Những “bất thường” trong các vụ đấu giá cát cao kỷ lục (Bài 1)
Nhiều người đặt câu hỏi, với việc bỏ ra mức giá cao gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm, chưa rõ doanh nghiệp khai thác và có lãi như thế nào từ những mỏ cát này, hay doanh nghiệp muốn trúng đấu giá vì mục đích khác?
LỜI TÒA SOẠN
Mới đây, vụ đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường, trị giá gần 1.700 tỷ đồng tại Hà Nội khiến dư luận sửng sốt. Theo đó, kết thúc phiên đấu giá "xuyên đêm", 3 mỏ cát này đã được "đôn" giá cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm.
Trước sự lo lắng, quan ngại của giới chuyên gia và người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Rà soát kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Công điện nhấn mạnh, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Thực tế cho thấy, các vụ đấu giá cát giá cao bất thường thời gian qua không phải là hy hữu. Thậm chí, có nhiều trường hợp đấu giá theo kiểu "đôn lên cao" rồi cuối cùng lại bỏ cọc. Để có cái nhìn tổng quan về thực trạng đấu giá tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài: Quản lý tài nguyên khoáng sản -Thấy gì từ vụ đấu giá khai thác cát “bất thường” ở Hà Nội? Tuyến bài cũng góp phần đưa ra các ý kiến, giải pháp để hạn chế việc trục lợi từ tài nguyên trong đấu giá dưới góc nhìn của luật gia, chuyên gia, nhà khoa học...
Trúng thầu với những mức giá gây “sốc”
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội thông tin đã hoàn thành việc tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn.
Các mỏ cát đều được đấu giá thành công với mức cao hơn hàng trăm lần so với giá khởi điểm, như mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là 703.536 m3, giá khởi điểm là 2,881 tỷ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng. Tuy nhiên, qua 89 vòng đấu giá, Ban tổ chức mới xác định được đơn vị trúng đấu giá với giá trúng là 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.
Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát), phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), có trữ lượng cát 508.603 m3, giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng, bước giá đấu 103 triệu đồng. Sau 53 vòng đấu, giá đấu trúng lên tới 408,290 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.
Mỏ Tây Đằng - Minh Châu trên địa bàn thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) có trữ lượng cát khai thác 4.899.000 m3, giá khởi điểm 19,29 tỷ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng. Kết quả, qua 21 vòng đấu, đến sáng 6.11, Ban tổ chức cũng đã xác định được đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền đấu trúng là 883,930 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.
Trong Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội, các bộ có liên quan, lãnh đạo các địa phương rà soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Công điện cũng nêu, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác ba mỏ cát "cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, có yếu tố bất thường".
Đây cũng không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp đẩy số tiền “chốt hạ” lên rất cao để nắm quyền khai thác mỏ cát, mà những vụ đấu giá với mức trúng giá cao bất thường như thế này đã từng xảy ra ở một số địa phương khác. Chẳng hạn, tháng 4/2021, An Giang tổ chức đấu giá mỏ cát trên sông Tiền tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.Home (nhà 14, đường số 11, khu dân cư ven sông, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM). Loại cát công ty này trúng đấu giá là cát sông làm vật liệu xây dựng thông thường. Giá trúng đấu giá ước tính theo khối lượng mời đấu giá 2.372.500 m3 được tạm tính là hơn 2.811 tỷ đồng và số tiền công ty này phải nộp năm đầu tiên là hơn 140 tỷ đồng, trong 4 năm tiếp doanh nghiệp nộp hơn 667 tỷ đồng/năm.
Được biết, mỏ cát sông Tiền có mức đấu giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng. Kết thúc phiên đấu giá, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home trúng đấu giá với mức giá hơn 2.811 tỷ đồng, cao hơn 390 lần so với giá khởi điểm.
Từng trao đổi với báo chí về mức giá trúng thầu này, một cán bộ thuộc Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ TN&MT cho rằng, đây là mức giá trúng đấu giá bất thường, khó hiểu. Theo cán bộ này, mức giá khởi điểm quyền khai thác khoáng sản được xác định theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với cát, sỏi lòng sông thì mức giá khởi điểm được tính theo mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là R = 5%. 5% này là tỷ lệ phần trăm giá trị (doanh thu mỏ) khoáng sản được phép khai thác.
Vị cán bộ này băn khoăn, thông thường, các doanh nghiệp bỏ giá cao tối đa khoảng gấp 3 - 5 lần giá khởi điểm (tức khoảng 15 - 25% doanh thu khai thác mỏ khoáng sản) thì mới khai thác có lãi. Với việc bỏ giá đấu giá cao hơn 390 lần giá khởi điểm thì chưa rõ doanh nghiệp khai thác và có lãi như thế nào từ mỏ khoáng sản này, hay doanh nghiệp muốn trúng đấu giá vì mục đích khác?
Hay như vụ đấu giá mỏ cát nằm trên sông Trà Khúc thuộc địa phận xã Tịnh An - Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi có diện tích 53,4ha, với trữ lượng ước hơn 3,4 triệu m3. "Siêu" mỏ cát này có giá khởi điểm gần 26 tỷ đồng nhưng được doanh nghiệp đấu giá lên 380 tỷ đồng, gấp 15 lần so với giá khởi điểm. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh Miền Trung.
Nỗi lo bỏ cọc
Trở lại với 3 vụ đấu thầu khai thác mỏ cát ở Hà Nội, hiện tại, các doanh nghiệp trúng đấu giá đang trong thời gian thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Chưa thể kết luận chắc chắn rằng các doanh nghiệp nói trên sẽ “bỏ của chạy lấy người,” tuy rằng khả năng này là rất cao. Bởi, khi nhìn từ thực tế những vụ doanh nghiệp đẩy số tiền đấu giá lên rất cao để nắm quyền khai thác mỏ cát rồi bỏ cọc là khá cao.
Dẫn chứng như năm 2021, vụ đấu giá mỏ cát sông Tiền ở tỉnh An Giang với mức trúng đấu giá hơn 2.811 tỷ đồng, sau đó doanh nghiệp trúng đấu giá hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, kết quả đấu giá mỏ cát này cũng bị hủy bỏ. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đấu giá 12 mỏ cát, nhiều đơn vị tham gia đấu giá đã đẩy mức giá gấp hàng chục lần nhưng rồi cũng bỏ cọc.
Theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nếu các tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá và trúng đấu giá nhưng từ chối không nhận kết quả trúng đấu giá mà chưa được hội đồng đấu giá chấp thuận thì không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá đó.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ tài chính sau trúng đấu giá cũng không được nhận lại số tiền đặt cọc trước đó.
Trên thực tế, chế tài này chưa đủ mạnh nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp, cá nhân đua nhau đẩy giá lên cao chót vót trong các phiên đấu giá quyền khai thác mỏ, đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất để rồi sau đó sẵn sàng bỏ cọc, phủi trách nhiệm.
Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV cũng đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá Tài sản.
Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho biết, một số người tham gia đấu giá nhưng với mục đích không hẳn là để mua được tài sản mà nhằm thao túng mặt bằng giá mới, phô trương danh thế, phá hoại cuộc đấu giá... Do đó, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được thực hiện chặt chẽ.
"Cần phải tăng tiền đặt cọc lên 10% tổng giá trị tài sản được đấu giá để ngăn chặn việc người trúng đấu giá sẵn sàng mất cọc" - Đại biểu Dương Ngọc Hải đề xuất.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh thì nên quy định rõ biên độ chênh lệch số tiền đặt cọc ở mức tối thiểu và mức đặt tối đa, tùy theo giá trị của tài sản.
Các doanh nghiệp, cá nhân không chấp hành Luật Đấu giá Tài sản, không vì mục đích mua được tài sản thì ngoài việc mất tiền cọc còn phải chịu thêm việc phạt hành chính.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, việc bỏ cọc như đã nêu là gây ảnh hưởng rất lớn, song theo quy định thì người bỏ cọc chỉ mất số tiền cọc chứ không có chế tài nào khác. Bà Yến đề nghị phải quy định các tài sản nhà nước quản lý thì khi đấu giá không được bỏ cọc. Nếu bỏ cọc thì cần bổ sung chế tài hành vi này. Cần có biện pháp phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc để tránh đấu giá thành công rồi bỏ cọc.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, khi thẩm tra Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) có ý kiến đề nghị quy định phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản, ví dụ phạt tiền bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả. Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn, sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ cọc, gây lũng đoạn thị trường.
(Còn nữa)
Anh Thư