Sụt lún đất ở ĐBSCL đang nhanh hơn gấp nhiều lần so với nước biển dâng
Tình trạng sụt lún đất ở ĐBSCL được các chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo cách đây rất nhiều năm và nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún đất là do việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát thời gian qua.
Số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đồng bằng sông Cửu Long đang sụt lún 1 cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7 cm/năm tại một số địa điểm. Gần đây, hạn hán, ô nhiễm và xâm nhập mặn đã làm gia tăng việc sử dụng nước ngầm do thiếu nước sử dụng, đặc biệt là vào mùa khô. Để tránh thiệt hại trên diện rộng, việc khai thác nước ngầm cần phải được quản lý chặt, sử dụng khai thác hợp lý sẽ giảm được vấn đề sụt lún đất.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ, thành phố đã đặt 16 trạm quan trắc mặt nước dưới đất trên địa bàn các quận, huyện. Đối với huyện Cờ Đỏ, lượng khai thác nước ngầm cao nhất trên địa bàn thành phố, việc khai thác để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn. Cần Thơ khai thác nguồn nước ngầm có 4 mục đích gồm: cung cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và mục đích khác. Trong thời gian qua, thành phố quản lý và kiểm soát chặt việc khai thác nước ngầm trên địa bàn.
Theo thống kê về thực trạng quản lý nước ngầm và vấn đề sụt lún tại Cần Thơ, sụt lún đất đang xảy ra tại Cần Thơ thể hiện qua các tác động đến cơ sở hạ tầng của thành phố ở mức độ mà người dân có thể nhận thấy những thay đổi. Tốc độ sụt lún do Bộ Tài nguyên và Môi trường đo lường tăng lên 4,37 cm/năm từ năm 2005-2017.
Khảo sát của InSAR (Ra đa khẩu độ tổng hợp giao thoa) từ năm 2015-2019 cho thấy, Cần Thơ là điểm nóng về sụt lún với tốc độ vượt quá 5 cm/năm ở hầu hết các khu vực. Nguyên nhân gây ra sụt lún là do khai thác nước ngầm quá mức. Cần Thơ có dân số tăng nhanh và sự phát triển khu công nghiệp dẫn đến nhu cầu sử dụng nước ngầm cao. Bên cạnh đó, việc gia tăng cơ sở hạ tầng làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún đất ở các khu vực đô thị; ngập lụt gia tăng khi triều cường ảnh hưởng đến đời sống đô thị và một số khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo TS Hà Quang Khải, Trường Đại học bách khoa TP. HCM cho biết, tình trạng khai thác nước ngầm được cảnh báo từ nhiều năm trước, việc khai thác nước ngầm quá mức gây ra nhiều hệ lụy sụt lún, ô nhiễm tầng chứa nước. Số liệu thống kê năm 2010 đã có hơn 2 triệu m3 nước được khai thác/ngày, thực tế con số có thể hơn 2 triệu m3 nước được khai thác ở ĐBSCL.
Tiến sĩ Hà Quang Khải cho rằng, nhu cầu sử dụng nước ngầm ở Cần Thơ ngày càng tăng, tình trạng mặn đã xuất hiện ở một số giếng khoan và vấn đề sụt lún đất đáng quan tâm của Cần Thơ. Nếu không có giải pháp thì sụt lún đất sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn.
"Khai thác nước ngầm ở Cần Thơ là rất thuận lợi, nhưng kèm theo những rủi ro về xâm nhập mặn, rủi ro về sụt lún mặt đất. Do vậy, để quản lý khai thác nước ngầm cho phù hợp, chúng ta có thể tìm nguồn nước khác thay thế hoặc chúng ta có thể tìm giải pháp để duy trì, hạn chế mực nước hạ thấp mực nước ngầm thông qua bổ sung nhân tạo hoặc giảm khai thác nước ngầm"- TS Hà Quang Khải cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia sinh thái nghiên cứu độc lập ĐBSCL cho rằng, việc khai thác nước ngầm quá mức khiến mực nước ngầm giảm nhanh dẫn tới tình trạng sụt lún đất. Vì vậy, cần phải quản lý, khai thác nước ngầm có hiệu quả để hạn chế tình trạng sụt lún đất.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chỉ rõ, sụt lún đang gấp 3-4 lần, có những điểm nóng về sụt lún đất đang gấp tới 10 lần so với nước biển dâng, do đó cần phải ưu tiên giải quyết. Về lâu dài, tăng cường sử dụng nước mặt để thay thế sử dụng nước ngầm, muốn làm được điều này phải khôi phục được các sông ngòi, đưa nước vào ruộng đồng và hạn chế lúa vụ 3, chuyển hướng nền nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ giảm thâm canh, chú trọng đến chất lượng hơn số lượng để giảm bớt phân bón, thuốc trừ sâu.
"Khai thác nước ngầm quá mức, mực nước ngầm giảm quá nhanh, dẫn tới sụt lún đất, chúng ta thấy nhu cầu rất rõ phải tiết giảm, quản lý khai thác nước ngầm. Trước mắt chúng ta thực hiện Nghị định 167 về quản lý nguồn nước ngầm, nhưng về lâu dài câu trả lời nằm ở định hướng Nghị quyết 120 là thuận thiên, trong đó việc cốt lõi là chuyển hướng nền nông nghiệp"- Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết.
Phạm Hải