Chủ tịch Hồ Chí Minh: Doanh nhân có vai trò đặc biệt quan trọng với sự nghiệp phát triển đất nước
Trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 100 bài nói, viết, điện, thư cho các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Doanh nhân – Phải có đức và tài
Trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vai trò của giới doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được chú trọng. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay chính là nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức cho cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, trong đó có giới doanh nghiệp, doanh nhân.
Đạo đức người làm kinh doanh là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mang giá trị lý luận thực tiễn sâu sắc, góp phần to lớn vào việc xây dựng và hình thành đội ngũ những người công thương Việt Nam trong thời kỳ đầu thành lập và xây dựng đất nước.
Giới doanh nghiệp, doanh nhân trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế, xã hội của đất nước. Đội ngũ doanh nhân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời và tiếp đón tại Phủ Chủ tịch. Điều đó cho thấy, ngay từ ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận và đánh giá cao vai trò quan trọng của giới doanh nhân.
Chưa đầy 1 tháng sau ngày tuyên bố độc lập, trong bức thư viết ngày 13/10/1945 gửi tới “Công Thương cứu quốc đoàn” - đó là tổ chức đầu tiên của giới công thương Việt Nam, cũng là Văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân - Người viết: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay “Công Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.
Người đã khẳng định: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập hoàn toàn của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng cho đất nước".
“Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là việc kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Và Người hứa: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết” - Người nhấn mạnh.
Tại Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng đã thừa nhận các doanh nghiệp tư nhân là bộ phận hợp thành của nền kinh tế nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật với mọi doanh nghiệp khác.
Khẳng định vai trò và trách nhiệm của giới doanh nhân, năm 2004, Đảng và Nhà nước chính thức chọn ngày 13/10 làm “Ngày doanh nhân Việt Nam”.
Tính đến năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có khoảng 100 bài nói, bài viết, điện, thư cho các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Có thể thấy rõ rằng tư tưởng chủ đạo của Người về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân chính là xây dựng con người, phát triển con người, nói như cách nói hiện nay đó chính là nguồn lực, nhân lực làm ra của cải cho đất nước. Người coi doanh nhân sẽ là nguồn lực quan trọng trong việc xây dựng và kiến thiết đất nước trong mọi thời đại.
Người đã nhìn nhận rất xa, coi giới doanh nhân là một lực lượng quan trọng trong xã hội, có mối quan hệ hữu cơ giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi Nhà nước, sẽ là thành phần cơ bản quyết định vận mệnh của đất nước. Đất nước có giàu mạnh, có hùng cường hay không là nhờ vào những người làm ra của cải cho đất nước, đó là những người công thương xưa - đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày nay.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề đạo đức của các ngành nghề khác nhau, trong đó có vai trò hoạt động của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Người căn dặn các doanh nhân phải đoàn kết: Đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân và đồng bào địa phương; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ...
Xây dựng và phát triển đội ngũ Doanh nhân trong tình hình mới
Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) cũng đã đề ra đường lối đổi mới, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, coi các doanh nghiệp tư nhân là những thực thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Đặc biệt, luật doanh nghiệp ra đời và có hiệu lực từ năm 2000 đã tạo khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Vị trí vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân đã thay đổi. Những kì thị phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp dân doanh cũng được khắc phục. Năm 2004, Đảng và nhà nước quyết định chọn ngày 13/10 làm ngày doanh nhân Việt Nam. Đó là những cột mốc quan trọng trên con đường đổi mới thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về doanh nghiệp, doanh nhân.
Dưới tác động của đường lối đổi mới, những năm qua cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, cả nước đã có trên 460.000 doanh nghiệp, 1 triệu hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 133 ngàn hợp tác xã, trang trại. Nếu tính bình quân mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã có 2 đến 3 doanh nhân lãnh đạo và mỗi hộ kinh doanh, trang trại có 1 doanh nhân thì đội ngũ doanh nhân cả nước đã có gần 2,5 triệu người. Dưới sự lãnh đạo của các doanh nhân, khu vực doanh nghiệp đang đóng góp trên 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút được trên 7,4 triệu lao động, chiếm 16,3% lực lượng lao động của toàn xã hội. Doanh nghiệp, doanh nhân đang làm những việc ích nước lợi dân.
Tuy vậy, phải nghiêm túc nhìn nhận một thực tế là: số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Quy mô doanh nghiệp nước ta còn nhỏ bé, kém xa so với khu vực và thế giới, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, còn bị động trong cạnh tranh và hội nhập. Đội ngũ doanh nhân chưa xây dựng được văn hóa kinh doanh chung, chưa liên kết chặt chẽ trong hoạt động.
Một bộ phận doanh nhân chưa tuân thủ đúng pháp luật, thiếu trách nhiệm xã hội. Việc thực hiện những lời dạy của Bác đang là yêu cầu lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời gian tới cần xác định rõ: Đội ngũ doanh nhân Việt Nam là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời đại mới.
Mục tiêu phải đạt trong thời gian tới là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành hệ thống doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng vai trò quyết định trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phấn đấu để tạo được bước chuyển về chất lượng và cơ cấu doanh nghiệp: tăng tỷ trọng các doanh nghiệp lớn và vừa, và có được một số doanh nghiệp đạt tầm cỡ khu vực và thế giới.
Thực hiện được những mục tiêu trên, tức là chúng ta tiếp tục thực hiện những lời dạy của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân trong tình hình mới.
Hà Lan