Thứ năm, 25/04/2024 22:07 (GMT+7)
Thứ năm, 15/12/2022 16:50 (GMT+7)

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng sự nghiệp giáo dục đất nước

Theo dõi KTMT trên

Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “một nền giáo dục đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học.

Trong khi đất nước vẫn còn trong thời kỳ non trẻ, một phần đất nước còn trong vòng nô lệ, người dân “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, nhưng tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang tính đi trước, mở đường, mang tính thời đại. Việc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau khi đánh “giặc đói” là đánh “giặc dốt”, tức là nâng cao dân trí. Ngày nay, nhân loại đang bước vào một nền văn minh trí tuệ, một nền kinh tế tri thức thông qua việc đẩy mạnh xã hội học tập.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, xã hội càng phát triển, thì tri thức càng trở nên quan trọng và là thế mạnh của các quốc gia, nhiệm vụ của giáo dục là tạo nên những thế hệ công dân có tri thức, có đạo đức, biết tự học, tự trang bị kiến thức, kỹ năng. Và trong nền kinh tế tri thức, ưu thế không hoàn toàn lệ thuộc vào các nhân tố truyền thống như tài nguyên, đất đai, nhân công,… mà nhân tố có ý nghĩa quyết định là chất xám, là trí tuệ con người. Những nước giàu mạnh đều là những nước có nền giáo dục hiện đại, được đầu tư bài bản và có chiều sâu, là những nước có nền kinh tế tri thức phát triển. Việc cạnh tranh sự giàu mạnh của các nước cũng thể hiện ở nền kinh tế tri thức.

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng sự nghiệp giáo dục đất nước - Ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5” tại Hà Nội (1963). (Ảnh: hochiminh.vn)  

Đánh giá cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, ngay những ngày đầu thành lập nước, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư tới các cháu học sinh nhân ngày khai trường, gửi gắm tình cảm, sự tin yêu và hy vọng vào thế hệ tương lai của đất nước “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của các thầy giáo, cô giáo, đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Bản thân Người đã từng là một nhà giáo. Năm 1910, sau khi thôi học tại trường Quốc học Huế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành không cùng cha trở về Huế mà quyết thực hiện ý định "Đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Người đã dạy học ở Trường Dục Thanh – Phan Thiết khoảng 4-5 tháng, sau đó mới vào Sài Gòn để thực hiện cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Tại trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học một số môn, nhưng theo các nhà nghiên cứu, việc dạy học của Người ở đây không đơn thuần là dạy chữ mà lồng vào đó tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.

Theo Chủ tịch, học và hành là hai khâu của quá trình nhận thức gắn bó khăng khít với nhau, chỉ khi học đi đôi với hành, học tập kết hợp với lao động sản xuất thì người học mới rèn luyện được cả tri thức và kỹ năng, mới gắn tri thức với thực tiễn xã hội. Người chỉ rõ: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành...”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn tạo nên một xã hội văn minh, ở đó con người phải có tri thức, có đạo đức, văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. Người đã thấy được bản chất của việc dạy và học là muốn hiệu quả, thực chất, phải tập trung phát triển năng lực sẵn có của người học đó là huấn luyện khả năng tư duy của con người, phát huy năng lực riêng có của mỗi người. Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “một nền giáo dục đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học. Người phát hiện, khơi gợi và phát huy năng lực đó, không ai khác đó chính là ngành giáo dục. Ngày nay, ngành giáo dục Việt Nam cũng đang phải chuyển đổi các mô hình giáo dục linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người học, có những mô hình học chuyên biệt để người học lựa chọn cho phù hợp năng lực, sở thích, sở trường của mình; mô hình giáo dục chuyên sâu.

Để có chất lượng và đạt hiệu quả cao, cần phải thực hiện đúng đắn phương châm, phương pháp giáo dục. Đây là một nội dung được Bác Hồ đặc biệt quan tâm, vì nó sẽ tạo ra sự khác biệt về chất so với nền giáo dục phong kiến xa rời thực tế, và nền giáo dục thực dân đồi bại, xảo trá. Theo lãnh tụ Hồ Chí Minh, nội dung giáo dục phải gắn với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế, học tập phải kết hợp với lao động sản xuất. Giáo dục phải kết hợp cả ba khâu gia đình, nhà trường và xã hội. Xem nhẹ bất kỳ khâu nào cũng đều hạn chế đến kết quả của giáo dục, hơn nữa có thể đưa lại những hậu quả khó lường.

Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục là một mặt trận quan trọng, giáo dục cho tất cả mọi người và làm sao hướng tới cả dân tộc được học, mọi người được học Ý tưởng kiến tạo “nền giáo dục cho tất cả mọi người” đã được Hồ Chí Minh đề ra và luôn theo đuổi trên con đường cách mạng. Năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Véc-xây, Người nêu rõ điểm thứ 6 ghi rõ phải có quyền “Tự do học tập” cho tất cả các giai tầng ở Việt Nam. Học tập, giáo dục không phải là đặc quyền của riêng một nhóm người nào, mà là quyền chung, quyền cơ bản của tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, lứa tuổi, giới tính trong xã hội.

PV

Bạn đang đọc bài viết Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng sự nghiệp giáo dục đất nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.