Thứ sáu, 22/11/2024 09:57 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/04/2022 16:00 (GMT+7)

Đánh đổi thiên nhiên lấy cầu Mã Đà: Làm rõ chuyện được – mất

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh Bình Phước muốn làm cầu Mã Đà kết nối với sân bay Long Thành để phát triển kinh tế nhưng phía tỉnh Đồng Nai không đồng ý vì lo ngại phá vỡ môi trường thiên nhiên.

Lợi kinh tế, thiệt môi trường

Tỉnh Bình Phước là cầu nối giữa khu vực miền Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên và nước bạn Campuchia, thông qua hệ thống Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 và các tuyến tỉnh lộ. Với hiện trạng giao thông đang có, từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên muốn về sân bay Long Thành đều phải "đi nhờ" qua địa bàn của tỉnh Bình Dương và một phần của TP.HCM, vừa phát sinh chi phí cao vừa giảm sức cạnh tranh.

Chính vì thế, tháng 3/2022, tỉnh Bình Phước kiến nghị Chính phủ xem xét đồng ý việc xây cầu Mã Đà bắc qua sông Mã Đà, nối Bình Phước và Đồng Nai. Cầu Mã Đà dự kiến có chiều rộng mặt cầu 11 m, dài 90 m, bắc qua sông Mã Đà. Công trình nằm trong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường TL 753 có chiều dài 30 km, quy mô cấp III với tổng mức đầu tư là 655 tỉ đồng, sử dụng ngân sách của tỉnh, đã được UBND tỉnh này phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2021.

Nếu cầu Mã Đà được xây dựng, sẽ giúp kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, rút ngắn 60km so với lộ trình hiện nay. Ngoài ra, khi có cầu Mã Đà, tuyến đường từ cảng Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), theo Quốc lộ 51, đường tỉnh 767, đường tỉnh 761, đường tỉnh 753, Quốc lộ 14 đi Tây Nguyên, rẽ sang Quốc lộ 13 qua Campuchia ra vịnh Thái Lan; trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế.

Đánh đổi thiên nhiên lấy cầu Mã Đà: Làm rõ chuyện được – mất - Ảnh 1
Vị trí cầu Mã Đà nối Bình Phước và Đồng Nai (Nguồn Invert.vn).

Tuy nhiên, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ tác động tới Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (KBT) và Vườn Quốc gia Cát Tiến (đã được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới). Bởi, nếu mở đường ĐT 753 và xây cầu Mã Đà sẽ hình thành tuyến quốc lộ 13C (nâng cấp từ đường ĐT 753) xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng (40 km) trong KBT sẽ gây phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng sinh cảnh sống của các loài động vật quý, hiếm, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di tích lịch sử cách mạng và gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ diện tích rừng.

Theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đã có quy định trong khu vực KBT, Vườn Quốc gia chỉ được xây dựng những công trình liên quan đến phục vụ an ninh quốc phòng và xây dựng với quy mô và mức độ nhà nước cho phép, điển hình như làm các chòi, trạm quốc phòng.

Ngoài ra, không được thực hiện bất kì hoạt động phục vụ nào, du khách chỉ được đến đây để tham quan. Đồng thời theo luật, nghiêm cấm mọi hoạt động phá huỷ vùng lõi của các vùng quốc gia, xâm phạm đến KBT Quốc gia, đặc biệt là vùng lõi rừng đặc dụng.

“Quan điểm của Chính Phủ từ trước đến nay rất rõ ràng, không được đánh đổi yếu tố môi trường để phát triển kinh tế. Mọi phương án phát triển đề ra, phải đáp ứng được hai yếu tố: Đảm bảo phù hợp với tình hình hiện tại và đúng quy định pháp luật. Tuyệt đối không ủng hộ việc phá huỷ Vườn Quốc gia” - PGS.TS Phùng Chí Sỹ nói.

Phía tỉnh Đồng Nai cũng không đồng tình trước đề xuất của tỉnh Bình Phước từ năm 2013 vì chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể dự án đầu tư phát triển KBT giai đoạn 2012-2020 và làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ diện tích rừng hiện hữu, khả năng sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm.

Đến năm 2021, tỉnh Đồng Nai tiếp tục phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của KBT để thể hiện rõ quan điểm giữ thiên nhiên trên địa bàn. Trong phương án này đã nêu rõ mục tiêu hạn chế phát triển dân cư trong KBT, di dời và ổn định dân cư 2 xã Mã Đà và Hiếu Liêm trong vùng lõi của KBT, đầu tư tuyến đường ven hồ Trị An đi đến thay thế tuyến đường ĐT 761 xuyên qua khu vực rừng KBT.

Đánh đổi thiên nhiên lấy cầu Mã Đà: Làm rõ chuyện được – mất - Ảnh 2
Đây là khu vực đang được Bình Phước đề xuất nghiên cứu, dự tính triển khai làm cầu Mã Đà và đường nối Bình Phước với Đồng Nai (Nguồn Invert).

Cần tìm giải pháp mới

TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho việc phát triển của các tỉnh. Thực tế hiện nay, việc tận dụng hết tiềm năng của sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều hạn chế, nên nếu có thể xây dựng đường kết nối đến sân bay Long Thành thì sẽ rất tốt cho sự phát triển nhiều ngành nghề.

Tuy nhiên, việc bảo tồn thiên nhiên cũng rất hệ trọng, mang tính chất lâu dài và ảnh hưởng đến môi trường sống trong tương lai. Vì thế, mọi hoạt động kinh tế phải được diễn ra đảm bảo không đụng đến sự an toàn động vật, sinh thái thuộc KTB.

“Cần phải tổ chức các cuộc họp tranh luận, chỉ ra được những lợi ích và rủi ro ảnh hưởng khi thực hiện dự án này. Bên cạnh đó, điều này phải được thực hiện bởi những đơn vị có chuyên môn như nhà tư vấn kỹ thuật của KTB, nhà tư vấn công trình để phân tích kỹ trước khi đưa ra quyết định”, ông Cương nêu ý kiến.

Theo TS. Võ Kim Cương, cần cụ thể hoá nhiều phương án để có thể vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường, xem xét cân đối lợi ích giữa 2 vấn đề này. Nếu không thể xâm phạm vào khu vực KBT thì phải có hướng đi mới, xem xét và chọn lại tuyến đường khác để khai thác.

Từ năm 2004, KBT thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (khu vực SA5 - lưu vực sông Đồng Nai - WWF, 2001) nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”. Là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF 2003-2004).

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia MAB Việt Nam đã ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm, việc xây cầu sẽ hình thành tuyến đường 40 km xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận năm 2011, gây chia cắt hệ sinh thái, mất liên kết hành lang đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới sinh cảnh các loài động vật quý hiếm.

Phương tiện đi lại có thể gây chết động vật hoang dã; việc thi công xây dựng sẽ gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Tất cả các tác động này sẽ kéo theo hậu quả suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và không đảm bảo các tiêu chí cũng như chức năng của một khu Dự trữ sinh quyển thế giới mà UNESCO đã công nhận cho Việt Nam.

Việc làm này, theo GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, là đi ngược lại ưu tiên bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học theo Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học.

“Đây là hoạt động vi phạm nghiêm trọng Chiến lược Seville của UNESCO/MAB, đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015 - 2025, Kế hoạch hành động Lima 2016 - 2025, tạo tiền lệ xấu trong cộng đồng 929 khu dự trữ sinh quyển thế giới và nếu tổ chức UNESCO can thiệp, thì sẽ bị thu hồi danh hiệu. Việt Nam đã cam kết phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyền thế giới, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết”, GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí thẳng thắn.

Huỳnh Huỳnh

Bạn đang đọc bài viết Đánh đổi thiên nhiên lấy cầu Mã Đà: Làm rõ chuyện được – mất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.