Thứ ba, 03/12/2024 23:44 (GMT+7)
Thứ tư, 31/07/2024 09:00 (GMT+7)

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng

Theo dõi KTMT trên

Chiều ngày 30/7, tại tỉnh Ninh Bình, Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đã có buổi khảo sát, làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1
Quang cảnh buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội với các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: VOV

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; kiến nghị đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030.

Theo đó, các đại biểu đã kiến nghị cần tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là những dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm có tính kết nối, liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hơn nữa hoạt động liên kết, phát huy nội lực kinh tế địa phương, kinh tế vùng.

Bên cạnh đó, cần ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với đặc trưng, vai trò và thực tiễn đối với những địa phương sở hữu di sản được UNESCO ghi danh; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Theo nhận định của lãnh đạo các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam và Vĩnh Phúc, liên kết kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng còn chưa chặt chẽ, thiếu phân công dựa trên lợi thế từng địa phương, hiện mới dừng lại ở mức độ trao đổi thông tin, kinh nghiệm.

Vì vậy, trong thời gian tới cần tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tôn trọng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng; tập trung thu hút FDI trong các ngành công nghiệp mới; phát triển hạ tầng giao thông kết nối nội vùng, liên vùng cả về đường bộ, đường sắt, đường biển; ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao với cơ chế chỉ đạo thống nhất trong vùng.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 2
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Báo Ninh Bình

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy, bảo lãnh cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Đồng thời tập trung phát triển giá trị đặc sắc văn hóa văn minh sông Hồng, tạo động lực cho sự phát triển vùng cũng như đất nước. Bên cạnh đó, cần có sự phát triển cân đối, đồng bộ, hài hòa giữa vùng Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng; nghiên cứu, tính toán, đầu tư phát triển kết nối hạ tầng logistics, hàng không vùng phía Nam sông Hồng.

Thảo luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng cần chuyển từ thu hút vốn FDI sang hợp tác FDI nhằm nhằm khai thác tối ưu hiệu quả dòng vốn FDI, tạo sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, lựa chọn công nghệ, chú trọng nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Về việc hình thành và phát triển các khu thương mại tự do, Bí thư thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh: "Nhiệm kỳ tới cần bổ sung nội dung khuyến khích đổi mới về tư duy phát triển mạnh dạn thử nghiệm áp dụng những mô hình phát triển mới thí điểm của thương mại tự do, hay là các cơ chế chính sách nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, có như vậy chúng ta mới có thể tạo ra được sự phát triển đột phá".

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các địa phương. Phó Thủ tướng khẳng định: Đồng bằng sông Hồng cùng với Đông Nam Bộ chính là 2 điểm sáng, đóng vai trò và vị trí chiến lược về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thế mạnh riêng có, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính bền vững. Trọng tâm là đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, phát triển nông nghiệp đa giá trị, tiếp tục đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 3
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VOV

Riêng về cơ cấu kinh tế, ngoài tập trung cho các ngành mang tính chất đại diện cho xu thế của thời đại cần chú trọng phát triển theo mô hình kinh tế tự nhiên hài hòa, một nền kinh tế độc lập, tự chủ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo trên cơ sở phát huy giá trị tự nhiên, giá trị Di sản.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV là rất quan trọng nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả đạt được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII, chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là phương hướng phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, các ý kiến phát biểu của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng sẽ được Tiểu ban Kinh tế - Xã hội tổng hợp để hoàn thiện văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới