Thứ sáu, 29/03/2024 04:21 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/03/2023 11:50 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua"

Theo dõi KTMT trên

Tư tưởng “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất” là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, gắn liền với sự phát triển của dân tộc.

Ngày 11/6/1948, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm huy động sức người, sức của góp phần thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước.

Trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc.

Quan điểm thi đua là yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam. Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua" - Ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm huy động sức người, sức của thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị , văn hoá”. Mục đích của thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, toàn dân đủ ăn mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho dân, đó là niềm khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, phong trào thi đua đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng. Ngay từ những ngày đầu phát động, phong trào đã diễn ra sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, với nhiều phong trào cụ thể: tăng gia sản xuất và tiết kiệm, giết giặc lập công, Ba đảm đang, Ba sẵn sàng, Năm xung phong… 

Phong trào thi đua ái quốc đã dần thấm sâu vào từng tế bào của xã hội, từng con người cụ thể, nó không chỉ dừng lại ở một cuộc phát động đơn thuần, mà nó có sức sống và sức mạnh lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, tạo ra động lực tinh thần, một khí thế cách mạng mới trong xã hội. Nhờ đó đã đưa nước ta từng bước vượt qua những khó khăn trước mắt, nạn đói, nạn dốt dần được đẩy lùi, bước đầu đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho kháng chiến.

Có thể thấy, phát động phong trào thi đua trên nền tảng tinh thần yêu nước là một tư tưởng rất đúng đắn, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm động viên đến mức cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc cho sự nghiệp cách mạng. Yêu nước là một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam. Lịch sử dân tộc hàng nghìn năm đã cho thấy đây là giá trị luôn được xếp đứng đầu trong hệ các giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam và luôn luôn đồng hành cùng dân tộc trong dựng nước và giữ nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (1986), đặc biệt là từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, được soi sáng bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không, 3 sạch”, “Vì Trường Sa thân yêu”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”...

Đặc biệt, thời gian gần đây cả nước đang tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả ba phong trào lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Có thể thấy, các phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua đã bám sát yêu cầu thực tiễn đất nước, gắn bó mật thiết với quyền lợi và cuộc sống của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực.

PV

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.