Thứ bảy, 27/07/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ hai, 22/03/2021 06:20 (GMT+7)

Chung tay bảo vệ rừng vì một hành tinh 'xanh'

Theo dõi KTMT trên

Ngày Quốc tế về rừng được tổ chức vào ngày 21/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức tầm quan trọng của rừng, đồng thời khuyến khích các quốc gia cần có trách nhiệm trong việc phục hồi lại những cách rừng đã mất.

Hơn 43 triệu ha rừng đã biến mất trong thập kỷ qua

Rừng được ví là “lá phổi xanh của Trái Đất”, cùng với các thảm thực vật và đất hấp thụ 1/3 tổng lượng ô nhiễm carbon mà con người tạo ra hàng năm. Tuy nhiên, rừng đang biến mất một cách nhanh chóng. Điều này đang tạo ra những tổn thất không thể bù đắp đối với hệ đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trên Trái Đất.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) cho biết, chỉ tính riêng trong một thập kỷ qua, hơn 43 triệu ha rừng (tức rộng hơn diện tích nước Đức) đã biến mất. Điều đáng nói, đây chỉ là con số ghi nhận tại một số điểm nóng chặt phá rừng.

Theo WWF, những diện tích rừng rất lớn đang tiếp tục bị tàn phá hàng năm, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp quy mô lớn, trong khi những khu vực đa dạng sinh thái đã bị phát quang để lấy chỗ canh tác và chăn nuôi.

Dữ liệu của WWF cho thấy chỉ 29 điểm nóng tại Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á đã chiếm hơn 50% tổng diện tích rừng bị tàn phá trên toàn cầu. Trong đó, các vùng rừng Amazon và Cerrado thuộc Brazil, vùng rừng Amazon thuộc Bolivia, rừng ở các nước Paraguay, Argentina, Madagascar, hay khu vực Sumatra và Borneo ở Indonesia và Malaysia là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn phá rừng.

Trong đó, khu vực Cerrado thuộc Brazil, vốn là ngôi nhà của 5% thực vật và động vật trên hành tinh, thì đất đai đã bị phá hủy nhanh chóng để trồng đậu nành và chăn nuôi gia súc, dẫn đến hậu quả là đã khiến 32,8% diện tích rừng bị mất trong giai đoạn 2004-2017.

Chung tay bảo vệ rừng vì một hành tinh 'xanh' - Ảnh 1
Mỗi năm thế giới mất tới 13 triệu ha rừng. 

Còn theo nghiên cứu mới nhất của Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP) công bố cho biết: Nạn phá rừng trên quy mô toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức báo động, mỗi năm thế giới mất tới 13 triệu ha rừng, tương đương với diện tích của đất nước Bồ Đào Nha.

Diện tích rừng bị mất hàng năm này làm gia tăng 6 tỉ tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính, gấp 3,6 lần lượng khí thải do các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp của Liên minh châu Âu thải vào khí quyển năm 2010 theo chương trình tín dụng khí thải của Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của UNEP xác định rừng có thể hỗ trợ giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 20ºC, mức tăng nhiệt độ an toàn để biến đổi khí hậu không đe dọa cuộc sống nhân loại vào cuối thế kỷ này, nếu giảm được 50% diện tích rừng bị mất vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, thế giới cần đầu tư từ 17-33 tỉ USD mỗi năm để trồng rừng và khôi phục các diện tích rừng bị mất.

Gieo mầm cho một tương lai bền vững

Trước thực trạng trên, nhân dịp Ngày Quốc tế về rừng năm nay (21/3/2021), Liên Hợp quốc kêu gọi toàn thế giới chung tay phục hồi lại những cánh rừng đã mất. Chủ đề của Ngày Quốc tế về Rừng năm nay là “Phục hồi rừng: Con đường để phục hồi và sống khỏe”. Năm 2021 cũng là năm khởi động của Thập niên phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), một sáng kiến kêu gọi bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, hoạt động trồng cây gây rừng vẫn luôn được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, mưa lũ, sạt lở đất... tiếp tục gia tăng cả về cường độ và tần suất. Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm 2021-2025 đã được khởi động trên cả nước với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Một trong những mục tiêu của đề án trồng 1 tỉ cây xanh là góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và tăng độ che phủ của rừng.

Chung tay bảo vệ rừng vì một hành tinh 'xanh' - Ảnh 2
Việt Nam đặt mục tiêu trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm 2021-2025. 

Thực tế tại Việt Nam, tỉ lệ che phủ rừng đã tăng từ 39,7% năm 2011 lên gần 42% năm 2020 (cao hơn mức trung bình 29% của thế giới), nhưng chất lượng rừng tự nhiên vẫn chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng. Thống kê cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong 15 năm qua, rừng phòng hộ trên cả nước đã mất 0,6 triệu ha; riêng giai đoạn 2006 - 2015 diện tích rừng phòng hộ giảm từ 5,2 triệu ha xuống còn 4,4 triệu ha, hiện ổn định ở mức 4,6 triệu ha. Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, năm 2021, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc phải tăng thêm 0,11% nữa, đạt khoảng 42%.

Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế về Rừng, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cảnh báo nếu thế giới không hành động ngay bây giờ, hậu quả của những cánh rừng biến mất sẽ không cứu vãn được. Ngay cả đại dịch Covid-19 thế giới đang phải đối mặt cũng có thể là một hệ quả từ nạn phá rừng, xáo trộn các hệ sinh thái. Bởi vậy, mọi cam kết và hành động cụ thể nhằm khôi phục và bảo tồn rừng cũng chính là gieo mầm cho một tương lai bền vững vì lợi ích của con người và hành tinh.

Theo Nghiên cứu Tiềm năng hấp thụ CO2 của một số loại rừng tại các Vườn Quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam, các nhà khoa học đã xác định, khả năng hấp thụ CO2 của rừng tỉ lệ thuận với sinh khối nên sinh khối càng lớn, khả năng hấp thụ CO2 càng cao. Lượng CO2 được hấp thụ bởi rừng nghèo trong khoảng 30,74 tấn/ha - 142,03 tấn/ha, rừng trung bình trong khoảng 177,76 tấn/ha - 319,71 tấn/ha và rừng giàu trong khoảng 484,82 tấn/ha - 1.013,1 tấn/ha.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Chung tay bảo vệ rừng vì một hành tinh 'xanh'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.