Đánh giá mô hình cộng sinh công nghiệp và đề xuất thúc đẩy KTTH trong KCN Việt Nam (Bài 2)
Công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp tối ưu nhất nếu muốn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) hiệu quả trong khu công nghiệp (KCN) Việt Nam.
Với các mô hình, phương pháp thực hiện như chuỗi giá trị sinh thái và sử dụng công nghệ xanh, đã giúp khu công nghiệp sinh thái (KCNST) trở thành một mô hình phát triển công nghiệp bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho cả cộng đồng và doanh nghiệp tham gia. Và công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp tối ưu nhất nếu muốn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) hiệu quả trong khu công nghiệp (KCN) Việt Nam.
![Đánh giá mô hình cộng sinh công nghiệp và đề xuất thúc đẩy KTTH trong KCN Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 1](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/08/97-1738991822-qtcscn.jpg)
Cơ sở lý thuyết về khu công nghiệp sinh thái
Sinh thái công nghiệp (STCN) ra đời từ việc thay đổi quan niệm quản lý môi trường, dựa trên sự tương đồng giữa hệ sinh thái tự nhiên và quá trình sản xuất công nghiệp, với mục tiêu bền vững.
Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là một mô hình phát triển công nghiệp bền vững, kết hợp giữa các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Nguyên lý cơ bản của KCNST là cộng sinh công nghiệp, trong đó các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hợp tác với nhau để tận dụng các sản phẩm phụ, năng lượng và vật liệu thải của nhau, từ đó giảm thiểu chất thải và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Ngoài ra, KCNST còn chú trọng đến việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm và áp dụng các phương pháp kinh tế tuần hoàn, trong đó tài nguyên và sản phẩm được tái sử dụng và tái chế nhiều lần. Mục tiêu của KCNST không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng và tạo ra lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp thông qua việc giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất và tăng giá trị sử dụng đất. Các mô hình và phương pháp thực hiện như chuỗi giá trị sinh thái và sử dụng công nghệ xanh giúp KCNST trở thành một mô hình phát triển công nghiệp bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho cả cộng đồng và doanh nghiệp tham gia.
Theo đó, mục tiêu của STCN là: (1) Tối ưu hóa nguyên liệu (ít chất thải); (2) Tối ưu hóa năng lượng; và (3) Tối ưu hóa vốn (con người và tài chính). Về bản chất, Sinh thái học công nghiệp là hệ thống khép kín, tương tự hệ sinh thái tự nhiên với 6 đặc trưng: (1) Tương tự như hệ sinh học; (2) Quan điểm hệ thống; (3) Thay đổi về công nghệ; (4) Vai trò của các công ty; (5) Giảm sử dụng nguyên vật liệu và hiệu quả sinh thái; và (6) Luôn phát triển [10].
Như vậy, khuôn khổ công nghiệp bền vững là một hệ thống các yếu tố liên kết chặt chẽ với nhau, từ những khái niệm trừu tượng đến các hoạt động cụ thể. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải có một tầm nhìn rõ ràng, áp dụng các công cụ và phương pháp phù hợp và có sự hợp tác với các bên liên quan. Cụ thể:
- Phát triển bền vững: Đây là mục tiêu tổng quát và bao trùm nhất. Nó nhấn mạnh sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội.
- Kinh tế tuần hoàn: Là một mô hình kinh tế hướng tới việc giảm thiểu chất thải, tái sử dụng và tái chế nguồn lực. Nó là một con đường quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
- Phân tích vòng đời: Công cụ này giúp đánh giá tác động môi trường của một sản phẩm trong suốt vòng đời của nó, từ khâu khai thác nguyên liệu đến khi sản phẩm được thải bỏ.
- Thiết kế sinh thái: Là một phương pháp thiết kế sản phẩm và quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
- Sinh thái công nghiệp: Mô hình này khuyến khích các doanh nghiệp trong một khu vực cùng hợp tác, tạo ra một chuỗi giá trị khép kín, giảm thiểu chất thải và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
![Đánh giá mô hình cộng sinh công nghiệp và đề xuất thúc đẩy KTTH trong KCN Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 2](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/08/97-1738991406-hinh-cir.jpg)
[Nguồn: chỉnh sửa từ CIRAIG (2015)]
Khái niệm khu công nghiệp sinh thái
Nhiều nghiên cứu đã đưa ra các định nghĩa về KCNST. Nhìn chung các khái niệm dần dần được hoàn thiện theo thời gian cùng với sự phát triển và phổ biển của mô hình KCNST.
Bảng tổng hợp các khái niệm về khu công nghiệp sinh thái
Tác giả | Khái niệm KCNST |
Lowe và cộng sự (1995) | KCNST là một cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ cùng tìm kiếm sự cải thiện trong hoạt động của mình đứng trên khía cạnh kinh tế và môi trường, thông qua sự kết hợp trong việc quản lý các vấn đề liên quan đến môi trường và tài nguyên. |
PCSD (1996) | KCNST bao gồm một cộng đồng các doanh nghiệp hợp tác với nhau và với cộng đồng xung quanh để chia sẻ tài nguyên một cách hiệu quả (bao gồm thông tin, nguyên vật liệu, nước, năng lượng, cơ sở hạ tầng và môi trường tự nhiên). |
Heinz và cộng sự (2015) | KCNST là một tập hợp các doanh nghiệp cùng chia sẻ các nguồn tài nguyên nhằm gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu các tác động tiêu cực với môi trường. Triển khai mô hình KCNST sẽ góp phần đáng kể trong việc xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững. |
UNIDO (2017) | KCNST được định nghĩa là một khu vực dành cho các hoạt động công nghiệp được xây dựng trên nhằm đảm bảo tính bền vững thông qua việc tích hợp các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường. Thuật ngữ KCNST xanh được sử dụng cho các KCNST hoàn toàn mới và thuật ngữ KCNST nâu được sử dụng cho các KCN được chuyển đổi sang mô hình KCNST. |
Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (2018) | KCNST là KCN, trong đó có các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của doanh nghiệp. |
Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (2022) | Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định này (NĐ35. |
Nguồn: Tổng hợp từ nhiều nguồn
Tổng hợp lại, KCNST có thể được hiểu làKCN trong đó cộng đồng các doanh nghiệp bên trong liên kết với nhau để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. KCNST là một cộng đồng phát triển một cách hài hòa và thân thiện với môi trường và dân cư xung quanh. Để đạt được điều đó, các doanh nghiệp bên trong KCN không chỉ chia sẻ cùng các nguồn tài nguyên như nguyên vật liệu đầu vào, nước, chất thải, thông tin và nguồn lao động với nhau mà còn chia sẻ với cộng đồng và doanh nghiệp xung quanh (bên ngoài phạm vi của KCN).
Chức năng, vai trò và lợi íchcủa khu công nghiệp sinh thái
![Đánh giá mô hình cộng sinh công nghiệp và đề xuất thúc đẩy KTTH trong KCN Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 3](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/08/97-1738992163-kcnst.jpg)
Theo UNIDO (2017), mục tiêu và chức năng của KCNST bao gồm:
(1) Xác định cộng đồng có chung lợi ích và đưa cộng đồng đó vào KCN.
(2) Giảm thiểu tác động môi trường và dấu chân sinh thái.
(3) Tối đa hóa sử dụng hiệu quả năng lượng.
(4) Tiết kiệm các vật liệu qua thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất, tái sử dụng, phục hồi và tái chế.
(5) Kết nối hoặc tạo ra mạng lưới giữa các công ty với nhà cung cấp và khách hàng trong một cộng đồng lớn hơn có KCNST.
(6) Không ngừng cải thiện hiệu quả hoạt động môi trường.
(7) Có hệ thống quy định.
(8) Sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường.
(9) Sử dụng hệ thống quản lý thông tin.
(10) Tạo ra cơ chế đào tạo các nhà quản lý và nhân viên.
(11) Sắp xếp các hoạt động quảng cáo để thu hút khách hàng, tăng tỉ lệ lấp đầy KCN và bổ sung các lĩnh vực kinh doanh khác.
Phát triển KCNST ở Việt Nam dựa trên cơ sở lý thuyết sinh thái công nghiệp đóng góp trực tiếp vào chiến lược phát triển bền vững quốc gia với 3 trụ cột chính là kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, phát triển KCNST tại Việt Nam có vai trò:
- Giải quyết các vấn đề hiện tại trong phát triển KCN: KCN ở Việt Nam còn gặp khó khăn như hiệu quả sử dụng đất thấp, ô nhiễm môi trường, thiếu liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong và ngoài KCN, và hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
- Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững: KCNST góp phần vào chiến lược phát triển bền vững quốc gia, cải thiện hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh. KCNST giúp chuyển đổi mô hình kinh tế sang kinh tế tuần hoàn, sử dụng tài nguyên hiệu quả và giảm thiểu tác động môi trường.
- Lợi ích kinh tế và môi trường: Theo UNIDO, phát triển KCNST có thể đóng góp từ 0,8% đến 7% vào tăng trưởng GDP, tạo thêm việc làm và giảm từ 8%-70% lượng khí thải, giúp quốc gia đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Tiêu chí xây dựng khu công nghiệp sinh thái
![Đánh giá mô hình cộng sinh công nghiệp và đề xuất thúc đẩy KTTH trong KCN Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 4](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/08/97-1738993001-kcnx-duoc-uu-tien-ho-tro-phat-trien-ve-co-so-ha-tang.jpg)
Mỗi quốc gia hiện đang nỗ lực xây dựng cho mình bộ tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái, việc hiểu rõ ý tưởng về bộ tiêu chí này là quan trọng, là định hướng khung để các KCN xây mới hoặc chuyển đổi KCN bám sát và thực hiện thành công từng bước trong tiến trình sinh thái hóa khu công nghiệp của mình.
Tại Việt Nam, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) đã đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định một KCN được công nhận là KCN sinh thái (KCNST). Các tiêu chí này bao gồm:
- Tiêu chí đối với nhà đầu tư: Tuân thủ pháp luật về đầu tư, môi trường, lao động và xây dựng; cung cấp đầy đủ dịch vụ cơ bản cho KCN; giám sát sử dụng tài nguyên, chất thải và báo cáo định kỳ về hiệu quả tài nguyên và phát thải.
- Tiêu chí đối với doanh nghiệp: Tuân thủ các quy định pháp luật; thực hiện ít nhất một hoạt động cộng sinh công nghiệp; tối thiểu 20% doanh nghiệp áp dụng giải pháp tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải.
- Tiêu chí đối với KCN: Đảm bảo 25% diện tích dành cho cây xanh, giao thông và hạ tầng xã hội; có giải pháp nhà ở và tiện ích cho lao động.
Tuy nhiên, các tiêu chí này vẫn còn một số nhược điểm. Thứ nhất, mối quan hệ CSCN chủ yếu được hình thành tự nguyện, do đó, việc yêu cầu ít nhất một liên kết CSCN có thể không đủ hiệu quả nếu không xác định rõ tính lan tỏa và hiệu quả kinh tế. Thứ hai, các tiêu chí chưa chú trọng đến hiệu quả thực tế, đặc biệt là trong việc giảm thiểu chi phí và tăng doanh thu từ việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn.
Mặc dù vậy, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP là một bước khởi đầu quan trọng trong việc thể chế hóa mô hình KCNST tại Việt Nam. Trước đó, Nghị định 82/2018/NĐ-CP đã đưa ra các chỉ tiêu sơ bộ, và UNIDO (Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc) đã đề xuất 20 chỉ tiêu kỹ thuật, môi trường và 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội để đánh giá và xếp hạng các KCNST tại Việt Nam. Các tiêu chí này được phân nhóm theo các nhóm chính sau:
- Nhóm tiêu chí về tuân thủ pháp luật: Bao gồm tuân thủ quy định pháp luật, báo cáo định kỳ, và thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
- Nhóm tiêu chí về kinh tế: Tập trung vào việc giảm chi phí, tăng doanh thu, và giảm tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng.
- Nhóm tiêu chí về môi trường: Giảm phát thải, giảm rác thải, thúc đẩy cộng sinh công nghiệp.
- Nhóm tiêu chí xã hội: Tăng lương, phúc lợi cho lao động và cải thiện hạ tầng xã hội trong KCN.
Các tiêu chí này nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững trong KCN, giúp tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống cho người lao động.
Kinh nghiệm quốc tế về khu công nghiệp sinh thái
![Đánh giá mô hình cộng sinh công nghiệp và đề xuất thúc đẩy KTTH trong KCN Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 5](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/08/97-1738991819-kal.jpg)
Vào những năm 1990, các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Canada bắt đầu áp dụng các khái niệm KCNST trong thiết kế khu công nghiệp, trong khi các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ cũng bắt đầu triển khai. Mục tiêu chính trong giai đoạn này là quản lý chất thải và giảm ô nhiễm.
- Đan Mạch: Sự phát triển CSCN ở Kalundborg, Đan Mạch là ví dụ điển hình của KCNST, bắt đầu từ các trao đổi sản phẩm độc lập giữa 5 công ty lớn (nhà máy điện, lọc dầu, công nghệ sinh học, thạch cao, xử lý đất) và hệ thống đô thị địa phương. KCN này phát triển tự phát, không có kế hoạch liên kết ban đầu, mà từ nhu cầu giảm chi phí xử lý chất thải và tìm kiếm vật liệu, năng lượng rẻ hơn. [11]
- Ý: KCN Porto Marghera ở Venice là một ví dụ điển hình về thất bại trong ứng dụng STCN. Mặc dù vào cuối những năm 1990, các công ty và hiệp hội ngành hóa chất đã ký Hiệp định Công nghiệp hóa chất nhằm tạo ra điều kiện lý tưởng cho CSCN, với các biện pháp giám sát và quản lý môi trường, nhưng đến đầu những năm 2000, sự suy thoái bắt đầu xảy ra. Hàng loạt công ty hóa chất chủ chốt giải thể hoặc chuyển đổi, làm suy giảm khả năng duy trì các mối quan hệ cộng sinh cũ, đặc biệt khi các công ty này đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng. [12]
- Trung Quốc: KCNST được giới thiệu ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990 như một phần của chiến lược KTTH. Ban đầu, các chương trình KCNST và kinh tế tuần hoàn chỉ được xem như chiến lược môi trường, nhưng sau đó được công nhận là chiến lược kinh tế. Năm 2004, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia triển khai các chương trình ở ba cấp độ: khuyến khích sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp, thúc đẩy CSCN và KCNST tại KCN, và thiết lập mạng lưới STCN tại khu vực. [12]
Cơ sở pháp lý về khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam
- Nghị định số 35/2022/NĐ-CP:
Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý và phát triển KCNST tại Việt Nam, bao gồm các chính sách, tiêu chí, và ưu đãi cụ thể như sau:
- Chính sách hỗ trợ và hợp tác: Điều 36 hỗ trợ về đầu tư, kết nối CSCN, khoa học công nghệ, và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KCN và các bên thứ ba để thực hiện CSCN, với sự chia sẻ lợi ích và chi phí theo quy định pháp luật.
- Tiêu chí xác định KCNST: Điều 37 quy định tiêu chí cho ba nhóm chủ thể:
- Nhà đầu tư: Cam kết về ngành nghề, phát thải, và phương án CSCN.
- Doanh nghiệp trong KCN: Phải thực hiện ít nhất 1 hoạt động CSCN và 20% doanh nghiệp áp dụng giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên.
- KCN: Có ít nhất 25% diện tích dành cho cây xanh, giao thông, và hạ tầng xã hội dùng chung.
- Xây dựng mới KCNST: Điều 38 yêu cầu nhà đầu tư đăng ký ngành nghề, dự kiến mức phát thải, phương án CSCN và giám sát việc sử dụng nguyên liệu, năng lượng, chất thải.
- Ưu đãi cho KCNST và doanh nghiệp sinh thái: Điều 39 cung cấp ưu đãi về vay vốn từ các quỹ, tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư.
- Chứng nhận KCNST và doanh nghiệp sinh thái: Điều 40-45 quy định về quy trình cấp chứng nhận, theo dõi, giám sát, và thu hồi chứng nhận nếu không đáp ứng tiêu chí về môi trường, tài nguyên, và CSCN.
- Các luật và nghị định liên quan:
Bên cạnh Nghị định 35/2022, còn có nhiều luật và nghị định khác có liên quan đến phát triển KCN sinh thái, như:
- Luật Đầu tư: Quy định về các hình thức đầu tư, thủ tục đầu tư vào KCN.
- Luật Môi trường: Đặt ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh tại KCN.
- Luật Đất đai: Quy định về sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án KCN.
- Luật Quy hoạch: Quy định về quy hoạch, lập và phê duyệt quy hoạch các KCN.
- Các chiến lược, quy hoạch
Các chiến lược và quy hoạch quốc gia, ngành cũng đề cập đến việc phát triển KCN sinh thái, như:
- Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh: Nhấn mạnh vai trò của KCN sinh thái trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế xanh.
- Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN: Xác định các địa điểm phù hợp để phát triển KCN sinh thái, đồng thời đưa ra các yêu cầu về quy hoạch, thiết kế KCN.
(Còn tiếp)
Nhóm tác giả:
TS. LS. Doanh nhân Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền)
TS. Tạ Thị Yến (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)
Nhà báo Nguyễn Thiệu Anh (Tạp chí Kinh tế Môi trường - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ellen MacArthur Foundation (2019), The New Plastics Economy, Rethinking the Future of Plastics, World Economic Forum & McKinsey Center for Business and Environment.
- Bùi Thị Hoàng Lan (2020), Phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 8/2020.
- Thu Trang (2019), “Cần áp dụng kinh tế nhựa tuần hoàn”, Báo Tin tức Thông tấn xã Việt Nam.
- Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (2020), Hồ sơ rác thải nhựa đại dương.
- Bùi Văn Huyền, Nguyễn Ngọc Toàn (2021), Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay, Viện Kinh tế, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính.
- Trần Linh Hương (2020), Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Tạp chí Thông tin Khoa học Chính trị - Số 03 (20).
- Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2020), Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Bạch Hồng Việt (2021), Phát triển kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp ở Việt Nam, Phát triển bền vững vùng quyển 11, số 2.
- Lifset, R.L and T.E. Graedel (2002). Industrial ecology: goals and definitions. In Ayres, R.U and L.W Ayres eds. (2002). Handbook of Industrial Ecology. Northampton, MA: Edward Elgar, pp.3-15
- UNC (University of North Carolina) (2008). Camden country green industrial park feasibility study.
- Ban, Yong-Un, Ji-Hyeong Jeong and Sang-Kyu Jeong (2015). Assessing the performance of carbon dioxide emission reduction of commercialized eco-industrial park projects in South Korea. Journal of Cleaner Production, 114, pp.124-131.
- Park, S., and Jae-Yeon Won (2008). Ulsan eco-industrial park challegens and opportunities, Journal of industrial ecology, pp. 11-13.
- Chertow, M. R. (2000). Industrial symbiosis: Literature and taxonomy. Annual Review of Energy and the Environment, 25, 313-337.