Thứ sáu, 22/11/2024 21:03 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/12/2022 17:15 (GMT+7)

COP15: Tăng cường hỗ trợ tài chính để bảo tồn các hệ sinh thái toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Tại COP15, nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái toàn cầu đã nhận được động lực mới sau khi có thêm 6 nước phát triển cam kết tăng các khoản hỗ trợ tài chính cho các nước thu nhập thấp hơn để giải quyết vấn đề này.

Bao phủ khoảng 70% diện tích bề mặt Trái Đất, các đại dương giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với sự sống trên đất liền, song phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng. Các đại dương hấp thụ khoảng 25% khí thải CO2 khiến nước biển bị acid hóa, đe dọa các chuỗi thức ăn trong lòng đại dương đồng thời làm giảm khả năng hấp thụ carbon của các đại dương.

Ngoài ra, các đại dương cũng hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ tình trạng ấm lên toàn cầu, do đó các đợt sóng nhiệt xuất hiện ngày càng nhiều trong lòng đại dương, khiến nhiều rạn san hô quý chết đi và gia tăng những vùng biển chết thiếu oxy.

Trong bối cảnh đó, vấn đề các nước giàu sẽ hỗ trợ tài chính cho các nước có thu nhập thấp hơn để bảo tồn hệ sinh thái được xem là một trong những vấn đề gai góc nhất tại COP15. Tuy nhiên, tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) đang diễn ra ở Montreal (Canada), nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái toàn cầu đã nhận được động lực mới sau khi có thêm 6 nước phát triển cam kết tăng các khoản hỗ trợ tài chính cho các nước thu nhập thấp hơn để giải quyết vấn đề này.

COP15: Tăng cường hỗ trợ tài chính để bảo tồn các hệ sinh thái toàn cầu - Ảnh 1
Thêm 6 nước phát triển cam kết tăng các khoản hỗ trợ tài chính, thúc đẩy nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái toàn cầu.

Từ ngày 7-19/12/2022, Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) diễn ra tại Montreal, Quebec, Canada, dự kiến sẽ đặt ra mức độ tham vọng cho thập kỷ tới và có hành động mạnh mẽ để đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học hiện nay. Phái đoàn các nước hiện đang dự họp COP15 từ ngày 7-19/12 nhằm đạt được thỏa thuận khung kéo dài trong 10 năm hướng tới việc bảo vệ rừng, đại dương và các sinh vật trên khắp hành tinh.

Mới đây, Australia, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Mỹ đã đưa ra cam kết tăng viện trợ tài chính hỗ trợ các nước thu nhập thấp bảo tồn hệ sinh thái. Trước đó, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đều điều chỉnh tăng cam kết viện trợ.

Cao ủy châu Âu về Môi trường, đại dương và nghề cá Virginijus Sinkevicius nhấn mạnh những cam kết mới này là một bước tiến vô cùng quan trọng, trong khi người đứng đầu bộ phận vận động toàn cầu của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Claire Blanchard cho rằng những cam kết mới và những cam kết hiện có là một tín hiệu tốt thể hiện ý chí chính trị rất cần thiết tại COP15.

Những cam kết trên được đưa ra trong bối cảnh hàng chục quốc gia đang phát triển trong đó có Brazil, Ấn Độ, Indonesia và nhiều quốc gia châu Phi đang tìm kiếm nguồn tài trợ tham vọng hơn từ các nước giàu cho đến năm 2030 là 100 tỷ USD/năm, tương đương 1% GDP toàn cầu, so với mức hiện nay là khoảng 10 tỷ USD/năm.

Các nước đang phát triển cũng muốn có một quỹ đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) mới để hỗ trợ các nước này thực hiện được các mục tiêu đề ra, ví dụ như thành lập các khu bảo tồn. Tuy nhiên, vấn đề này đang vấp phải sự phản đối của các nước phát triển. Thay vào đó, những nước giàu có đề xuất đảm bảo cơ chế tài chính hiện tại dễ tiếp cận hơn. 

Tương lai của hành tinh đang gặp nguy và các hoạt động của con người gây phá hủy môi trường sống, ô nhiễm và dẫn tới cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa đẩy hàng triệu loài động, thực vật tới nguy cơ tuyệt chủng.

Thực tế cho thấy, đa dạng sinh học, sự đa dạng của mọi sự sống trên trái đất đang bị mất đi với tốc độ đáng báo động. Các hệ sinh thái, từ rừng và sa mạc đến nước ngọt và đại dương, đang suy giảm nghiêm trọng. Một triệu loài thực vật và động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sự đa dạng di truyền đang biến mất. Đa dạng sinh học là nền tảng cho cuộc sống và sinh kế của con người, bởi chúng cung cấp nguồn tài nguyên thiết yếu và các chức năng của hệ sinh thái để duy trì sự sống của con người, bao gồm sản xuất lương thực, lọc không khí và nước, và ổn định khí hậu. Các hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh chúng ta đang bị đe dọa.

Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc bao gồm các cuộc họp đồng thời của các cơ quan chính phủ thành viên Công ước và các Nghị định thư của nó, bao gồm cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các Bên tham gia Công ước (COP15), cuộc họp lần thứ 10 của Hội nghị các Bên tham gia Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học (MOP10) , và cuộc họp lần thứ tư của Hội nghị các Bên tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học (MOP4).

COP15 dự kiến sẽ thông qua khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) sau năm 2020, trong đó sẽ đặt ra một kế hoạch mới nhằm thay đổi mối quan hệ của xã hội với đa dạng sinh học và đảm bảo tầm nhìn của Công ước về sống hài hòa với thiên nhiên đến năm 2050 được thực hiện. Các cuộc đàm phán về GBF vẫn đang được tiến hành bởi các nhóm công tác (Working Group I và Working Group II)của COP15 sau khi cuộc họp lần thứ 5 của Nhóm Công tác mở rộng (OEWG) kết thúc vào ngày 5 tháng 12 mà không đạt được sự thống nhất về Dự thảo của GBF.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết COP15: Tăng cường hỗ trợ tài chính để bảo tồn các hệ sinh thái toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới