"Cơ hội chưa từng có" để đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học tại COP15
Tại COP27, các nhà đàm phán Hiệp định Paris kêu gọi các quốc gia tham dự hội nghị COP15 về đa dạng sinh học sắp tới nỗ lực hợp tác để đạt được một thỏa thuận và một khuôn khổ đa dạng sinh học "có tầm ảnh hưởng lớn" nhằm bảo vệ thiên nhiên đến năm 2030.
Ngày 16/11, các nhà đàm phán xây dựng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã kêu gọi đạt được một thỏa thuận tham vọng về bảo vệ thiên nhiên tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) vòng 2, dự kiến diễn ra tại Montreal (Canada) vào tháng tới.
Hội nghị COP15 vòng 2 về đa dạng sinh học dự kiến quy tụ đại diện của hàng chục quốc gia trên thế giới, được kỳ vọng sẽ xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 nhằm bảo vệ bảo vệ các loài động, thực vật trước nguy cơ bị tuyệt chủng hàng loạt.
Trước đó, COP15 vòng 1 được tổ chức vào năm ngoái tại Côn Minh, Trung Quốc. Theo giới phân tích, các bên tham gia COP15 đến nay mới chỉ nhất trí được về 2 trong số 22 mục tiêu trong khuôn khổ đa dạng sinh học này.
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, một triệu loài động, thực vật có thể biến mất, trong khi sinh khối của các loài động vật có vú hoang dã đã giảm 82% và các hệ sinh thái tự nhiên bị mất khoảng một nửa diện tích. Trong đại dịch, việc tàn phá rừng trên thế giới tăng mạnh. Mức độ nguy hiểm của khí nhà kính tiếp tục tích tụ trong bầu khí quyển của trái đất. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng việc bảo vệ thiên nhiên có thể ngăn chặn thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Trong một bức thư ngỏ, các nhà đàm phán Hiệp định Paris kêu gọi các quốc gia tham dự hội nghị COP15 về đa dạng sinh học sắp tới nỗ lực hợp tác để đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ và một khuôn khổ đa dạng sinh học "có tầm ảnh hưởng lớn" nhằm bảo vệ thiên nhiên đến năm 2030.
Bức thư nhấn mạnh hội nghị này là "cơ hội chưa từng có" để thế giới đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, do đó các bên tham gia không nên bỏ lỡ và cần đưa ra một quyết định táo bạo.
Bức thư ngỏ này được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập.
Ngày 16/11 đã được chỉ định là "Ngày Đa dạng sinh học" tại COP27, với chương trình nghị sự tập trung vào các biện pháp tăng cường bảo vệ thiên nhiên. Theo đó, văn bản dự thảo khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 bao gồm cam kết dành ít nhất 30% diện tích đất và đại dương trên toàn cầu làm khu bảo tồn đến cuối thập kỷ này, cũng như cắt giảm ô nhiễm từ nhựa và các hoạt động nông nghiệp.
Trước đó, bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của Công ước LHQ về đa dạng sinh học cho rằng, đại dịch COVID-19 đã chứng minh đa dạng sinh học không chỉ quan trọng đối với con người, mà còn đối với việc bảo vệ Trái Đất. Bà nhấn mạnh thế giới đang mong chờ những hành động khẩn cấp để bảo vệ thiên nhiên, cũng là để đảm bảo con đường chung sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Trong khi đó, theo Tổng thư ký LHQ Guterres, thế giới cần một cơ cấu khung về đa dạng sinh học sau năm 2020 nhằm truyền cảm hứng hành động trên toàn cầu với sự tham gia của mọi chính phủ, doanh nghiệp và công dân, bởi bảo vệ thiên nhiên sẽ tạo ra một thế giới công bằng hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn.
Ngày 16/11, Tổng thống đắc cử Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cam kết sẽ chấm dứt tình trạng tàn phá rừng Amazon và sẽ đưa quốc gia Nam Mỹ này trở lại trung tâm thảo luận về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Theo đó, trong 3 năm đầu tiên dưới thời của Tổng thống Jair Bolsonaro diện tích rừng Amazon bị tàn phá đã tăng tới 73%, đồng thời khẳng định tình trạng này cần phải chấm dứt ngay lập tức và chính phủ mới sẽ đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm môi trường sau một thời gian liên tục gia tăng một cách đáng lo ngại.
Ông Lula da Silva cũng bày tỏ hy vọng sẽ tăng cường liên minh giữa Brazil, Congo và Indonesia, ba quốc gia sở hữu tới 53% diện tích rừng nhiệt đới trên trái đất, để cùng nhau tìm kiếm cơ chế tài trợ bền vững cho các chương trình bảo vệ thiên nhiên.
Ngoài ra, Brazil cũng có ý định tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa các nước vùng Amazon để có thể thảo luận về sự phát triển của vùng này với sự hội nhập xã hội và trách nhiệm đối với môi trường.
Nhà lãnh đạo cánh tả Brazil khẳng định cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phải đi đôi với đấu tranh chống bất bình đẳng và nghèo đói và trên cơ sở đó ông sẽ đề xuất thành lập một "liên minh toàn cầu vì an ninh lương thực" để chấm dứt đói nghèo vì tương lai của hành tinh.
Lan Anh