Thứ sáu, 26/04/2024 23:43 (GMT+7)
Thứ hai, 28/09/2020 07:00 (GMT+7)

Đâu là giải pháp để Hà Nội không còn khói rơm rạ?

Theo dõi KTMT trên

Trong nhiều năm qua, việc đốt rơm rạ sau thu hoạch đã trở thành thói quen lâu đời của người dân. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường không khí, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Theo Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội Vũ Đăng Định để hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, thời gian qua Thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp xử lý nằm cải thiện môi trường như lắp đặt các trạm quan trắc, kiểm soát nguồn xả thải, triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh, chương trình cánh đồng không đốt rơm rạ... Việc tuyên truyền không đốt rơm rạ đã triển khai từ 2 năm trước.

Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại 19 quận, huyện, thị xã còn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 17/6/2020, tổ công tác liên ngành gồm sở TN&MT, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP.Hà Nội ghi nhận, báo cáo của các địa phương đều cho thấy, tình trạng đốt rơm rạ có giảm nhưng chưa bền vững.

Cần thay đổi thói quen

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, khi đốt rơm rạ, một lượng bụi mịn có đường kính nhỏ sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải. Chính điều này sẽ gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính.

Theo ông Tùng, nếu như với ô nhiễm bụi bình thường, dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với bụi mịn, khẩu trang cũng vô ích.

Đâu là giải pháp để Hà Nội không còn khói rơm rạ? - Ảnh 1
Hình ảnh người dân đốt rơm. Ảnh minh họa

Ông Tùng cũng cho rằng, nguyên nhân chính hiện nay là do thói quen của người dân từ xưa là đốt rơm, rạ tại ruộng. Hơn nữa, nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường không khí còn hạn chế. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc triển khai các biện pháp xử lý rơm, rạ, nhất là việc dùng chế phẩm sinh học để phân hủy gặp nhiều khó khăn.

"Trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm, rạ đến môi trường và sức khỏe con người; khuyến khích các mô hình sản xuất sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng cho các địa phương làm tốt công tác thu gom, xử lý rơm rạ hiệu quả." - ông Tùng nói.

Mới đây, tại một lớp tập huấn cho nhà báo Việt Nam có nội dung “Đưa tin về chất lượng không khí ở Việt Nam” do hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, dưới sự tài trợ của cơ quan Phát triển truyền thông Pháp (CFI). Bà Sophia – Kỹ sư chất lượng không khí thuộc tổ chức Air Parif (đơn vị đang triển khai dự án quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội, trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa UBND TP.Hà Nội và cơ quan Phát triển Pháp - AFD)- cho biết, ở Pháp, Chính phủ cấm hoàn toàn việc đốt rơm rạ, trừ trường hợp bị nhiễm côn trùng, sâu bệnh.

“Tất cả rác thải Nông nghiệp được chúng tôi coi là “rác thải xanh”, sẽ đưa ra các cơ sở lưu trữ, phân loại rác thải lớn để chế biến thành phân hữu cơ”, bà Sophia nói.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Để ngăn chặn tình trạng trên, mới đây UBND huyện Sóc Sơn chủ trương xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, cùng với thông tin, tuyên truyền, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập tổ công tác gồm công an xã chủ trì, phối hợp với nhân viên môi trường, địa chính và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức kiểm tra, nhắc nhở. Kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm đối với các đối tượng cố tình đốt rơm rạ theo Nghị định số 167 của Chính phủ.

Nhiều nông dân cũng cho rằng, việc đốt rơm rạ mang lại nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại...

Tuy nhiên, việc đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe con người mà còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa.

Ngày 18/9/2020, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo Chỉ thị, trước ngày 30/9/2020, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.

Trước ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.

Thành phố đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, cá

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Đâu là giải pháp để Hà Nội không còn khói rơm rạ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới