Chủ động, linh hoạt ứng phó với các yếu tố cực đoan từ biến đổi khí hậu
Chính quyền và người dân vùng ĐBSCL đã và đang chủ động triển khai các giải pháp sản xuất thuận theo điều kiện tự nhiên, góp phần thực hiện có hiệu quả theo các nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.
ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu. Do vậy, chính quyền và người dân đã và đang chủ động triển khai các giải pháp sản xuất thuận theo điều kiện tự nhiên, góp phần thực hiện có hiệu quả theo các nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã đề ra.
Người dân chủ động
Trước đây, người dân ở các huyện Kế Sách, Long Phú (Sóc Trăng) và huyện Châu Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang) không phải lo nghĩ nhiều về nguồn nước, bởi có nước ngọt, phù sa từ sông Hậu luôn dồi dào quanh năm và hiện diện ở trước nhà, sau vườn của mỗi hộ dân. Ấy vậy mà vào mùa khô năm 2015-2016, nguồn nước sông Hậu đã bị sụt giảm khiến cho hàng loạt tuyến kênh, rạch nội đồng ở một số địa phương trơ đáy, hàng ngàn hecta lúa, cây màu của người dân bị thiệt hại vì thiếu nước.
Không chỉ thế, do nguồn nước ngọt trên sông Hậu bị sụt giảm, nước mặn từ biển Đông, biển Tây tiến sâu vào nội đồng thông qua hệ thống kênh, rạch làm cho thiệt hại về cây cối, hoa màu của người dân vùng ĐBSCL lại càng thêm nghiêm trọng, hàng ngàn người dân ở các địa phương, như: Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau gần như không đủ có nước để sử dụng cho sinh hoạt, tưới nước cho cây trồng.
Trước những tác động từ thiên tai, đặc biệt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 được xem là sự kiện lịch sử mấy trăm năm mới có một lần tại vùng ĐBSCL đã làm cho người dân vùng châu thổ Cửu Long, đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng đã rút ra những bài học quý giá, thay đổi suy nghĩ, tập quán canh tác và luôn trong tâm thế chủ động để thích ứng trước các yếu tố cực đoan từ BĐKH.
Thông tin với Phóng viên, ông Nguyễn Văn Bình (một người dân sinh sống cố cựu tại xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Tôi không nghĩ rằng vùng đất An Mỹ nằm sát bên dòng sông Hậu luôn dồi dào nguồn nước lại xảy ra tình trạng thiếu nước khiến cho gia đình tôi và nhiều người dân không đủ nước ngọt sử dụng, hàng trăm hecta đất ruộng vườn cũng phải bỏ không vì hạn hán, xâm nhập mặn”.
Ông Bình nhớ lại, vào mùa khô năm 2015-2016 vì thiếu nước làm gần 4 công lúa của ông đang chuẩn bị trổ bông bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Còn kênh rạch thì trơ đáy, mặt ruộng nứt nẻ, lúa bị chết khô nên ông rất buồn vì cuộc sống gia đình dựa hết vào 4 công lúa nhưng đến nay nghĩ lại, ông phải cảm ơn đợt hạn hán, xâm nhập mặn đó, vì đã giúp ông rút ra nhiều bài học và luôn cảnh giác với các yếu tố tự nhiên.
Hiện nay, vào mùa khô, ông Bình lên liếp ruộng trồng cây màu, đến mùa mưa nhiều nước, ông lại san đất ra trồng lúa, mùa nào trồng cây ấy. Chính từ sự thay đổi trong suy nghĩ, tập quán sản xuất của những người nông dân như ông Bình đã làm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra; đồng thời, cũng giúp cho người nông dân có nguồn thu nhập ổn định trên chính thửa ruộng của mình.
Trong những ngày này, đi dọc tuyến Quốc lộ 61C thuộc địa bàn TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, dễ bắt gặp những vườn cây trái, rau màu xanh tốt đang mang lại nhiều niềm vui cho người nông dân. Ông Nguyễn Văn Cường (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) cho biết: “Do thời tiết thay đổi, nguồn nước suy kiệt nên hầu hết nông dân ở xã Nhơn Nghĩa không còn cố bám vào cây lúa nữa mà lên liếp trồng cây ăn trái, rau màu. Với việc chuyển đổi cây trồng này, nông dân không còn lo thiếu nước, trồng trọt cũng khỏe hơn và điều quan trọng là thu nhập cao hơn so với trồng lúa”.
Còn tại vùng đất Long Mỹ, Vị Thanh (Hậu Giang) thì thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, để thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt này, người dân địa phương đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất như vào thời điểm mùa mưa thì người dân trồng lúa, còn mùa khô thì người dân chuyển sang trồng cây màu hoặc tận dụng nguồn nước mặn để nuôi tôm trên diện tích đất lúa.
Chính quyền đồng hành
Ông Võ Văn Tiền (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho hay: "Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên diễn ra, song được sự hướng dẫn và giúp đỡ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, tôi đã chuyển đổi 12 công đất trồng lúa 3 vụ/năm sang trồng các loại cây ăn trái như cam sành, sầu riêng, mít. Với việc chuyển đổi hình thức sản xuất này, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng, đời sống gia đình ổn định hơn".
Không riêng gì người dân ở huyện Cái Bè mà nhiều người dân ở các xã thuộc huyện Gò Công Tây cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Huỳnh Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú (huyện Gò Công Tây) cho biết: Trong những năm gần đây, địa phương đã hỗ trợ các hộ dân trong xã chuyển đổi gần 200 ha đất lúa sang trồng các loại cây ăn trái như thanh long, bưởi da xanh, dừa, mít.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Quang, khi so sánh trên cùng một đơn vị diện tích đất thì mô hình trồng cây ăn trái trên diện tích đất lúa, người dân có thu nhập cao hơn trồng lúa khoảng 10 lần và người dân không còn phải lo nghĩ nhiều về nguồn nước. Với những hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình chuyển sang trồng cây ăn trái, trong thời gian tới, Hội nông dân xã Bình Phú sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với BĐKH.
Trong thời gian qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng cũng đã được các cấp chính quyền vùng ĐBSCL tập trung triển khai thực hiện để giúp người dân thích ứng với BĐKH, đó là tiến hành chuyển đổi hàng ngàn hecta đất sản xuất lúa, mía,... kém hiệu quả sang trồng các loại cây, con phù hợp với các vùng sinh thái nguồn nước ngọt, lợ, mặn; đồng thời, tổ chức quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân.
Điển hình như ở Hậu Giang, để nâng cao hiệu quả cây trồng trên diện tích 139.000 ha đất sản xuất nông nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã điều chỉnh cơ cấu sản xuất, bố trí lịch thời vụ ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản; đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh còn xây dựng các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung chất lượng cao, vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản chủ lực phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng.
Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) cho biết: Hiện nay, ngoài việc hỗ trợ người dân địa phương xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, huyện Vị Thủy cũng đang phối hợp với nhà khoa học của các Viện, Trường Đại học để đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: gieo sạ hàng, áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, thâm canh tổng hợp, canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn..., từ đó góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.
Trong thời gian tới, với sự chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các giải pháp sản xuất nông nghiệp thuận theo điều kiện tự nhiên, ứng phó với các yếu tố cực đoan từ BĐKH, các cấp chính quyền, người dân vùng ĐBSCL tin tưởng rằng sẽ thực hiện hiệu quả theo các nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã đề ra.
Lê Hùng - Bạch Thanh