Thứ sáu, 22/11/2024 22:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/05/2021 06:00 (GMT+7)

Sạt lở ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng

Theo dõi KTMT trên

Nhiều năm trở lại đây, hiện tượng xói lở và sạt lở xảy ra ngày càng gia tăng trong hệ thống sông ở vùng ĐBSCL. Vấn đề sạt lở đã và đang xảy ra ở mức báo động, đòi hỏi các địa phương trong vùng cần có biện pháp khẩn cấp phòng, chống kịp thời.

Sạt lở trên diện rộng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có cấu tạo nền địa chất rất yếu, rất dễ bị tổn thương, nên bất kỳ một sự tác động nào của tự nhiên hay con người đều gây ảnh hưởng lớn đến vùng đất này. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, con người tác động ngày càng nhiều hơn vào thiên nhiên, khiến quá trình sạt lở trên các tuyến sông, kênh, rạch tại các tỉnh trong vùng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Sạt lở không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn đe dọa đến tính mạng hàng triệu người dân sinh sống trong vùng

Cà Mau là địa phương có tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng nhất miền Tây. 10 năm qua, sóng biển cuốn trôi của tỉnh này khoảng 1.000 ha đất, rừng phòng hộ. Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, tại bờ biển Tây dài khoảng 100 km thì có 62 km bị sạt lở. Những năm qua từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương, 40 km đê, kè đã được xây dựng.

Hiện còn khoảng 22 km ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân đang bị sạt lở nguy hiểm, chỉ còn cách đê khoảng 20-30 m. Để xử lý tình trạng này, cần kinh phí khoảng 500 tỉ đồng.

Còn bờ biển Đông dài 150 km, trong đó hơn 40 km bị sạt lở, nằm ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi; mỗi năm ăn sâu vào đất liền 30-40 m. "Trước mắt, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 800 tỉ đồng để xử lý khẩn cấp 7 điểm sạt lở rất nghiêm trọng tại bờ biển Đông, với tổng chiều dài gần 20 km", ông Nam nói.

Sạt lở ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng - Ảnh 1
Hiện trường tình trạng sạt lở đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang có 50 km trong tổng số 200 km bờ biển Tây đang bị sóng biển tàn phá. UBND Kiên Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ 900 tỉ đồng để xây kè bờ biển, bảo vệ đê, tạo bãi phát triển rừng phòng hộ.

Tại An Giang, kết quả quan quan trắc mới nhất cho thấy, có 53 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài hơn 170 km, nguy cơ ảnh hưởng khoảng 20.000 hộ dân. Trong đó, hơn 5.380 hộ cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đây là địa phương bị sạt lở bờ sông nặng nhất ĐBSCL.

Cần hơn 8.100 tỉ đồng xử lý 76 điểm sạt lở

Trước tình hình cấp bách, UBND tỉnh An Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính Phủ hỗ trợ gần 1.000 tỉ đồng, xây kè xử lý 6 đoạn sụt đất cặp trên sông Tiền, sông Hậu... với tổng chiều dài khoảng 8 km.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trước mắt đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan trình Thủ tướng hỗ trợ 2.000 tỉ đồng từ nguồn của Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL xử lý cấp bách các khu vực hư hỏng bờ sông, bờ biển.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh, thành miền Tây hơn 6.600 tỉ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để xử lý sạt lở, góp phần ổn định dân sinh, vùng ven sông, ven biển...

Tây Nam Bộ có diện tích tự nhiên 39.734 km2 , chiếm 12% diện tích cả nước. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL hình thành là do phù sa, cát sông Mekong bồi đắp trong 6.000 năm qua.

Tuy nhiên, khoảng năm 1992 đến nay, sạt lở ngày càng gia tăng, mỗi năm mất 300-600 ha đất. Từ năm 2005, đường bờ biển trong khu vực này chuyển từ bồi lắng sang sạt lở. Hiện, hơn 1/2 chiều dài bờ biển trong vùng đang bị xâm thực, có nơi mỗi năm lấn vào đất liền đến 50 m.

Theo GS.TS Nguyễn Kim Đan, Giám đốc Điều hành GIS HEDD (tổ chức nghiên cứu thủy lực cho phát triển bền vững của Pháp) cho rằng, việc khắc phục sạt lở ở ĐBSCL bằng các giải pháp công trình, bảo vệ cục bộ sẽ không thật sự hiệu quả. Do để bù lại lượng bùn cát thiếu hụt, nếu bảo vệ chỗ này thì chỗ khác sẽ bị sạt lở.

Trước tình hình biến đổi khí hậu tiếp tục tác động, xây dựng đập phía thượng lưu vẫn diễn ra thì cần phải có đánh giá tổng quan về vấn đề sạt lở cả vùng ĐBSCL ở tầm nhìn 10 năm, 20 năm tới. Sau khi có một cái nhìn toàn diện theo hướng lâu dài, mới định ra khung chiến lược để chống sạt lở. Trong đó, cần có một hành lang bờ sông đủ an toàn cho các khu dân cư để dòng chảy thuận theo tự nhiên. Những vùng nào thiết yếu cần bảo vệ về kinh tế, dân sinh thì làm kè, làm đê còn không chúng ta phải chấp nhận di dân, bỏ đê bao để đảm bảo dòng chảy thuận theo hình thái tự nhiên nó sẽ đạt đến.

Ông Nguyễn Kim Đan nhấn mạnh, vấn đề này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để khắc phục sạt lở.

"Chúng ta phải hướng tới lời giải dựa theo tự nhiên. Muốn để dòng chảy tự nhiên thì họ cũng khoanh vùng để dòng chảy lấy tự nhiên một cách nhanh nhất. Chúng ta thúc đẩy các dòng chảy về tự nhiên, khi trở lại trạng thái theo tự nhiên thì sẽ không lo về sạt lở. Đó là kinh nghiệm của nước ngoài, chúng tôi cũng mang ý định đó về Việt Nam"- ông Nguyễn Kim Đan.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thì nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng đang diễn ra tại ĐBSCL chủ yếu do thiếu hụt lượng bùn cát. Để khắc phục vấn đề này, các địa phương trong vùng ĐBSCL trước tiên cần quản lý chặt việc khai thác cát. Bên cạnh đó, trong quy hoạch cơ sở hạ tầng, khu dân cư cần xa sông rạch, cửa biển để tránh thiệt hại. Ở những nơi thiết yếu, thật cần thiết phải bảo vệ thì triển khai công trình bảo vệ, nhưng cần hạn chế việc xây dựng các công trình bảo vệ ở mức thấp nhất vì bảo vệ nơi này sẽ dẫn đến sạt lở ở nơi khác. Trong thời gian tới, tình hình sạt lở vẫn sẽ diễn ra trong vùng ĐBSCL cho đến khi lượng bùn cát được bù lấp đủ nên cần thuận theo tự nhiên, để thiên nhiên tự đạt đến mức cân bằng nhanh nhất thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề sạt lở.

Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP.HCM chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở tại ĐBSCL hiện nay. Nguyên nhân do xuất hiện hàm ếch, xây dựng cơ sở hạ tầng trên bề mặt, tăng áp xuất do mưa và nguyên nhân do áp lực thấm. Trong đó, hiện tượng sạt lở bờ do hàm ếch thường xuất hiện ở thượng lưu sông Tiền và sông Hậu, vùng ảnh hưởng lũ như Đồng Tháp, An Giang. Vào mùa lũ, ở những đoạn sông cong đi qua hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, dòng chảy gây xói lở mái dốc tạo thành những hàm ếch; hàm ếch làm giảm lực ma sát trên cung trượt dẫn đến mái dốc mất ổn định, gây lạt lở xuống lòng sông.

Đại học Quốc gia TP.HCM cũng chỉ ra nguyên nhân sạt lở tại ĐBSCL một phần do con người xây dựng cơ sở hạ tầng trên bề mặt sông như: nhà ở, đường giao thông làm tăng thêm trọng lượng tác động lên bờ sông dẫn đến mất cân bằng và gây trượt bờ sông. Hiện hầu hết các hiện tượng sạt lở bờ sông nghiêm trọng được ghi nhận tại ĐBSCL trong thời gian qua đều có công trình bên trên như: Sạt lở Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang), sạt ở bờ sông Ô Môn (Cần Thơ) và mới đây nhất là vụ sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 91 (huyện Châu Phú, An Giang) giữa năm 2019...

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Sạt lở ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới