Chủ nhật, 24/11/2024 07:43 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/08/2023 15:51 (GMT+7)

Chuyên gia hiến kế để Quảng Ninh thêm đà “cất cánh” (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Quảng Ninh đã chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, biến tăng trưởng “nóng” thành tăng trưởng “xanh”.

Chuyên gia hiến kế để Quảng Ninh thêm đà “cất cánh” (Bài 4) - Ảnh 1

Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, hội tụ đa dạng các loại địa hình từ đồng bằng, vùng núi cho đến biển đảo. Những điều đó đã tạo nên sự phong phú và độc đáo về cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa, tạo nên lợi thế cạnh tranh của vùng đất và con người Quảng Ninh trên tương quan quốc gia và quốc tế.

Mục tiêu tổng quát của Quảng Ninh đến năm 2050 là trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Trên thực tế, Quảng Ninh đã và đang có những bước đi vững chắc để hoàn thành mục tiêu tổng quát trên. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Quảng Ninh cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội.

Để phân tích rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia đầu ngành về kinh tế, kinh tế môi trường và du lịch…Hy vọng rằng, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học có thể giúp Quảng Ninh thêm đà “cất cánh”.

Chuyên gia hiến kế để Quảng Ninh thêm đà “cất cánh” (Bài 4) - Ảnh 2

Quảng Ninh là tỉnh có diện tích rộng lớn, nằm ở vị trí chiến lược trong giao thương quốc tế cũng như kết nối vùng. Có quá nhiều tài liệu nói về tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, tôi sẽ tập trung phân tích vào những vấn đề mang tính chiến lược, có thể giúp Quảng Ninh "cất cánh" trong tương lai gần.

Thứ nhất, thế mạnh của Quảng Ninh là phát triển du lịch. Trong Quy hoạch tổng thể của Quảng Ninh đến năm 2050 của Quảng Ninh đã trình bày khá chi tiết về việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn cần có một quy hoạch riêng cho phát triển du lịch. Quy hoạch này cần được xây dựng một cách bài bản, mang tính khoa học, trong đó cần đề cao công tác bảo vệ môi trường cũng như bảo tồn toàn vẹn cảnh quan thiên nhân. Trên cơ sở đó, mới có thể phát triển du lịch bền vững, đáp ứng nhu cầu của du khách đến từ các nước phát triển, những du khách đòi hỏi cao về du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, cộng đồng...

Thứ hai, những chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong tương lai cần phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương trong tỉnh, tăng cường khả năng liên kết với các tỉnh thành khác, từ đó có thể huy động nguồn lực từ bên ngoài, để phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng. Để làm được điều này thì điều quan trọng nhất là phát triển mạnh hệ thống giao thông vận tải. Mặc dù hệ thống giao thông của Quảng Ninh đã phát triển vượt bậc trong những năm qua, song trên thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu liên kết vùng, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh.

Thứ ba, Quảng Ninh cần nhanh chóng giải quyết bài toán nguồn nhân lực. Hiện tại, lực lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như tiềm năng phát triển của Quảng Ninh, đặc biệt là lao động được đào tạo bài bản, chất lượng cao. Do đó, tỉnh cần có những chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế, cũng như trong tương lai.

Chuyên gia hiến kế để Quảng Ninh thêm đà “cất cánh” (Bài 4) - Ảnh 3

Thứ tư, tránh phát triển cục bộ, tập trung đầu tư quá nhiều vào một địa phương hoặc một lĩnh vực nào đó, đồng thời nghiên cứu sâu thế mạnh của từng vùng, từng lĩnh vực nhằm tránh đầu tư dàn trải mà không mang lại hiệu quả.

Ví dụ, trong công nghiệp, phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế.

Đối với ngành năng lượng thì tập trung phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường, chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than, đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Chuyên gia hiến kế để Quảng Ninh thêm đà “cất cánh” (Bài 4) - Ảnh 4
Ảnh: Huy Tình.

Với vị trí chiến lược và tiềm năng vốn có, tập trung phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung đầu tư hệ thống dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, đa dạng hóa loại hình du lịch, hướng đến du lịch bền vững, thân thiện với môi trường.

Được biết, Quảng Ninh đặt nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế biển bền vững trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển chuỗi khu kinh tế. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; đồng thời giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng Quảng Ninh để phát triển du lịch bền vững. Tôi đánh giá đây là hướng đi đúng đắn của Quảng Ninh trong tương lai. Hi vọng rằng, Quảng Ninh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tổng thể tầm nhìn đến năm 2050, qua đó trở thành động lực phát triển kinh tế của vùng Đông Bắc cũng như cả nước.

Chuyên gia hiến kế để Quảng Ninh thêm đà “cất cánh” (Bài 4) - Ảnh 5

Tỉnh Quảng Ninh đã có những bước chuyển mình rất ấn tượng trong những năm qua. Hiện tại, Quảng Ninh đã chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, biến tăng trưởng “nóng” thành tăng trưởng “xanh”.

Cá nhân tôi đã thực hiện đánh giá tác động môi trường tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Có một điểm mà tôi đánh giá rất cao đó là lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ đều rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững. Họ thậm chí còn chủ động tìm đến các nhà khoa học với tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến góp ý. Có lẽ, chính tinh thần ấy đã góp phần giúp Quảng Ninh có được diện mạo như ngày hôm nay.

Có thể nói, Quảng Ninh đang làm rất tốt công tác bảo vệ môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường được triển khai đồng bộ, trên diện rộng, bài bản. Hầu hết các nhà máy tại Quảng Ninh đều có hệ thống xử lý nước thải, công tác xử lý chất thải rắn cũng làm rất tốt. Quảng Ninh cũng đi tiên phong trong rất nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu.

Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế cũng mang đến nhiều hệ quả và thách thức mà Quảng Ninh phải đối mặt. Nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, luôn tiềm ẩn, do đó Quảng Ninh cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, tránh để xảy ra những sự cố môi trường quy mô lớn.  

Chuyên gia hiến kế để Quảng Ninh thêm đà “cất cánh” (Bài 4) - Ảnh 6

Được biết, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Toàn bộ dự án trước khi cấp phép hoạt động đều phải đảm bảo thủ tục pháp lý về môi trường theo đúng quy định. Không chấp thuận các dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu và các loại hình sản xuất phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tôi đánh giá đây là những động thái tích cực, có phần quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường của Quảng Ninh.

Chuyên gia hiến kế để Quảng Ninh thêm đà “cất cánh” (Bài 4) - Ảnh 7

Quảng Ninh có quá nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đây là điều không cần phải bàn cãi. Quan trọng là Quảng Ninh có thực sự tận dụng và phát huy được tiềm năng đó hay không? Có sẵn sàng tháo gỡ những nút thắt "kìm chân" sự phát triển của ngành du lịch hay không? Phát triển du lịch tại Quảng Ninh hiện tại đã thực sự bền vững hay chưa?.

Việc phát triển du lịch quá nhanh đã kéo theo nhiều hệ lụy về cảnh quan, môi trường. Việc tạo thêm sản phẩm trải nghiệm đã nói nhiều nhưng khi đi vào thực hiện thì hiệu quả chưa cao, hoặc có những sản phẩm trải nghiệm du khách nước ngoài họ rất thích nhưng lại bị hạn chế.

Để phát huy tối đa lợi thế du lịch ở Quảng Ninh thì phát triển du lịch bền vững là con đường duy nhất. Chúng ta đang chỉ nhìn vào con số, nhưng du khách đến nhiều chưa chắc đã tốt. Do đó, bên cạnh việc khai thác tương xứng với tiềm năng du lịch (nâng cao chỉ số hài lòng của du khách, tạo nhiều trải nghiệm, đa dạng hoạt động du lịch để du khách chi tiền nhiều hơn), Quảng Ninh cũng cần phải tập trung hơn nữa cho công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Thời gian gần đây, Quảng Ninh đã phát triển thêm một số điểm giải trí, tuy nhiên bên cạnh đó cần phải khai thác tốt hơn nữa hoạt động kinh tế ban đêm, tăng sự liên kết giữa các vịnh, giữa các vùng.

Quảng Ninh đang hướng tới du lịch 4 mùa nhưng cũng phải chú trọng nhiều hơn đến sản phẩm trải nghiệm cho du khách, cho họ có nhiều trải nghiệm hơn trong các mùa. Đa dạng hóa nguồn khách, thay vì chú trọng vào một số nguồn khách, ví dụ như khi du khách Trung Quốc đến quá đông thì du khách một số nước khác sẽ không đến nữa.

Nói thêm về vấn đề liên kết vùng, cần phải xác định đây là xu thế chung, và Quảng Ninh không phải là ngoại lệ. Muốn du khách quay trở lại thì phải có cái mới, ví dụ như liên thông giữa 2 - 3 vịnh với nhau thành một hành trình, thay vì đi mỗi Hạ Long rồi trở về. Có thể du khách sẽ đi từ Hạ Long sang Lan Hạ, rồi ra Bái Tử Long, như vậy họ sẽ có được rất nhiều trải nghiệm thú vị, hành trình cũng trở nên hấp dẫn... Ngoài ra, tỉnh cũng nên phát triển thêm một số loại hình như du lịch sức khỏe, du lịch thể thao, khai thác tiềm năng du lịch tại những vùng còn hoang sơ, song song với đó là phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ đi kèm.

Chuyên gia hiến kế để Quảng Ninh thêm đà “cất cánh” (Bài 4) - Ảnh 8

Kinh tế Quảng Ninh đang chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, do vậy cũng cần phải chú trọng hơn đến việc xây dựng chính sách phù hợp, tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sách cho ngành du lịch thì phải chuẩn du lịch và vì du lịch, có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư thực sự tâm huyết, thực sự muốn phát triển những sản phẩm du lịch chất lượng, bền vững.

Ví dụ, trước đây chúng ta không cho đóng tàu mới, nhưng nếu cho phép đóng tàu mới thì có thể sẽ có những tàu với kích cỡ lớn hơn, chở được nhiều du khách hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch cũng cần được chú trọng vì trên thực tế nguồn nhân lực đang thiếu và yếu.

Định vị thương hiệu của Quảng Ninh còn yếu, ứng dụng chuyển đổi số vào trong quản lý, mặc dù đã được triển khai song trên thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả. Gần đây, Quảng Ninh bắt đầu triển khai vé điện tử, song du khách đi tàu trong vịnh vẫn phải đến trình tàu, điều này rõ ràng chưa hợp lý.

Nội dung: Hải Đăng
Đồ họa: Hải An

Vì một Quảng Ninh xanh

Quảng Ninh đã đầu tư 40 máy móc, 3 thiết bị xử lý nước thải, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm thăm quan ở vịnh Hạ Long.

Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng ESCO, thúc đẩy du lịch xanh… Quảng Ninh là một trong số ít địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè, giàn có sử dụng phao nổi.

Tất cả khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo thu gom toàn bộ nước thải phát sinh, đã có phương án ứng phó và khắc phục sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và liên tục được quan trắc tự động, liên tục kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và môi trường. 80% cụm công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đưa vào hoạt động.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng kinh phí ngân sách tỉnh Quảng Ninh bố trí cho bảo vệ môi trường đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 4,59% kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thu hút các dự án ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia hiến kế để Quảng Ninh thêm đà “cất cánh” (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới