Thứ sáu, 22/11/2024 15:57 (GMT+7)
Thứ tư, 12/01/2022 12:00 (GMT+7)

Chuyên gia Nguyễn Hưng Quang: Năng lượng tái tạo nên đấu thầu hay đấu giá?

Theo dõi KTMT trên

Các nguồn năng lượng này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hiện nay. Câu chuyện về đấu thầu điện năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện nay đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia.

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 31/10/2021, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt đạt 20.644MW; trong đó, thủy điện chiếm 29,6%; năng lượng mặt trời là 22,57%; năng lượng gió là 5,16%; khí chiếm 10%; dầu xấp xỉ 2% và sinh khối chiếm 0,28% trong tổng công suất nguồn điện.

Điều đó cho thấy, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn và dư địa phát triển rất dồi dào. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức mới như: hạ tầng lưới điện và kỹ thuật điều độ hệ thống điện do phải tối ưu hoá nguồn điện mới vào hệ thống... 

Chuyên gia Nguyễn Hưng Quang: Năng lượng tái tạo nên đấu thầu hay đấu giá? - Ảnh 1
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn. (Ảnh minh họa)

Ngày 11/1, trong buổi tọa đàm "Cơ chế đấu thầu phát triển bền vững thị trường điện năng lượng tái tạo” do Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam tổ chức, các chuyên gia có góc nhìn đa chiều về cơ chế đấu giá bán điện năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo, Cục Điều tiết Điện lực cho hay, về ưu điểm, việc đấu thầu sẽ cho kết quả mang tính cạnh tranh và cuối cùng người tiêu dùng sẽ được lợi nhất. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu cụ thể như thế nào cần phải được bàn bạc thêm.

Theo Nguyễn Quang Minh, mọi quy trình cần phải công khai, minh bạch, biểu giá rõ ràng. Đó là mục tiêu cần đạt được. Cũng theo ông Minh, điểm khó khăn là cách thức tổ chức đấu thầu thế nào? Nếu không đưa ra được quy trình, quy định cụ thể thì sẽ có sự “cong vênh”, gây ra những hệ lụy.

“Cần có bước chuyển đổi từ các cơ chế khuyến khích sang đấu thầu, đây là điều cần thiết và phải làm thận trọng đối với Việt Nam. Hiện nay, dù đã có các luật liên quan đấu thầu nhưng với lĩnh vực năng lượng, chúng ta còn bỡ ngỡ, đặc biệt đối với dự án điện năng lượng tái tạo thì rất bấp bênh” - ông Nguyễn Quang Minh nhấn mạnh.

Thông tin về những khó khăn hiện nay, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, về mặt pháp lý, chúng ta đã có luật đấu thầu, luật đầu tư, các quy hoạch đất đai, quy hoạch điện, nhưng để xây dựng các quy định, chính sách cho đấu thầu năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều khó khăn. Các quy hoạch đất đai và quy hoạch điện cần phải làm đồng bộ với nhau, xem xét để làm sao có quy định sửa đổi cho phù hợp.

Chuyên gia Nguyễn Hưng Quang: Năng lượng tái tạo nên đấu thầu hay đấu giá? - Ảnh 2
Các chuyên gia tại buổi tọa đàm diễn ra ngày 11/2/2022. (Ảnh: congthuong.vn)

Góp ý thêm, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam cho hay: “Khi đặt ra các tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư, cần phải lưu tâm việc nhà đầu tư có thể đem lại lợi ích gì cho ngành điện, cho quốc gia, người dân và địa phương. Chúng ta cần xem xét nếu không sẽ tạo ra những hệ lụy và gánh nặng lớn sau này”.

Theo đó, ông Nguyễn Hưng Quang đưa ra ý kiến, để đấu thầu điện năng lượng tái tạo, chúng ta nên chọn đấu thầu hay đấu giá, loại dự án nào có thể thực hiện? Có thể chọn cả hai phương án nhưng phải có luật và các quy định chuyên ngành.

“Do vậy, cần phát triển các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan UBND, Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan trong tổ chức đấu thầu. Đặc biệt xây dựng cơ sở dữ liệu để tổ chức đấu thầu. Nếu không có cơ sở dữ liệu thì sẽ tạo lợi ích không minh bạch, không bình đẳng cho những ai nắm giữ cơ sở dữ liệu chuẩn, đầy đủ trong tay” – luật sư Nguyễn Hưng Quang bày tỏ.

Ngoài ra, các địa phương cần hoàn thiện các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch có liên quan đến năng lượng, năng lượng tái tạo để căn cứ vào đó, nhà đầu tư xây dựng hồ sơ đấu thầu. Đặc biệt, cũng cần phải sửa đổi một số luật liên quan để tạo hành lang pháp lý, tránh việc tạo khung pháp lý mà trong đó có nhiều xung đột.

Theo nhận định của các chuyên gia, để hướng đến Net Zero năm 2050, việc có thêm các giải pháp để gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo là rất cần thiết. Trong đó, đấu thầu cạnh tranh không giúp khai thác hết được nguồn năng lượng tái tạo, mà sẽ giúp các dự án được triển khai hiệu quả, minh bạch hơn.

Chuyên gia Nguyễn Hưng Quang: Năng lượng tái tạo nên đấu thầu hay đấu giá? - Ảnh 3
Gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo là rất cần thiết. (Ảnh minh họa)

PGS.TS.Nguyễn Hồng Phương, đại diện Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam đưa ra quan điểm, để thực hiện đấu thầu, có thể thực hiện các bước như, xác định mục tiêu năng lượng tái tạo đấu thầu, xác định các khu vực thí điểm và đánh giá ảnh hưởng từng khu vực đến lưới, đến khả năng phát trong cả năm của từng vùng.

Cụ thể, đề xuất vòng đấu thầu đối với điện mặt trời mặt đất đầu tiên có thể ở 500 MW và nên tập trung ở khu vực Bắc Trung bộ như Thanh hóa, Nghệ An, vì điều kiện kỹ thuật khá tốt và năng lực giải tỏa trên lưới tốt. Sau đó, có thể nghiên cứu đấu thầu thêm ở các khu vực khác.

Trao đổi thêm vấn đề này, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam nói, với việc đấu thầu dự án điện, ngoài lựa chọn nhà đầu tư, thì cũng là đấu thầu tại địa bàn các tỉnh, thay vì được giao cho tổ chức đấu thầu, thì các tỉnh, thành phố cũng phải tham gia, song hành cùng nhà đầu tư để được lựa chọn.

"Bộ Công Thương có thể đưa ra yêu cầu, kế hoạch đấu thầu mua điện, để các tỉnh chuẩn bị, và hàng năm có thể công bố kết quả. Bước tiếp theo là công việc của các nhà đầu tư, tỉnh thành phố sẽ tiến hành chuẩn bị hồ sơ đấu thầu" - TS Lê Duy Bình nêu ý kiến và nhấn mạnh, đây là giai đoạn quan trọng để chuyển tiếp sang cơ chế đấu thầu, làm sao để trơn tru nhất, hạn chế các tranh chấp sau này, duy trì sự hứng thú của các nhà đầu tư với năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Bàn về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, ông Nguyễn Ninh Hải, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 2068/QĐ-TTg đã xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.

Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt khoảng 31% vào năm 2020; khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên, đạt khoảng 44% vào năm 2050.

Cùng với đó, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII cũng nhấn mạnh: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia Nguyễn Hưng Quang: Năng lượng tái tạo nên đấu thầu hay đấu giá?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới