Thứ bảy, 23/11/2024 19:04 (GMT+7)
Thứ bảy, 14/08/2021 07:51 (GMT+7)

Đại dịch Covid-19 và những tác động lên môi trường toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động gián tiếp lên môi trường toàn cầu. Có những ảnh hưởng mang tính tích cực và cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống.

Suy giảm hiệu ứng nhà kính

Theo đánh giá của các chuyên gia, đại dịch Covid-19 có tác động mạnh mẽ nhất làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế xã hội nhân loại kể từ đại chiến thế giới thứ 2.

Đại dịch Covid-19 và những tác động lên môi trường toàn cầu - Ảnh 1
(Ảnh minh hoạ)

Đã có những nghiên cứu, đánh giá và phân tích về tác động gián tiếp của virus SARS-CoV-2 lên môi trường toàn cầu. Có những ảnh hưởng mang tính tích cực và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống.

Các chuyên gia đã đánh giá những mặt tích cực của đại dịch là suy giảm hiệu ứng nhà kính một cách mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Sự hạ thấp mức ô nhiễm khí nhà kính là nhờ vào các biện pháp giãn cách xã hội mà các nước đã và đang áp dụng.

Một ví dụ điển hình tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi dịch khởi phát từ Vũ Hán, giãn cách xã hội và phong tỏa được áp dụng từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, sau đó là toàn bộ đất nước Trung Quốc. Kết quả của các biện pháp này là nhiều nhà máy phát điện, khu công nghiệp đã giảm mạnh sản lượng.

Việc sử dụng các phương tiện giao thông vận tải cũng được giảm nhiều, đặc biệt nhiều tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ ngừng hoạt động, dẫn đến việc sụt giảm mạnh mẽ nồng độ NO2 và bụi mịn dưới 2,5 micromet (PM2,5).

Tương tự, ở châu Âu, ô nhiễm không khí đã giảm mạnh khi chính quyền các nước yêu cầu người dân ở trong nhà để giảm lây lan virus, các ngành công nghiệp và hoạt động cơ bản khác đã bị cắt giảm, nhờ đó môi trường không khí được cải thiện. Điển hình là sự giảm sử dụng xe hơi đã làm giảm mạnh nồng độ khí nhà kính và NO2 ở các nước như Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha.

Cải thiện chất lượng không khí

Chất lượng không khí là yếu tố cơ bản cho sức khỏe con người. Theo báo cáo của một nghiên cứu, những tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã thực hiện hạn chế nghiêm ngặt về đi lại, tự cách ly để ngăn chặn đại dịch Covid-19 và hành động này đã làm thay đổi về ô nhiễm không khí.

Nồng độ NO2 đã giảm 22,8 microgram/m3 ở Vũ Hán và 12,9 microgram/m3 ở toàn quốc, bụi mịn PM2,5 cũng giảm 1,4 microgram/m3 ở Vũ Hán và giảm 18,9 microgram/m3 ở 367 thành phố khác.

Trong cùng thời điểm, các nơi khác như Thủ đô Paris của Pháp, Madrid của Tây Ban Nha là những thành phố đầu tiên ở châu Âu sử dụng biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Do đó nồng độ N02 đo ngày 14/3/2020 cũng đã giảm mạnh mẽ so với cùng thời điểm năm 2019.

Các thông số môi trường khác cũng đã có sự cải thiện trong đại dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng ở hầu hết các nước nên hoạt động du lịch bị ngưng lại, bãi biển trở nên vắng người. Kết quả, thải rác ở các điểm du lịch cũng giảm mạnh, bãi biển… trở nên sạch hơn. Tiếng ồn ở đô thị và các điểm công cộng cũng giảm do người dân không được tập trung, hoạt động buôn bán bị dừng lại, xe cộ bị hạn chế lưu thông.

Gia tăng chất thải ra môi trường

Mặc dù đã có những ảnh hưởng gián tiếp tích cực lên môi trường nhưng virus SARS-CoV-2 cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Chẳng hạn, một số thành phố ở Mỹ, châu Âu đã hoãn các chương trình tái sử dụng chất thải vì lo ngại sự lây nhiễm virus.

Đồng thời, các hoạt động phân loại rác thải cũng bị đình trệ. Mặt khác, những cửa hàng trước kia khuyến khích người dân tái sử dụng túi đựng hàng nay chỉ sử dụng túi dùng một lần và đã cấm sử dụng lại các dụng cụ như cốc, chén, đĩa… Chính vì vậy, lượng rác thải của các gia đình cũng như đô thị tăng lên, làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.

Đặc biệt là chất thải y tế tăng lên rất mạnh, tại các bệnh viện tăng 2 – 4 lần do tăng trang phục, khẩu trang, găng tay. Người dân cũng được khuyến khích sử dụng khẩu trang và được thay thường xuyên.

Khẩu trang đã qua sử dụng người dân thải ra môi trường đã làm tăng số lượng rác thải. Nhiều khu cách ly với hàng chục nghìn người được cung cấp khẩu trang và quần áo bảo hộ cũng như thực phẩm chế biến sẵn đã góp phần tạo nên lượng rác lớn thải ra môi trường.

Ước tính trong 6 tháng vừa qua, cả nước ta đã sử dụng hàng trăm triệu khẩu trang, hàng triệu bộ quần áo bảo hộ cùng nhiều trang thiết bị, bơm kim tiêm, dây chuyền dịch, thuốc men và tất cả những thứ đó trở thành chất thải nguy hại. Để bảo đảm an toàn, nhiều khu cách ly, bệnh viện, khu xử lý chất thải đô thị đã sử dụng biện pháp đốt chất thải y tế, dẫn đến ô nhiễm không khí.

Để phòng chống dịch, xử lý môi trường, người ta cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng, chủ yếu là Chlorine. Các hóa chất này cũng rất độc hại cho môi trường. Có thể nói, Covid-19 đã ảnh hưởng tích cực và tiêu cực gián tiếp lên môi trường nhưng ảnh hưởng tiêu cực sẽ lớn hơn.

Sự giảm nồng độ khí nhà kính trong thời gian ngắn không phải là cách bền vững để làm trong sạch môi trường. Chính đại dịch mang đến nhiều vấn đề môi trường lâu dài mà chúng ta chưa đánh giá được hết.

Minh Dương (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đại dịch Covid-19 và những tác động lên môi trường toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới