Chủ nhật, 24/11/2024 07:21 (GMT+7)
Thứ năm, 30/11/2023 07:00 (GMT+7)

Đánh giá mức độ tiêu chuẩn cao, hài hòa giữa chính sách thương mại và bảo vệ môi trường trong EVFTA

Theo dõi KTMT trên

EVFTA mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

A. Đặt vấn đề

Bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình thực hiện cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn thương mại và bảo vệ môi trường. Điều này phản ánh một xu hướng toàn cầu hóa mà trong đó, sự phát triển kinh tế không còn tách rời khỏi trách nhiệm với môi trường. Việc thực hiện các tiêu chuẩn môi trường cao theo EVFTA là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ phía doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ từ chính phủ và cộng đồng quốc tế. Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng việc này cũng mang lại cơ hội cho Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Bài viết sẽ phân tích mối quan hệ giữa thương mại và bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), cũng như tác động của nó đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Việt Nam.

B. Nội dung

I. Đánh giá tiêu chuẩn cao và hài hòa giừa chính sách thương mại và bảo vệ môi trường trong EVFTA

1.1. Mối quan hệ giữa thương mại và bảo vệ môi trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Mối liên hệ giữa thương mại và môi trường là một phần quan trọng trong tương quan giữa kinh tế và môi trường. Cụ thể, quá trình sản xuất và giao dịch hàng hóa và dịch vụ phụ thuộc vào môi trường, từ việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên làm nguyên liệu cho sản xuất cho đến các ảnh hưởng môi trường phát sinh trong chuỗi sản xuất, giao dịch, tiêu dùng và xử lý phế liệu. Đa số những tác động lên môi trường xuất phát từ sự tăng trưởng của các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, tác động này trở nên đặc biệt nổi bật khi thương mại tự do được thúc đẩy, nơi mà việc trao đổi sản phẩm và dịch vụ không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra toàn cầu. Khi đó, sản xuất được tăng cường mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế, và mối tương tác giữa thương mại và môi trường trở nên rõ ràng hơn.

Mối quan hệ giữa thương mại và môi trường trên tầm quốc tế đã trở nên đáng chú ý lần đầu vào năm 1991, khi Chính phủ Mexico khởi kiện Hoa Kỳ về việc ban hành lệnh cấm nhập khẩu cá ngừ từ Mexico. Tại thời điểm đó, Hoa Kỳ đã áp đặt một luật về bảo vệ động vật biển có vú, cấm sử dụng các phương pháp đánh bắt cá ngừ gây hủy hoại đến một lượng lớn cá heo sống trong khu vực đánh bắt. Luật này cũng áp dụng cho các sản phẩm cá ngừ nhập khẩu từ các quốc gia sử dụng cùng phương pháp đánh bắt. Chính phủ Mexico lập luận rằng luật của Hoa Kỳ đã vi phạm các quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT). Để giải quyết mối quan hệ giữa thương mại và môi trường ở phạm vi quốc tế, cần thiết phải thiết lập các khung khổ hợp tác quốc tế. Trong các khung khổ này, các ràng buộc thông qua các cam kết và thỏa thuận giữa các quốc gia được xây dựng và đảm bảo thực thi[1]. Có ba khuôn khổ chính để xem xét mối quan hệ này:

Thứ nhất, giải quyết các vấn đề môi trường trong các hiệp định thương mại: Một cách cụ thể, điều này đòi hỏi việc đưa vào các hiệp định thương mại các điều khoản và cam kết về môi trường, đảm bảo rằng hoạt động thương mại không gây hại đến môi trường.

Thứ hai, giải quyết thông qua các thỏa thuận tự nguyện trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế: Các quốc gia có thể tự nguyện tham gia các thỏa thuận và cam kết về môi trường trong các khung khổ hợp tác quốc tế, không bị ràng buộc bởi các cam kết pháp lý cứng nhắc.

Thứ ba, giải quyết các vấn đề thương mại trong các hiệp định môi trường: Mục tiêu ở đây là bảo vệ môi trường thông qua việc đặt cam kết và điều khoản thương mại trong các hiệp định môi trường. Điều này có thể đặt ra các ràng buộc pháp lý cho các quốc gia tham gia.

Mối quan hệ giữa thương mại và môi trường trên tầm quốc tế đang trở thành một thách thức quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng của hoạt động thương mại và tác động tiêu cực đến môi trường. Các khung khổ hợp tác và thỏa thuận quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng thương mại và bảo vệ môi trường có thể tồn tại cùng nhau một cách cân bằng và bền vững. Vấn đề hợp tác về môi trường trong các cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế thường được thảo luận sôi nổi và đạt được nhiều sự thỏa thuận hơn so với những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hay các Hiệp định môi trường quốc tế (MEA). Điều này có thể được giải thích bởi tính chất tự nguyện của các thỏa thuận trong các khung khổ hợp tác, làm cho việc đạt được đồng thuận giữa các quốc gia trở nên dễ dàng hơn, nhất là trong các vấn đề liên quan đến xã hội và môi trường. Ngoài ra, các cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế còn được coi là nơi phát triển ý tưởng cho các FTA và MEA. Các thỏa thuận đạt được trong những khung khổ này thường là bước đệm, tạo nền tảng cho việc phát triển các cam kết pháp lý mạnh mẽ hơn, khi các bên liên quan nhận thấy sự cần thiết của vấn đề. Hơn nữa, các quốc gia có lợi ích và quan điểm chung có thể hợp tác chặt chẽ hơn để tạo ra các cam kết song phương hoặc đa phương cụ thể hơn.

1.2. Xu hướng cam kết tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường trong EVFTA

EVFTA được xem là một trong những FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, đặc biệt về môi trường và bảo vệ lao động. Xu hướng cam kết này thể hiện thông qua các cam kết bao gồm: i) mức độ tiêu chuẩn cao; ii) sự hài hòa giữa thương mại và bảo vệ môi trường; iii) sự tác động đến quốc gia thành viên và iv) tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về môi trường và xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu.

Các cam kết về môi trường trong EVFTA thường rõ ràng và cụ thể hơn so với các FTA khác. Trong khi đó, các FTA thế hệ mới khác mà Việt Nam tham gia, như CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao về môi trường và lao động, nhưng mức độ chi tiết và sự nghiêm ngặt có thể khác nhau. EVFTA nổi bật với sự hài hòa giữa thúc đẩy thương mại và cam kết bảo vệ môi trường. Hiệp định này không chỉ giảm thuế quan mà còn bao gồm các điều khoản mạnh mẽ về bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải, và giảm phát thải khí nhà kính. So sánh với các FTA khác, EVFTA có thể được xem là có sự cân nhắc sâu sắc hơn giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, trong khi các FTA khác như CPTPP cũng có các cam kết về môi trường nhưng có thể không đưa ra các quy định nghiêm ngặt tương tự. Việc thực hiện các cam kết trong EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện nhiều thay đổi lớn trong chính sách và quy định môi trường, đôi khi là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp địa phương. Trong khi đó, các FTA thế hệ mới khác cũng yêu cầu Việt Nam thực hiện các cải cách tương tự, nhưng áp lực để nâng cao tiêu chuẩn môi trường và thực thi pháp luật có thể không cao bằng trong EVFTA. Cả EVFTA và các FTA thế hệ mới khác đều đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và đồng thời thúc đẩy việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, bao gồm cả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. EVFTA, với sự nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn môi trường, có thể xem là một bước đi tiên phong trong việc hình thành chuẩn mực mới cho các FTA tương lai của Việt Nam.

Tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) bao gồm một loạt các cam kết và quy định nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Các tiêu chuẩn này không chỉ phản ánh mối quan tâm chung về môi trường mà còn là phần của một nỗ lực lớn hơn để hài hòa hóa chính sách thương mại và môi trường.

Thứ nhất, về giảm phát thải khí nhà kính, EVFTA đặt ra các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.

Thứ hai, về quản lý chất thải và ô nhiễm, EVFTA yêu cầu các biện pháp quản lý chất thải hiệu quả, giảm ô nhiễm, và kiểm soát chất thải nguy hại.

Thứ ba, về bảo tồn đa dạng sinh học, EVFTA có các điều khoản cụ thể về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái và các loài động, thực vật quý hiếm.

Thứ tư, về thực thi pháp luật môi trường, EVFTA yêu cầu Việt Nam cải thiện và thực thi luật pháp môi trường, với sự minh bạch và công bằng trong việc áp dụng các quy định.

Thứ năm, về hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, EVFTA khuyến khích hợp tác giữa EU và Việt Nam trong các vấn đề môi trường, bao gồm chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và công nghệ.

Thứ sáu, về cam kết theo các hiệp ước quốc tế, Việt Nam cam kết tuân thủ các điều ước quốc tế về môi trường quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học.

Tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường trong EVFTA không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam và EU đối với môi trường mà còn phản ánh xu hướng toàn cầu hóa mà trong đó, sự phát triển kinh tế được kết hợp chặt chẽ với trách nhiệm về môi trường và xã hội. Trong khi EVFTA và các FTA thế hệ mới khác mà Việt Nam tham gia đều hướng tới mục tiêu hài hòa hóa thương mại và bảo vệ môi trường, EVFTA đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn và cụ thể hơn trong lĩnh vực môi trường. Điều này vừa là một thách thức vừa là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực quản lý môi trường và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

1.3. Sự hài hòa giữa chính sách thương mại và bảo vệ môi trường trong EVFTA

EVFTA đã đặt ra các tiêu chuẩn cao về thương mại và bảo vệ môi trường, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững. Các quy định về thương mại trong EVFTA không chỉ tập trung vào việc giảm thuế quan và rào cản phi thuế quan mà còn đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, như quản lý chất thải, giảm phát thải khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này đồng nghĩa với việc Việt Nam cần thực hiện nhiều thay đổi trong quản lý môi trường và quy định thương mại. Điều này cung cấp cơ hội để nâng cao năng lực quản lý môi trường của Việt Nam và đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương nâng cấp công nghệ và quy trình để đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Thứ nhất, cam kết tiêu chuẩn cao giữa chính sách thương mại và bảo vệ môi trường trong EVFTA. EVFTA nêu bật cam kết mạnh mẽ của cả EU và Việt Nam đối với việc thúc đẩy thương mại tự do song song với việc bảo vệ môi trường. Hiệp định không chỉ nhấn mạnh vào việc giảm bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan để thúc đẩy thương mại mà còn đề ra các tiêu chuẩn môi trường cao. Điều này đòi hỏi cả hai bên phải tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế.

Thứ hai, sự hài hòa giữa têu cầu về bảo vệ môi trường với việc thực hiện các hoạt động thương mại. EVFTA đưa ra các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường, bao gồm quản lý chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, và bảo tồn đa dạng sinh học. Các yêu cầu này không chỉ là cam kết pháp lý mà còn thể hiện quan điểm rằng thương mại và môi trường có thể và nên đi đôi với nhau. Chúng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các hoạt động kinh tế mà vẫn bảo vệ môi trường.

2. Những thách thức và vấn đề đặt ra với công tác hoàn thiện pháp luật của Việt Nam đối với thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường trong EVFTA

2.1. Những thách thức đối với thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường trong EVFTA của Việt Nam

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn cao về môi trường đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc nâng cấp hệ thống quản lý môi trường và cải thiện công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn của EVFTA đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn và sự chuyển đổi trong quản lý doanh nghiệp. Thách thức đối với Việt Nam trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn cao về môi trường theo EVFTA rất đáng chú ý, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Những thách thức này cần được nhận diện và giải quyết một cách có hệ thống để Việt Nam có thể tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định này.

Thứ nhất, áp lực lên doanh nghiệp nhỏ và vừa. SMEs tại Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường cao do hạn chế về nguồn lực, chuyên môn và công nghệ. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường như giảm phát thải, quản lý chất thải, và bảo tồn đa dạng sinh học đòi hỏi SMEs phải đầu tư vào công nghệ mới và cải tiến quy trình sản xuất, điều này có thể vượt quá khả năng tài chính và quản lý của họ.

Thứ hai, nâng cấp hệ thống quản lý môi trường. Việc nâng cấp hệ thống quản lý môi trường đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn và sự chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc áp dụng các công nghệ xanh, quản lý chất thải hiệu quả, và giảm tiêu thụ năng lượng. Các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước để cập nhật công nghệ và học hỏi kinh nghiệm quản lý.

Thứ ba, sự chuyển đổi trong quản lý doanh nghiệp. Để đáp ứng các tiêu chuẩn của EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi cách thức hoạt động, từ việc quản lý chuỗi cung ứng đến quản lý rủi ro môi trường. Việc chuyển đổi này không chỉ đòi hỏi sự thay đổi về mặt kỹ thuật mà còn cần sự thay đổi về tư duy và chiến lược kinh doanh, nhằm tích hợp các yếu tố bảo vệ môi trường vào hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Thứ tư, sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế. Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế có thể hỗ trợ SMEs thông qua các chương trình tài chính, đào tạo và tư vấn kỹ thuật để họ có thể nâng cấp công nghệ và quản lý môi trường. Cần có các chính sách và cơ chế hỗ trợ cụ thể, như ưu đãi thuế, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và quản lý môi trường bền vững.

2.2. Vấn đề đặt ra với công tác hoàn thiện pháp luật của Việt Nam đối với thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường trong EVFTA

Quá trình hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh EVFTA đòi hỏi sự nỗ lực liên tục và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và các bên liên quan. Việc này không chỉ góp phần vào sự thành công của EVFTA mà còn đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của Việt Nam. Việt Nam cần phải xem xét và cập nhật hệ thống pháp luật của mình để phù hợp với các cam kết trong EVFTA, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường[2]. Cần thiết kế các chính sách và luật pháp vừa khả thi vừa hiệu quả, đảm bảo việc thực thi pháp luật một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu bảo vệ môi trường. Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa thương mại xuất nhập khẩu và phát triển bền vững, Việt Nam cần tiến hành nhiều bước quan trọng. Đầu tiên, cần nhận thức rõ lợi ích từ tăng trưởng xuất nhập khẩu và đồng thời nhận diện chi phí tuân thủ các quy định môi trường, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Một yếu tố then chốt là việc điều chỉnh pháp luật môi trường của Việt Nam để phù hợp với luật quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng khi phản ánh các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Để làm được điều này, cần có sự rà soát liên tục và hệ thống trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản pháp luật. Nghiên cứu pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia khác sẽ giúp Việt Nam dần dần tương thích với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, các quy định môi trường phải tạo điều kiện cho thương mại phát triển. Điều này bao gồm việc nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Việt Nam không chỉ về mặt chất lượng mà còn về hình ảnh liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Đây chính là yếu tố quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước[3].

Công tác hoàn thiện pháp luật của Việt Nam đối với thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường trong EVFTA được thể hiện thông qua các định hướng: i) Tích hợp môi trường vào chính sách thương mại nhằm đảm bảo, nâng cao tiêu chuẩn môi trường và ii) Nội luật hóa các quy định về bảo vệ môi trường theo EVFTA.

Thứ nhất, tích hợp cam kết môi trường vào chính sách thương mại nhằm đảm bảo, nâng cao tiêu chuẩn môi trường để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) là một bước quan trọng mà Việt Nam cần thực hiện.

Một là, xây dựng và thực thi pháp luật môi trường. Việt Nam cần xây dựng và cập nhật các quy định pháp luật liên quan đến môi trường để đảm bảo chúng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Việc này bao gồm cập nhật và sửa đổi các luật hiện hành, ban hành các quy định mới, và đảm bảo rằng các quy định này được thông tin rộng rãi đến công chúng và các doanh nghiệp.

Hai là, chính sách thương mại xanh. Tích hợp các yếu tố bảo vệ môi trường vào chính sách thương mại, như khuyến khích xuất khẩu sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng thuế quan ưu đãi cho hàng hóa “xanh”, và thúc đẩy thương mại các sản phẩm và dịch vụ có lợi cho môi trường. Thúc đẩy thương mại sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, bao gồm cả việc áp dụng các chính sách thuế quan và không thuế quan ưu đãi.

Việt Nam không chỉ thực hiện các cam kết theo EVFTA mà còn thúc đẩy một nền kinh tế thương mại bền vững và thân thiện với môi trường.

Thứ hai, nội luật hóa các quy định về bảo vệ môi trường theo EVFTA.

Một là, sửa đổi và bổ sung pháp luật hiện hành. Cần tiến hành sửa đổi và bổ sung các pháp luật môi trường hiện hành của Việt Nam để phù hợp với các yêu cầu và tiêu chuẩn môi trường trong EVFTA[4]. Điều này bao gồm việc xem xét và thay đổi các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm, và bảo tồn đa dạng sinh học.

Hai là, đối sánh tiêu chuẩn pháp luật quốc tế và Việt Nam. Cần thực hiện một quá trình so sánh chi tiết giữa các quy định môi trường trong EVFTA và pháp luật nội địa của Việt Nam để đảm bảo sự tương thích. Các điểm khác biệt cần được chỉnh sửa để đáp ứng các yêu cầu quốc tế.

Ba là, tạo ra các quy định thực thi cụ thể. Ngoài việc sửa đổi pháp luật, cần tạo ra các quy định thực thi cụ thể để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn môi trường được thực hiện một cách hiệu quả. Điều này bao gồm việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và thực thi các quy định này.

Tiêu chuẩn môi trường cần được tích hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam để đảm bảo rằng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường diễn ra đồng thời và hài hòa. Quá trình nội luật hóa các quy định về bảo vệ môi trường theo EVFTA là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự cố gắng liên tục từ phía chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, nó có thể tạo ra lợi ích lâu dài cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và thúc đẩy thương mại quốc tế.

C. Kết luận

EVFTA mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Việt Nam cần một chiến lược toàn diện, kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, để vừa hội nhập thành công vừa đảm bảo sự phát triển bền vững. Đáp ứng yêu cầu cam kết hội nhập trong lĩnh vực môi trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn môi trường của các thị trường xuất khẩu, đồng thời giảm cản trở thương mại, mở cửa cơ hội tiếp cận thị trường có yêu cầu cao về môi trường.

Tiêu chuẩn cao về môi trường của EVFTA là xu hướng mới trong cam kết về môi trường trong các FTAs nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa chính sách thương mại và bảo vệ môi trường.

[1] USAID (2017), Các vấn đề môi trường trong thương mại quốc tế, Hà Nội, tr.7.

[2] Centre for Sustainable Rural Development (2022), Báo cáo nghiên cứu đánh giá cam kết và thực thi chương 13 hiệp định EVFTA về thương mại và phát triển bền vững, quản trị rừng, Hà Nội, tr.33.

[3] Nguyễn Ngọc Quang (2021), Hoàn thiện chính sách về phát triển bền vững trong hiệp định evfta nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu của Việt Nam. < Hoàn thiện chính sách về phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu của Việt Nam (vioit.org.vn)> truy cập ngày 15/11/2023.

[4] Bùi Hải Thiêm, Trần Thị Quang Hồng (2022), Hoàn thiện pháp luật để thực hiện các cam kết về môi trường theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (462), tháng 7/2022.

ThS.Nguyễn Hữu Khánh Linh

ThS.Nguyễn Thị Hạnh

Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật, ĐH Huế

Bạn đang đọc bài viết Đánh giá mức độ tiêu chuẩn cao, hài hòa giữa chính sách thương mại và bảo vệ môi trường trong EVFTA. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới