, rất nhiều vụ đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cụ thể là các mỏ cát ở nhiều địa phương xuất hiện tình tiết "bất thường". Các cuộc đấu giá được "thổi" lên gấp trăm lần giá khởi điểm. Tuy nhiên sau đó, các doanh nghiệp đã bỏ cọc và mất hút.
Để bạn đọc có một góc nhìn rõ hơn về hệ luỵ từ việc đấu giá "ảo" ở các mỏ khoáng sản diễn ra thời gian qua, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
Phóng viên:Thưa ông, thời gian qua, tình trạng đấu giá tại các mỏ khoáng sản có dấu hiệu bất thường liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương. Theo đó, giá quyền khai thác bị đẩy lên cao hơn gấp hàng trăm lần giá khởi điểm.Sau đó, các công ty trúng đấu giá thường bỏ cọc, không thực hiện các thủ tục, nghĩa vụ tài chính để khai thác mỏ. Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Thời gian vừa qua, không chỉ là ở mảng khoáng sản mà trên nhiều lĩnh vực đã xảy ra các vụ đấu giá với giá cao sau đó bỏ cọc. Điển hình như các lô đất ở Thủ Thiêm, đấu giá biển số xe và giờ đến các mỏ khoáng sản. Nó thành tiền lệ rồi.
Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là bắt nguồn từ bất cập của quy định pháp luật. Thứ nhất là do quy định từ giá khởi điểm rồi xét khởi điểm thấp. Thứ hai là tiền cọc thấp, chỉ từ 5-20%. Nguyên nhân thứ ba là không có biện pháp chế tài đủ mạnh đối với những người tham gia đấu giá khiến họ bỏ cọc.
Hiện chúng ta không có chế tài, quy định xử phạt, hoặc có cho đấu giá lại nữa hay không... từ đó khiến người tham gia đấu giá cao không sợ.
Phóng viên:Ngoài các nguyên nhân do các quy định pháp luật còn chưa chặt chẽ, theo ông còn nguyên nhân nào khiến các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá lại dễ dàng bỏ cọc như vậy?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Có nhiều nguyên nhân nhưng dễ nhận thấy nhất là do tỷ lệ cọc thấp. Họ chấp nhận bỏ cọc so với những cái họ được như tiếng tăm, lan truyền trên mạng,… thì không nhằm nhò gì. Ví dụ như biển số xe 32 tỷ đồng mà khi họ bỏ cọc thì bỏ có 40 triệu thì nhằm nhò gì, sau đó đấu lại có 15 tỷ, vậy nhà nước mất bao nhiêu tiền.
"Nhà nước hiện chưa có quy định chặt chẽ, các biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe, thuyết phục để doanh nghiệp họ không dám, không muốn, không làm những hành vi (đấu giá "ảo) như thế nữa.
ĐBQH Phạm Văn Hòa
Hơn nữa, chúng ta cũng không quy định cho phép những người bỏ cọc này có được đấu lại hay không? Nếu không có quy định sau này họ đấu lại với giá thấp và họ lại tiết kiệm được rất nhiều tiền. Rồi cũng không có quy định người trúng đấu giá thứ 2 lại được trúng. Đúng ra người đấu giá thứ nhất bỏ cọc thì người trúng đấu giá thứ 2 phải được trúng vì dù sao thì giá họ đấu cũng chỉ sau người trúng đấu giá lần đầu. Và việc công nhận người thứ 2 trúng đấu giá sau khi người thứ nhất bỏ cọc thì không phải tổ chức đấu giá lại, từ đó đỡ mất thời gian, tiền bạc của Nhà nước.
Phóng viên:Trước việc 3 điểm mỏ cát tại Hà Nội được đấu giá cao bất thường, gây xôn xao dư luận thời gian qua, ông có đánh giá như thế nào về vụ việc này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đối với vụ đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội, tôi nghĩ rằng tiền đâu mà họ đưa ra 1.700 tỷ đồng cho 3 mỏ cát. Tôi nghĩ không bao giờ có. Và ngân hàng cũng không bao giờ cho vay. Bởi đó là cái giá quá "ảo".
Như trên tôi đã nói, Nhà nước hiện chưa có quy định chặt chẽ, các biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe, thuyết phục để họ không dám, không muốn, không làm những hành vi như thế nữa. Họ có nhiều tiền rồi, họ chấp nhận bỏ cọc hàng tỷ bạc để vô thăm dò xem lực lượng thực thi làm nhiệm vụ, lực lượng tham gia đấu giá có nhiều tiền hay không rồi bỏ.
Tôi nghĩ đấy là sơ hở của hệ thống pháp luật của Việt Nam dẫn đến nhiều tình trạng họ tham gia đấu giá, chấp nhận bỏ cọc. Sau đó, khi Nhà nước đấu giá lại thì họ lại tham gia và trúng với giá thấp hơn.
Lũng đoạn thị trường vật liệu xây dựng
Phóng viên:Theo ông, việc các doanh nghiệp, cá nhân cố tình tham gia đấu giá "ảo" các mỏ khoáng sản sẽ gây ra những hệ luỵ gì?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đối với các hệ lụy từ việc đấu giá ảo các mỏ khoáng sản thì có rất nhiều. Hệ luỵ đầu tiên là gây nên sự lũng đoạn, xáo trộn, gây dư luận không tốt và không lành mạnh trong cả nước…
Từ việc đấu giá "ảo" cũng có thể dẫn đến giá vật liệu xây dựng tăng cao và người gánh chịu hậu quả lại chính là Nhà nước và người dân. Bởi hiện nay nguồn vật liệu cát sỏi đang khan hiếm trầm trọng trong khi nhu cầu sử dụng của nhà nước và người dân rất lớn.
Việc vật liệu xây dựng cát sỏi đang khan hiếm trầm trọng thì việc đấu giá các mỏ khoáng sản với giá ảo sẽ có nguy cơ dẫn đến việc giá bán vật liệu xây dựng bị đẩy lên vô tội vạ, muốn bán giá nào thì bán, người dân rồi Nhà nước cũng phải chấp nhận. Vậy nên các quy định về giá vật liệu là rất quan trọng. Nếu đấu giá giao cho tư nhân họ mua, lúc họ bán thì muốn bán bao nhiêu họ bán, mình không kìm được. Bởi, thứ nhất họ tham gia đấu giá, chứ không phải Nhà nước giao. Thứ hai là họ đấu giá cao nên họ có quyền bán với giá bán cao thì mới có lời. Đây cũng là một cái hệ lụy thị trường vật liệu, khiến người dân bất mãn đối với giá cát.
Một góc độ khác nữa cũng cần quan tâm đó là khi trúng đấu giá cao thì người trúng đấu giá sẽ bằng mọi cách để thu hồi lại tiền bằng cách khai thác tận thu. Từ đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Vậy nên, kể cả người trúng đấu giá với giá cao đi vào khai thác thì công tác quản lý khai thác cũng cần phải hết sức chặt chẽ, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm.
Phóng viên:Giải pháp nào để hạn chế tình trạng đấu giá ảo như thời gian qua, thưa ông?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Trước khi đấu giá, Nhà nước phải định giá sát, ngay, gần bằng với giá thị trường; nắm được trữ lượng cát; cân đối lại tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu giá (cụ thể là tăng tiền cọc). Từ đó họ sẽ phải dè chừng, có trách nhiệm.
Thứ hai là phải có chế tài vì dụ như tham gia đấu giá rồi bỏ thì phải phạt giá trị bằng tiền.
Thứ ba là người tham gia đấu giá bỏ cọc thì sau khi phạt sẽ không cho họ tham gia đấu giá trong mọi lĩnh vực trong thời hạn nhất định. Cho người thứ 2 đấu giá trúng đấu giá lại sau khi người thứ nhất đã bỏ cọc.
Đặc biệt, vấn đề khai thác cát là hết sức phức tạp. Mình không "vơ đũa cả nắm" nhưng ở đâu đó vẫn có sự tiếp tay của chính quyền thì doanh nghiệp mới dám làm bậy, làm sai.
Nếu không có sự "chống lưng" thì cử lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát, quyết liệt thì đơn vị khai thác không thể làm sai, làm bậy.
Thậm chí những người, đơn vị khai thác đều có "dây mơ rễ má" tới những người đang nắm quyền. Thậm chí họ là sân sau. Không loại trừ việc lực lượng thanh tra môi trường, đơn vị môi trường có sự tiếp tay cho những sai phạm.
"Một góc độ khác nữa, cũng cần quan tâm đó là khi trúng đấu giá cao thì người trúng đấu giá sẽ bằng mọi cách để thu hồi lại tiền bằng cách khai thác tận thu. Từ đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường."
ĐBQH Phạm Văn Hòa
Khi đoàn kiểm tra liên ngành hoặc cơ quan môi trường trước khi đi kiểm tra thì đơn vị khai thác có dấu hiệu sai phạm đã nhận được thông báo trước rồi. Vậy nên họ dừng hoạt động thì sao phát hiện sai phạm mà xử lý, sau khi đoàn kiểm tra rời đi họ lại tiếp tục.
Do đó, có vụ người dân thưa kiện, phản ánh nhưng khi đoàn kiểm tra đi kiểm tra thì lại không phát hiện, không xử phạt được. Vì họ biết trước có việc có đoàn kiểm tra nên họ không khai thác nữa. Nếu không phải là sân sau, không có chân trong chân ngoài, không có sự chống lưng thì làm gì doanh nghiệp khai thác cát lậu, khai thác không đúng quy định không bị xử phạt.
Phóng viên:Vậy theo ông, các các ngành chức năng cần có trách nhiệm như thế nào để không xảy ra tình trạng đấu giá ảo như trong thời gian qua?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Việc đấu giá cát, các đơn vị chức năng đã thực hiện đúng quy định. Nhưng những đơn vị đấu giá đã lợi dụng những sơ hở của pháp luật để thực hiện sai. Do đó, trách nhiệm của ngành chức năng là cần sớm có những giải pháp, trong đó tăng cường những chế tài pháp luật đối với hành vi đấu giá ảo. Bên cạnh đó, báo chí cũng cần phải lên tiếng để ngành chức năng có được những nhìn nhận đa chiều, đưa ra những giải pháp thực tiễn, thực thi có hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Mới đây, vụ đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường, trị giá gần 1.700 tỷ đồng tại Hà Nội khiến dư luận sửng sốt. Theo đó, kết thúc phiên đấu giá "xuyên đêm", 3 mỏ cát này đã được "đôn" giá cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm.
Trước sự lo lắng, quan ngại của giới chuyên gia và người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Rà soát kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Công điện nhấn mạnh, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Thực tế cho thấy, các vụ đấu giá cát giá cao bất thường thời gian qua không phải là hy hữu. Thậm chí, có nhiều trường hợp đấu giá theo kiểu "đôn lên cao" rồi cuối cùng lại bỏ cọc. Để có cái nhìn tổng quan về thực trạng đấu giá tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài: Quản lý tài nguyên khoáng sản -Thấy gì từ vụ đấu giá khai thác cát “bất thường” ở Hà Nội? Tuyến bài cũng góp phần đưa ra các ý kiến, giải pháp để hạn chế việc trục lợi từ tài nguyên trong đấu giá dưới góc nhìn của luật gia, chuyên gia, nhà khoa học...
(Còn nữa...)
Thanh Tùng (Thực hiện)