Chuyển đổi xanh trong Kỷ nguyên vươn mình
Việt Nam đang quá trình thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, đây cũng là cách thức phát triển phù hợp với kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình”.
Việc thực hiện chuyển đổi xanh không chỉ phù hợp với xu thế chung toàn cầu mà còn thể hiện Việt Nam mong muốn phát triển nhanh và bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển so với trước đây để đến năm 2045 Việt Nam thuộc vào nhóm nước phát triển có thu nhập cao, đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0 (1).
Luận bàn về chuyển đổi xanh trong kỷ nguyên vươn mình
Kỷ nguyên “vươn mình” đó là đòi hỏi chúng ta phải vươn lên mạnh mẽ, kế thừa những thành tựu đổi mới để phát triển cao hơn nữa, mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. “Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại”(2).
Nhìn lại kỷ nguyên trước, đó là kỷ nguyên “đổi mới”, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã thành công chuyển từ “thể chế kinh tế tập trung” sang “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đất nước đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ và thành công, Việt Nam từ một quốc gia nghèo đói, kém phát triển có trình độ phát triển thấp sang quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2023 gấp 96 lần quy mô kinh tế năm 1986, chúng ta được xếp vào nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong số 20 nước hàng đầu về thương mại và đầu tư nước ngoài. Thành tựu đạt được của kỷ nguyên đổi mới chứng minh đường lối, chủ trương đúng đắn của lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng lòng, nỗ lực của toàn dân, sự mở rộng hợp tác quốc tế. Đến nay chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc, tính chất Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia vào nhiều tổ chức thương mại quốc tế quan trọng như WTO, EU, CPTTP... thể hiện được vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Để tiếp tục vươn mình sau đổi mới, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận mới không chỉ phù hợp với xu hướng chung của toàn cầu mà còn phát huy tốt nội lực của Việt Nam đó là “chuyển đổi xanh” cùng với “chuyển đổi số” chuyển đổi xanh đang được thực hiện ở nhiều quốc gia, là xu thế chung của toàn cầu, chuyển trạng thái phát triển từ “nâu” sang “xanh”, điều này có nghĩa trong hiện tại và trước đây đang thực hiện trạng thái nâu, nay chuyển sang xanh, trong đó nội dung chính đã và đang thực hiện “kinh tế nâu” nay chuyển đổi sang thực hiện “kinh tế xanh”. Vậy nội hàm của kinh tế xanh là gì? Điều này đã được luận bàn và thống nhất từ những năm 2012 của thế giới do Tổ chức môi trường Liên Hợp Quốc khởi xướng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo cách nhìn nhận của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP). “Kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội”(3).
Để thực hiện “Kinh tế xanh” cần có sự đầu tư trở lại trong việc thực hiện tăng trưởng kinh tế, những đầu tư này từ những khoản đầu tư của Nhà nước, khu vực tư nhân để giảm thiểu phát thải carbon, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn được sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ của hệ sinh thái. Đối với những khoản đầu tư này cần được thực hiện từ sự nhận thức và thay đổi về mặt chính sách, đưa ra những quy định mới so với thực hiện “kinh tế nâu” trước đây, đầu tư chi tiêu công phải là nguồn đầu tư được xem xét trước và dẫn dắt thu hút các nguồn đầu tư khác để duy trì, cải thiện và phục hồi nguồn vốn tự nhiên. Vì nguồn vốn tự nhiên là nguồn lợi chung, đặc biệt đối với những người nghèo, sinh kế và an ninh của họ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Như vậy chuyển đổi xanh, trong đó nội dung chính là chuyển đổi cách thức phát triển kinh tế từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”, sự chuyển đổi này cần có sự đầu tư cần thiết nguồn lực để đảm bảo duy trì, cải thiện và phục hồi nguồn vốn tự nhiên, đảm bảo công bằng xã hội nhất là những đối tương mà sinh kế và sự an toàn của họ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Kỷ nguyên đất nước vươn mình gắn với chuyển đổi xanh là giải pháp thực hiện đúng hướng, phù hợp với sự phát triển của giai đoạn mới, con người sống gắn bó mật thiết với môi trường tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, chất lượng cuộc sống được nâng cao nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, sự hiểu biết ngày càng cao của con người, phù hợp với xu thế mới để phát triển nhanh và bền vững.
Khuyến nghị chuyển đổi xanh trong kỷ nguyên vươn mình
Để thực hiện chuyển đổi xanh trong kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi phải có cách tiếp cận và nhìn nhận phù hợp để đưa ra những quyết sách đúng.
Thứ nhất, về nhận thức.
Nhận thức đóng vai trò quan trọng nhất, hiểu đúng bản chất của chuyển đổi xanh gắn với kỷ nguyên vương mình là hết sức quan trọng, nhận thức không chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo cao đến thấp, mà còn phải có nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội để tạo nên một sự đồng thuận cao. Bản chất của chuyển đổi xanh đã phản ánh sự khác biệt so với thời kỳ trước đây thực hiện “kinh tế nâu” là nguyên nhân hủy hoại môi trường sống, cạn kiệt tài nguyên và gây ra biến đổi khí hậu dẫn đến những hậu quả khó lường.
Thứ hai, về thể chế chính sách.
Việc thực hiện chuyển đổi xanh trong bối cảnh đất nước vươn mình, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước phải có những sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện từ thể chế chính sách, nhất là chúng ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các văn bản quy phạm pháp luật phải thể hiện được những nội dung yêu cầu cơ bản của việc thực hiện chuyển đổi xanh, sự chuyển đổi đó đáp ứng yêu cầu vươn mình của quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Thứ ba, về triển khai thực hiện.
Quá trình triển khai thực hiện phải tạo ra sự đồng bộ chuyển đổi xanh với chuyển đổi số và chuyển đổi hạ tầng phát triển để thực hiện được yêu cầu các nội dung trong quá trình thực hiện vươn mình của quốc gia. Thể hiện được tính sáng tạo, tính tự chủ, tính quyết liệt và dứt khoát để vượt qua những trở ngại, những khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện gắn kết chuyển đổi xanh cùng với sự vươn mình. Các địa phương, các ngành, các lĩnh vực dựa vào tính đặc thù của mình để thực hiện chuyển đổi xanh phù hợp, hiệu lực và hiệu quả.
Thứ tư, đổi mới và tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại.
Chuyển đổi xanh cần phải gắn với đổi mới khoa học công nghệ hiện đại, thể hiện sự vượt trội về công nghệ, nhất là công nghệ trong sản xuất của các ngành, các lĩnh vực. Những công nghệ được triển khai phải đảm bảo được các tiêu chí cơ bản như sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi nguồn năng lượng sang năng lượng tái tạo. Quá trình sản xuất gắn với môi trường tự nhiên, đảm bảo hồi phục, duy trì và làm giàu hệ sinh thái tự nhiên, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào và hạn chế tối đa chất thải ra môi trường nhờ đổi mới KHCN hiện đại.
Thứ năm, hợp tác quốc tế.
Thực hiện chuyển đổi xanh trong bối cảnh đất nước vươn mình cần tiếp tục hợp tác quốc tế sâu rộng và toàn diện hơn nữa nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của các nước, nhất là những quốc gia phát triển, có trình độ khoa học công nghệ cao, thể chế chính trị tốt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và có sự tiến bộ vượt trội. Hợp tác quốc tế trong chuyển đổi xanh cũng đòi hỏi Việt Nam cần phải nỗ lực hơn và tự khẳng định mình, nhất là hợp tác trong phát triển kinh tế, động lực để chúng ta mở rộng thị trường, nhất là những thị trường có nhu cầu đối với những sản phẩm hàng hóa Việt Nam có thế mạnh.
Chuyển đổi xanh trong kỷ nguyên vươn mình là một trong những giải pháp cần phải được thực hiện. Để thực hiện được chuyển đổi xanh cần phải luận giải và hiểu rõ bản chất của chuyển đổi xanh từ đó thực hiện tốt chuyển đổi nâu sang xanh. Việc chuyển đổi này bản thân nó đã thể hiện được sự vươn mình của quốc gia. Muốn vậy phải thay đổi từ nhận thức, hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức quá trình triển khai thực hiện tốt, đổi mới KHCN và mở rộng hợp tác quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh
Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
Tài liệu tham khảo 1. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh. “Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh ở Hà Tĩnh - Những vấn đề đặt ra cho Tỉnh”. Sách: “Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới”. Nhà xuất bản chinh trị Quốc gia sự thật. Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 2039 2024/CXBIPH/2-276/CTQG. Quyết định xuất bản số: 3639-QĐ/NXBCTQG, ngày 02/7/2024. Mã số ISBN: 978-604-57 9794-5. 2. GS.TS Tô Lâm. “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Tạp chí Cộng sản-cổng thông tin điện tử tháng 11 năm 2024. 3. UNEP. “Hướng tới nền kinh tế xanh. Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo”. Báo cáo phục vụ hoạch định chính sách. Hà Nội, tháng 8 năm 2011. Phiên bản dịch từ tiếng Anh của UNEP, do ISPONRE thực hiện, tài trợ bới Hanns Seidel Foundation