Chính thức khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Sáng 17/6, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với 4 tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng đã khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là cao tốc trục ngang đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long. Tổng chiều dài của cao tốc là hơn 188 km với điểm đầu là Quốc lộ (QL) 91 thuộc TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, điểm cuối Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề tỉnh Sóc Trăng.
Theo chủ trương, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia thành 4 dự án thành phần, do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Dự án có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục, vận tốc thiết kế 100 km/giờ giai đoạn I. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Phát biểu tại lễ khởi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ được kỳ vọng là 1 trong 6 tuyến cao tốc thay đổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Dự án cao tốc đi qua trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long với năng lực lưu thông lớn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải cũng tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa phát triển Kinh tế - Xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phát huy hiệu quả các tuyến trục dọc, từng bước hình thành trục kết nối giao thông trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây.
Việc thực hiện đầu tư tuyến cao tốc là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng và phát triển Kinh tế - Xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến cao tốc cũng góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, trong đó, định hướng xây dựng vùngĐồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế trọng điểm với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững.
"Thực hiện 3 đột phá chiến lược được Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã đưa vào 566 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng lên 1.729 km", Thủ tướng Chính phủ cho biết.
Được biết, Để dự án được triển khai nhanh chóng, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia làm 4 tiểu dự án gồm Dự án thành phần 1 qua tỉnh An Giang và TP Cần Thơ, dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư gần 13.800 tỷ đồng; dự án thành phần 2 qua TP Cần Thơ, dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng; dự án thành phần 3 qua tỉnh Hậu Giang, dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng; dự án thành phần 4 qua tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Dự án được đầu tư xây dựng nhằm hình thành trục ngang trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long qua 4 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo dư địa, động lực, không gian phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, khi cao tốc hoàn thành, người dân 4 địa phương lân cận không phải đi vòng vèo, đường nhỏ hẹp, tiết kiệm thời gian.
Song Anh